Chuyên gia: "Ngân hàng Nhà nước nên trả vàng về cho thị trường"

Để hạn chế vàng hóa, đôla hóa nền kinh tế, cần hướng tới phát triển một thị trường lành mạnh và hạn chế đầu cơ vàng, quán triệt các nguyên tắc quản lý trong nền kinh tế thị trường.

Khách hàng giao dịch vàng tại doanh nghiệp. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Khách hàng giao dịch vàng tại doanh nghiệp. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Giá vàng đang trong những phiên biến động mạnh nhất lịch sử. Không chỉ giảm sâu mà chênh lệch mua vào - bán ra cũng lên mức kỷ lục, khiến người mua vàng chịu nhiều thiệt thòi.

Nhà đầu tư đối diện nguy cơ thua lỗ

Tính đến 17 giờ ngày 29/12, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn và Công ty Doji Hà Nội niêm yết giá vàng miếng SJC 71-76 triệu đồng/lượng, giảm 2,5 triệu đồng/lượng so với chốt phiên trước.

Tập đoàn Doji cũng hạ giá vàng miếng SJC về mức 71-76 triệu đồng/lượng, giảm 3 triệu đồng so với cuối giờ chiều 27/12.

Còn Công ty Phú Quý giao dịch quanh mức 70,5-75 triệu đồng, giảm 1,5 triệu đồng/lượng.

Tần suất điều chỉnh giá của các doanh nghiệp vàng dày đặc theo từng phút, tùy theo nhu cầu mua-bán của người dân.

Đáng nói, với nhu cầu mua-bán vàng tăng cao, các doanh nghiệp đã điều chỉnh chênh lệch giá vàng chiều mua vào và bán ra lên mức kỷ lục, có thời điểm lên tới 5 triệu đồng mỗi lượng.

Theo ghi nhận, sau các nhịp giảm sốc, giá vàng có dấu hiệu hồi phục về cuối ngày 28/12, nhưng sang đầu giờ sáng ngày 29/12, giá vàng miếng lại tiếp tục giảm mạnh và mất tới gần 4 triệu đồng/lượng so với cuối ngày 28/12, đưa giá mua về phạm vi 70-71 triệu đồng/lượng, giá bán lùi về 74-75 triệu đồng/lượng. Sau 24 giờ, giá vàng mất khoảng 7 đến hơn 8 triệu đồng/lượng chiều mua và 5-6 triệu đồng/lượng chiều bán. Chênh lệch mua-bán thì vẫn neo cao 4-5 triệu đồng.

Như vậy, nếu người mua “ôm” vàng từ mức giá 80 triệu đồng/lượng đến sáng nay sẽ thiệt hại khoảng 9-10 triệu đồng nếu bán ra. Đà giảm nhanh chóng của vàng SJC không chỉ gây ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư mà còn tạo ra sự thiệt hại tài chính đáng kể.

Bên cạnh đó, những người mua mới cũng không tránh khỏi rủi ro khi chênh lệch mua-bán vẫn ở mức cao từ 5-4 triệu đồng/lượng, ngay cả khi đã mua vào ở mức giá thấp hơn, vì vừa mua khỏi tay đã lỗ ngay 3-4 triệu đồng mỗi lượng ở khoản chênh lệch mua-bán.

Các chuyên gia khuyến cáo, trong bối cảnh thị trường vàng SJC đang trải qua những biến động mạnh mẽ và không dự đoán trước được, nhà đầu tư cần hết sức thận trọng khi đưa ra quyết định đầu tư vào vàng. Có một số yếu tố cần được xem xét cẩn thận trước khi quyết định mua vàng.

Kịch bản giá vàng tăng phi mã và rơi tự do không phải diễn ra lần đầu. Lý giải sự lệch pha này, giới chuyên gia cho rằng, thị trường vàng miếng là thị trường đặc biệt, thường được gọi là thị trường không hoàn hảo. Bên cạnh đó, chênh lệch mua vào-bán ra bị đẩy lên ngưỡng cao, khiến nhà đầu tư đối diện nguy cơ thua lỗ.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc các đơn vị kinh doanh trong nước điều chỉnh chênh lệch mua vào-bán ra quá cao sẽ đẩy rủi ro về phía người mua.

"Giá vàng mua vào và bán ra chỉ chênh lệch nhau vào khoảng dưới 300.000 đồng/lượng là hợp lý. Tuy nhiên với mức chênh 500.000 đến 1 triệu đồng/lượng là cao và trên 1 triệu đồng/lượng là rất cao," ông Hiếu nói.

Lý giải về mức chênh mua vào - bán ra kỷ lục của giá vàng SJC, ông Đinh Nho Bảng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam cho biết với những biến động lớn, các đơn vị kinh doanh sẽ niêm yết chênh lệch giá mua vào-bán ra cao. Đây là kỹ thuật trong kinh doanh, để giúp đơn vị kinh doanh tránh rủi ro.

Nghị định 24 cần phải được chỉnh sửa

Các chuyên gia phân tích Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã thiết lập lại trật tự thị trường vàng, ngăn được tình trạng vàng hóa. Tuy nhiên mấy năm gần đây, giá vàng trong nước liên tục tăng, cao hơn rất nhiều so với giá vàng thế giới, cho thấy nhiều quy định tại Nghị định 24 không còn phù hợp với nền kinh tế thị trường mang tính cạnh tranh hiện nay.

Nghị định 24 ra đời khi giá vàng thế giới ở mức 1.670 USD/ounce và giá vàng trong nước khoảng 42,5 triệu đồng/lượng. Nếu trước đây chênh lệch thế giới vàng trong nước từ mức quanh 2 triệu đồng, nay có lúc trên 18 thậm chí là gần 20 triệu đồng/lượng. Những con số này đã phần nào nhìn thấy từ sự bất cập của Nghị định 24.

vnp-o96a1578-4371.jpg
Khoảng cách giữa mua và bán vàng được nới rộng tới 5 triệu đồng mỗi lượng, cao nhất từ trước đến nay. (Ảnh:

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhấn mạnh: “Để hạn chế vàng hóa, đôla hóa nền kinh tế, chúng ta cần hướng tới phát triển một thị trường lành mạnh và hạn chế đầu cơ vàng. Trong đó cần mạnh dạn thay đổi tư duy quản lý thị trường vàng, quán triệt các nguyên tắc quản lý trong nền kinh tế thị trường. Đó là Ngân hàng Nhà nước chỉ thực hiện chức năng quản lý và hoạch định chính sách, điều tiết dự trữ ngoại hối bằng vàng theo Pháp lệnh ngoại hối, Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Các tổ chức tín dụng mà không tham gia sản xuất kinh doanh hoặc điều tiết thị trường bằng các biện pháp hành chính, không trực tiếp can dự việc kinh doanh của các doanh nghiệp.”

Theo ông Long, Ngân hàng Nhà nước nên trả vàng về cho thị trường, tức là để cho thị trường - các công ty kinh doanh vàng tự xuất và tự nhập, còn Ngân hàng Nhà nước chỉ làm nhiệm vụ giám sát về khối lượng.

Ông Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cũng nhấn mạnh: “Vấn đề trước mắt là cần phải tăng nguồn cung để cân đối cầu của thị trường. Nghị định 24 được thiết kế vai trò cấp phép nhập khẩu vàng của Ngân hàng Nhà nước và SJC sản xuất cần phải có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước. Tôi nghĩ rằng, nếu như chúng ta có một lượng nhập khẩu vàng tương đối khá để từ đó gia công chế biến SJC tạo ra nguồn cung thì chắc chắn khoảng cách thu hẹp sẽ được kéo thấp xuống, cái đó là trước mắt.”

Cũng theo ông Phước, về lâu dài không chỉ với SJC mà cả các thương hiệu vàng khác, Nhà nước cần có chính sách để có thể tạo nguồn cung bên cạnh lượng vàng nhập khẩu về để chế tác, gia công hàng mỹ nghệ có thể xuất được.

“Tóm lại, tôi nghĩ rằng, Nghị định 24 cần phải được chỉnh sửa và không phải ý nghĩ của riêng tôi, tôi cùng một số chuyên gia được Ngân hàng Nhà nước mời thảo luận tương đối kỹ lưỡng và chuyên sâu những cái gì trả lại cho thị trường vàng những nguyên tắc căn bản, đó là nơi gặp nhau giữa cung và cầu. Được biết, Ngân hàng Nhà nước đang ở giai đoạn cuối để chỉnh sửa Nghị định 24 này,” ông Phước nhấn mạnh.

Được biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ liên quan chỉ đạo về các giải pháp quản lý thị trường vàng thì Ngân hàng Nhà nước cũng đã đưa ra thông điệp tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường vàng, chuẩn bị sẵn sàng triển khai phương án can thiệp khi cần thiết.

“Trong tháng 1/2024, Ngân hàng Nhà nước sẽ trình báo cáo tổng kết Nghị định 24, trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định quản lý thị trường vàng để phù hợp với bối cảnh mới của thị trường. Trước diễn biến phức tạp, khó lường của thị trường vàng quốc tế và trong nước, Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người dân nên thận trọng trong giao dịch vàng,” ông Phạm Thanh Hà - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục