Chương trình truyền thông hưởng ứng Ngày Sức khỏe Tiêu hóa Thế giới

Phó giáo sư Trần Thanh Dương - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng nhấn mạnh mỗi người cần có chế độ ăn uống lành mạnh, đủ chất để đảm bảo hệ tiêu hóa khỏe vì đây là chìa khóa đem đến sức khỏe tổng thể.

Cần có chế độ ăn uống lành mạnh, đủ chất để đảm bảo hệ tiêu hóa khỏe. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Cần có chế độ ăn uống lành mạnh, đủ chất để đảm bảo hệ tiêu hóa khỏe. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Miễn dịch đường ruột cùng với sự cân bằng của hệ vi khuẩn đường ruột đang ngày càng được khẳng định là có vai trò quan trọng trong nhiều vấn đề sức khỏe mạn tính như hội chứng ruột co thắt, hội chứng chuyển hoá, béo phì, đái tháo đường type 2, bệnh tim mạch, ung thư…

Vì vậy, trong Chương trình truyền thông hưởng ứng Ngày Sức khỏe Tiêu hóa Thế giới 2024 với thông điệp “khoẻ tiêu hóa-bụng cười, đời tươi”, tổ chức ngày 29/5 tại Hà Nội, Phó giáo sư Trần Thanh Dương - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia nhấn mạnh mỗi người cần có chế độ ăn uống lành mạnh, đủ chất để đảm bảo hệ tiêu hóa khỏe vì đây là chìa khóa đem đến sức khỏe tổng thể.

Chủ đề của Ngày Sức khỏe Tiêu hóa Thế giới 2024 là Ưu tiên hàng đầu cho sức khoẻ tiêu hoá. Theo đó, ưu tiên sức khoẻ tiêu hóa được nhận định là điều tối quan trọng để tăng cường sức khoẻ tổng thể và chất lượng cuộc sống.

Phân tích cụ thể hơn vai trò của hệ tiêu hóa, Phó giáo sư Trần Thanh Dương - cho biết tiêu hóa là quá trình các chất dinh dưỡng trong thực phẩm được tiêu hóa và hấp thu để cơ thể sử dụng. Nếu sức khỏe một trong các bộ phận của hệ tiêu hóa bị tổn hại, sẽ gây suy dinh dưỡng, rối loạn chức năng các cơ quan, có thể đối mặt với những hậu quả lớn về sức khỏe. Ví dụ, tiêu chảy dẫn đến mất kẽm quá mức, gây ra bệnh tiêu chảy kéo dài. Mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột có thể dẫn đến chứng rối loạn vi khuẩn, có liên quan đến các tình trạng như: béo phì, viêm ruột, bệnh celiac, ung thư ruột kết.

Cũng theo ông Dương, hệ thống niêm mạc ruột chỉ gồm một lớp tế bào để đảm bảo việc hấp thu nhanh dưỡng chất, nước và các chất điện giải cung cấp cho nhu cầu cơ thể. Để bảo vệ "biên giới" mỏng manh này, cơ thể thích nghi bằng cách tập trung các mô miễn dịch phía dưới niêm mạc ruột để kịp thời tối ưu hoá đáp ứng miễn dịch một cách liên tục.

PGS.TS. Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia phát biểu tại chương trình.jpg
Phó Giáo sư Trần Thanh Dương - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ông Dương cho hay một trong những cách tốt nhất để tăng sự đa dạng của hệ vi sinh vật đường ruột là ăn nhiều loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật, tăng cường chất xơ và bổ sung thực phẩm hỗ trợ sức khỏe đường ruột như thực phẩm giàu prebiotic. Thực phẩm giàu probiotics là những sinh vật có lợi, củng cố hàng rào bảo vệ đường ruột được tạo ra thông qua quá trình lên men như sữa chua, dưa cải bắp, kim chi…

Bên cạnh đó, thực phẩm giàu chất xơ đóng một vai trò quan trọng đối với sức khỏe đường ruột, giúp điều chỉnh tốc độ thức ăn di chuyển qua đường ruột. Chất xơ chống lại quá trình tiêu hóa ở ruột non, sau đó đến ruột già và lên men, tạo ra các axit béo chuỗi ngắn, một nguồn nhiên liệu quan trọng cho cơ thể. Chất xơ cũng bổ sung số lượng lớn và cải thiện tính đều đặn, giảm tiếp xúc của chúng ta với các hợp chất nguy hiểm tiềm tàng. Sự phân hủy của chất xơ điều chỉnh cân bằng độ pH, thúc đẩy môi trường tối ưu cho vi khuẩn có lợi.

Cũng theo ông Dương, đường ruột cân bằng giúp cơ thể chúng ta phân hủy thức ăn tốt hơn. Khi đường ruột mất cân bằng, đường ruột có thể bắt đầu nuôi vi khuẩn xấu và khiến cơ thể có thể cảm thấy các triệu chứng tiêu hóa kém như đầy hơi, táo bón cũng như ruột bị rò rỉ hoặc nhạy cảm với thức ăn.

Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng cho hay đồ uống có đường có thể khó tiêu hóa và gây đầy hơi, chướng bụng; thực phẩm nhiều chất béo làm chậm quá trình tiêu hóa, vì vậy thức ăn sẽ chậm tiêu; đồ uống có gas có thể làm đầy hơi dạ dày; rượu và caffein có thể kích thích quá mức đường ruột. Hệ tiêu hóa rất quan trọng với sức khỏe con người. Chế độ dinh dưỡng khoa học, cân đối, phù hợp với từng cá thể là rất cần thiết để cơ thể khỏe mạnh./.

Từ năm 2004, vào Ngày Sức khỏe Tiêu hóa Thế giới 29/5 hàng năm, Tổ chức Tiêu hóa Thế giới (WGO) khởi xướng chiến dịch y tế công cộng trên toàn thế giới nhằm truyền thông kiến thức đến công chúng và y giới về việc phòng ngừa, chẩn đoán, quản lý và điều trị các bệnh tiêu hóa, rối loạn tiêu hóa. Chủ đề của Ngày Sức khỏe Tiêu hóa Thế giới 2024 là “Ưu tiên hàng đầu cho sức khoẻ tiêu hoá.”

Từ năm 2022, hưởng ứng Ngày Sức khỏe Tiêu hóa Thế giới 29/5, Báo Sức khỏe và Đời sống đồng hành cùng Viện Dinh dưỡng Quốc gia tổ chức phát động Chương trình truyền thông thường niên nhằm nâng cao ý thức chăm sóc sức khỏe tiêu hóa của cộng đồng, giúp cộng đồng có nhận thức đúng về ý nghĩa của hệ tiêu hóa đối với sức khỏe, các giải pháp dinh dưỡng lành mạnh, tăng cường đề kháng, xây dựng thói quen tốt để chăm sóc hệ tiêu hoá khoẻ mạnh tự nhiên, từ đó giúp tăng cường sức khỏe tổng thể.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục