Chuyên gia: GDP Việt Nam sẽ tăng 5,5-6% trong giai đoạn 2022-2023

Các chuyên gia kinh tế dự báo với kịch bản cơ sở, GDP Việt Nam sẽ tăng từ 5,5-6% trong giai đoạn 2022-2023 và ở kịch bản tiêu cực, GDP chỉ tăng ở mức 4,5-5%.
Chuyên gia: GDP Việt Nam sẽ tăng 5,5-6% trong giai đoạn 2022-2023 ảnh 1Toàn cảnh Diễn đàn “Dự báo kinh tế Việt Nam 2022-2023: Kịch bản tăng trưởng và triển vọng một số ngành kinh tế chính” diễn ra ngày 12/5. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đại dịch COVID-19 chưa có hồi kết, thêm vào đó cuộc xung đột Nga-Ukraine vẫn ngày một căng thẳng là những tác nhân có thể tác động lên nền kinh tế Việt Nam năm 2022-2023 cũng như triển vọng tăng trưởng của các ngành kinh tế.

Các chuyên gia nhận định các vấn đề này một mặt mở ra những thay đổi rất lớn về cơ hội song cũng tạo nên không ít thách thức đối với phát triển kinh tế của các quốc gia trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Dấu hiệu khởi sắc

Đầu năm, Chính phủ đã đặt ra các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của năm 2022 (Nghị quyết số 01) với tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khoảng 6-6,5%, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 3.900 USD, tỷ trọng công nghiệp chế biến-chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,5-25,8% đồng thời tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đặt mục tiêu phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mục tiêu của giai đoạn 2021-2025 (Nghị quyết số 11/NQ-CP) với tăng trưởng GDP bình quân 6,5-7%/năm và tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4% đồng thời giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung hạn và dài hạn…

Tại Diễn đàn “Dự báo kinh tế Việt Nam 2022-2023: Kịch bản tăng trưởng và triển vọng một số ngành kinh tế chính,” do Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức ngày 12/5, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết sau chặng đường 4 tháng, mặc dù tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, song nhìn chung nền kinh tế trong nước tiếp tục phục hồi và có nhiều dấu hiệu khởi sắc ở một số ngành, lĩnh vực.

Cụ thể, tăng trưởng GDP quý 1 ước đạt 5,03% so với cùng kỳ đồng thời lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 4 tháng tăng 2,1%, theo đó các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng được bảo đảm và thu ngân sách nhà nước đạt kết quả khả quan.

Thứ trưởng nhấn mạnh chỉ số Môi trường kinh doanh của Việt Nam đã đạt 73 điểm phần trăm và tăng 12 điểm phần trăm so với quý 4/2021, đây là mức cao nhất kể từ sau đợt dịch bùng phát lần thứ 4. Mặt khác, số doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng đạt 49.591 doanh nghiệp, mức cao nhất (trong cùng giai đoạn) từ trước đến nay tại Việt Nam.

Điểm nhấn khác là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện (trong 4 tháng) đạt 5,92 tỷ USD, ông Phương cho biết đây cũng là giá trị cao nhất (4 tháng đầu năm) trong các năm 2018-2022, điều này tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế năm 2022.

Tuy nhiên bên cạnh những tín hiệu lạc quan, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng cần nhìn nhận một thực tế tình hình nhìn chung vẫn còn rất khó khăn. Cụ thể, thách thức đang ngày càng lớn khi đại dịch COVID-19 chưa kết thúc trong bối cảnh bức tranh kinh tế-chính trị quốc tế đang có những biến động rất lớn.

“Do đó, công tác dự báo về triển vọng kinh tế vĩ mô cũng như kinh tế ngành cần được cập nhật dựa trên những phân tích khoa học, chuyên sâu và đa chiều. Đây là những nỗ lực rất cần thiết, nhằm góp sức cho công tác hoạch định chính sách cũng như hoạt động của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, để cùng hiện thực hóa mục tiêu phát triển Đất nước như các Nghị quyết của Chính phủ đã đề ra,” ông Phương nói.

Chuyên gia: GDP Việt Nam sẽ tăng 5,5-6% trong giai đoạn 2022-2023 ảnh 2

Kinh tế số là động lực tăng trưởng mới

Dựa trên nguồn dữ liệu từ khoảng 1.700 công ty đại chúng với tổng vốn hóa 6,7 triệu tỷ đồng (chiếm 130% GDP năm 2021) và tổng doanh thu 2,8 triệu tỷ đồng (chiếm 55% GDP năm 2021), Chủ tịch FiinGroup Nguyễn Quang Thuân đã đưa ra một số phân tích và nhận định về triển vọng các ngành của Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Quang Thuân, hầu hết các nhóm ngành đang ghi nhận sự hồi phục song phần lớn đưa thể về mức độ tăng trưởng trước khi COVID-19 diễn ra. Cụ thể tại thời điểm này, một số ngành có sự hồi phục rất chậm, như hàng không-du lịch quốc tế, xây dựng-vật liệu, do đó cần có chính sách kích hoạt để hồi phục mạnh hơn, nhằm góp sức tăng trưởng kinh tế cao hơn, nhất là trong bối cảnh môi trường lãi suất đã “tạo đáy” và lạm phát có thể gia tăng vượt kỳ vọng.

Trong khi đó, giáo sư, tiến sỹ Trần Thọ Đạt đánh giá kinh tế số sẽ là một động lực tăng trưởng mới tại Việt Nam. Ông cho rằng kinh tế số có thể đóng góp từ 6,9%-16,5% trong 100% tốc độ tăng năng suất lao động tổng thể của cả nền kinh tế trong thập niên này.

Ông Thọ dẫn chứng báo cáo SEA 2021 của Google, Temasek và Bain eConomy cho hay tổng giá trị giao dịch kỹ thuật số của Việt Nam được dự báo sẽ đạt 220 tỷ USD vào năm 2030, đứng thứ hai Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia.

Cũng liên quan đến kinh tế số, tiến sỹ Cấn Văn Lực cho rằng kinh tế internet đã tăng nhanh tại Philippines, Indonesia và Malaysia trong 2 năm qua, nhưng sẽ tăng nhanh hơn tại Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025. Do đó, kinh tế số chính là một trong ba động lực rõ nét, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới.

Dựa trên phân tích ảnh hưởng của các diễn biến kinh tế lớn đến Việt Nam, ông Lực dự báo 2 kịch bản cho tăng trưởng GDP năm 2022-2023. Với kịch bản cơ sở, GDP Việt Nam sẽ tăng từ 5,5-6% trong giai đoạn này và ở kịch bản tiêu cực, GDP chỉ tăng ở mức 4,5-5%.

“Các biến số trong 2 kịch bản trên sẽ phụ thuộc vào mức độ thực hiện chương trình phòng, chống dịch và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội năm 2022-2023 cũng như khả năng Việt Nam giảm thiểu tác động từ chiến sự Nga-Ukraina,” ông Lực trao đổi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục