Ngày 2/12, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương và đoàn chuyên gia Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cùng các sở, ngành có liên quan đã trình xem xét báo cáo về kết quả khảo sát nghiên cứu cuối kỳ dự án phát triển phương tiện xe buýt nhanh (BRT) và dự án phát triển đô thị lấy đầu mối giao thông làm trung tâm ở tỉnh Bình Dương.
Dự án phân ra nhiều giai đoạn đầu tư với tổng nguồn vốn dự kiến hơn 6.000 tỷ đồng. Phương án đầu tư dự án được các nhà hoạch định tính toán đề xuất vay bằng nguồn vốn ODA.
Cụ thể, giai đoạn 1 từ năm 2018 đến năm 2020 dự kiến đầu tư 1.557 tỷ đồng; giai đoạn tiếp theo đến năm 2030 dao động từ 5.359 tỷ đồng đến 6.207 tỷ đồng, từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản; trong đó, phải có vốn đối ứng từ ngân sách. Theo báo cáo đề xuất dự án sẽ trình Chính phủ phê duyệt và trình xin vay nguồn vốn ODA để thực hiện dự án.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm cho rằng, việc dự án đề xuất vay vốn ODA để đầu tư không thuộc thẩm quyền quyết định của tỉnh, mà tất cả nguồn vốn ODA là do Trung ương quyết.
Ông Liêm đánh giá, dự án tuyến xe buýt nhanh qua nghiên cứu về tương lai sẽ góp phần quan trọng giảm việc phương tiện cá nhân và phát triển đô thị dọc theo tuyến xe buýt đi qua từ Suối Tiên về đến thành phố mới Bình Dương dài hơn 31km.
Báo cáo của các nhà nghiên cứu của JICA khẳng định, thông qua tính toán chi phí, dự án xe buýt nhanh có thể thu hồi vốn bằng hiệu quả kinh tế từ gián tiếp như thu thuế các dự án bất động sản; từ kêu gọi thu hút các doanh nghiệp đầu tư và thu tiền vận chuyển hành khách…
Qua tính toán, lũy kế trong vòng 30 năm thực hiện dự án (2018-2048) mức thu thuế là hơn 10.000 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần ngân sách tỉnh bỏ ra vốn đối ứng vốn 2.600 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, các nhà chuyên môn cho rằng, việc đầu tư tuyến xe buýt bằng nguồn vốn ODA lên đến hàng nghìn tỷ đồng cần phải tính toán cẩn trọng. Bởi vì hiện nay trên địa bàn tỉnh có rất nhiều tuyến xe buýt đang hoạt động nối thông thương với các tỉnh, thành trong khu vực và đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa thông qua các đơn vị vận tải, doanh nghiệp đầu tư từ nguồn vốn tư nhân, nhưng chưa có dự án nào đầu tư vốn lớn như thế.
Do đó, việc đầu tư bằng nguồn vốn ODA cho xe buýt là một quá trình cần có tính toán kinh tế rõ ràng và bảo đảm đầu tư có hiệu quả, nếu không dự án làm phát sinh nợ công mà không hiệu quả về giảm phương tiện xe cá nhân và các phương tiện khác./.