Chuyện cuối tuần: Đau lòng vì Goetz không đẹp trai

Thật "đau lòng" khi làng bóng đá Việt Nam không có một ai đẹp giai như anh trọng tài Hàn Quốc làm nhiệm vụ tại SEA Games 26.
Không phải chỉ đến khi cuốn sách “Sát thủ đầu mưng mủ” ra đời thì những câu “thành ngữ hiện đại” mới trở thành trào lưu trong giới trẻ. Mà cũng không chỉ trong giới trẻ, những câu nói kiểu như “chán như con gián,” “thi xong xuôi tất cả lại về” từ lâu đã trở thành câu cửa miệng của mọi giới. Câu nào được một số người dùng với tần suất cao là y như rằng sẽ nhanh chóng lan truyền rất nhanh.

Chẳng hạn gần đây nhất, sau khi một ông sếp của ngành điện phát biểu rằng “đau lòng khi lương cán bộ chỉ có 7,3 triệu,” lập tức thiên hạ đua nhau mượn lại câu nói này gắn vào các ngữ cảnh khác nhau với hàm ý châm biếm. Trong thể thao, “thành ngữ” này cũng được áp dụng. Khi đội bóng đá U23 thất bại thảm hại ở SEA Games 26, nhiều người nói vui rằng “đau lòng vì các cầu thủ không nhận được món tiền thưởng triệu đô.” Câu nói đó có ý ngầm trách đội bóng đá được đầu tư rất lớn nhưng chỉ khiến người hâm mộ thất vọng, trong khi các vận động viên của các môn thể thao khác, dù thiếu thốn đủ bề nhưng đã giúp đoàn Việt Nam kết thúc SEA Games với thành tích 96 huy chương vàng.

Từ chuyện này, người hâm mộ còn có thể áp dụng câu thành ngữ “đau lòng khi…” với trường hợp của huấn luyện viên Falko Goetz. Bởi ở SEA Games, chả đội nào được dẫn dắt bởi một ông thầy có bản lý lịch “hoành tráng” đồng thời được trả lương cao như huấn luyện viên người Đức của đội U23 Việt Nam. Vậy mà trong khi những ông thầy nội đưa Malaysia, Indonesia lọt vào chung kết thì ông Goetz thậm chí còn không thể giúp đội U23 giành được chiếc huy chương đồng. Đúng là cũng đau lòng thật.

Nhưng đau lòng hơn nữa là sau giải đấu, báo chí thi nhau bới móc những chuyện không hay trong nội bộ đội U23. Nhiều tờ báo đặt nghi vấn có một số cầu thủ đã bán rẻ lương tâm, cho rằng trận gặp U23 Lào ở lượt cuối vòng bảng là “có mùi.” Tờ thì trách ông trưởng đoàn không quản chặt các cầu thủ, để họ tha hồ sử dụng điện thoại, máy tính, gặp gỡ người lạ ở khách sạn. Có tờ thì lại mượn lời các trợ lý xỉa xói ông thầy người Đức là “có vấn đề về chuyên môn,” đưa ra những bài tập hoàn toàn không phù hợp với các cầu thủ Việt Nam.

Nói tóm lại, có đủ mọi lý do để giải thích cho thất bại có lẽ là đau đớn nhất của bóng đá Việt Nam ở đấu trường khu vực kể từ khi hội nhập trở lại.

Nhưng vấn đề đặt ra là nếu những vấn đề nói trên là đúng thì tại sao nó lại không được ngăn chặn từ trước, bởi thực tế đó cũng đều là những vấn đề quen thuộc, vẫn hay được lôi ra mỗi khi đội nhà thất trận. Tại sao những tiếng nói phản biện của các nhà chuyên môn lúc trước và trong khi diễn ra giải đấu bị bỏ qua. Hay vì vào thời điểm đó, mọi ý kiến trái chiều đều bị coi là “phá hoại,” bởi khi ấy thì tinh thần dân tộc đang lên cao ngất trời?

Chỉ tội cho ông huấn luyện viên người Đức, gần một tuần sau thất bại ở SEA Games thì mới mở lời, rằng “Việt Nam có trình độ thấp hơn Malaysia và Indonesia,” rồi “giá như biết được thông tin về các cầu thủ cũng như đối thủ sớm hơn”…

[Ông Goetz lần đầu lên tiếng sau thất bại của đội U23]

Tóm lại, nói theo “thành ngữ” các nhà bình luận bóng đá vẫn hay dung là “thất bại này đã khiến chúng ta vỡ ra nhiều điều.” Vỡ gì chưa biết nhưng có một điều chắc chắn là đội bóng đã vỡ mộng được thưởng triệu đô, người hâm mộ vỡ mộng huy chương vàng và liên đoàn bóng đá thì vỡ mộng vào ông huấn luyện viên đến từ Bundesliga có lý lịch hoành tráng nhất trong các đời thầy ngoại.

Còn từ góc độ bản thân, người viết cũng vỡ mộng vì trước nay chỉ nghĩ đơn giản rằng trong bóng đá thì người ta chỉ quan tâm đến yếu tố chuyên môn. Một yếu tố không kém phần quan trọng khác là cần phải đẹp giai và có nụ cười tươi, như anh trọng tài người Hàn Quốc Kim Jong Hyeok bắt chính 3 trận có Việt Nam thi đấu ở SEA Games. Trên Facebook có cả một trang do người hâm mộ anh trọng tài này lập nên với hàng ngàn thành viên. Rồi thậm chí anh trọng tài còn được mời sang Việt Nam và có hẳn một buổi họp báo ra mắt hoành tráng.

Ngẫm ra, thật "đau lòng" khi làng bóng đá Việt Nam không có một cầu thủ, huấn luyện viên, trọng tài hay quan chức nào đẹp giai như anh trọng tài Hàn Quốc!

* Chuyên mục xuất hiện vào thứ Bảy hàng tuần ở phần Thể thao.



Hoài Sa (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục