Chuyên gia nói về Luật An toàn Giao thông hàng hải mới của Trung Quốc

Các quy định đối với tàu thuyền nước ngoài do Cơ quan An ninh Hàng hải Trung Quốc ban hành làm dấy lên lo ngại rằng “các quy định mới sẽ làm gia tăng căng thẳng tại Biển Đông và eo biển Đài Loan.
Chuyên gia nói về Luật An toàn Giao thông hàng hải mới của Trung Quốc ảnh 1Một tàu hải giám của Trung Quốc. (Nguồn: chinadailymail.com)

Đầu năm nay, Cơ quan An ninh Hàng hải Trung Quốc đã ban hành một số quy định mới đối với tàu thuyền nước ngoài 'đi qua hoặc hoạt động trong vùng lãnh hải Trung Quốc và các quy định này hiện đã có hiệu lực kể từ ngày 1/9/2021.

Ngay lập tức, quyết định trên đã vấp phải sự phản ứng của cộng đồng quốc tế.

Tiến sỹ Vijay Sakhuja, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách, Hội đồng các vấn đề thế giới (Ấn Độ) đã có bài phân tích về điều luật gây tranh cãi này, đăng trên trang mạng của Quỹ Nghiên cứu Quốc tế Kalinga.

Theo các quy định này, “người điều khiển tàu lặn, tàu hạt nhân, tàu chở vật liệu phóng xạ và các tàu chở dầu, hóa chất, khí hóa lỏng và các chất độc hại khác được yêu cầu phải báo cáo thông tin chi tiết khi đến lãnh hải Trung Quốc."

Quy định mới cũng đưa ra các hướng dẫn và quy trình thủ tục cho các tàu nhằm “thông báo tên, tín hiệu liên lạc, vị trí hiện tại, cảng ghé tiếp theo và thậm chí cả thời gian đến dự kiến cho chính quyền Trung Quốc."

Ngoài ra, theo bình luận của Thời báo Hoàn Cầu, các quy định mới này sẽ “đảm bảo hơn nữa hoạt động vận tải an toàn cho các tàu chở vật liệu phóng xạ, dầu, hóa chất và một loạt các nguồn cung nguyên vật liệu khác."

Các quy định mới đã thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế làm dấy lên lo ngại rằng “các quy định mới sẽ làm gia tăng căng thẳng nếu Trung Quốc đẩy mạnh thực thi nghiêm ngặt các quy định này ở vùng biển tranh chấp tại Biển Đông và eo biển Đài Loan." Có ít nhất ba lý do cho những e ngại này.

Thứ nhất, trên quan điểm pháp lý, theo Điều 3 của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, các quốc gia có thể đưa ra yêu sách lãnh hải không quá 12 hải lý, được tính từ đường cơ sở xác định theo ngấn nước thủy triều thấp nhất.

Ngoài ra, theo UNCLOS năm 1982, các tàu thuyền có quyền “qua lại vô hại” miễn là “phù hợp với Công ước này và các quy tắc khác của luật pháp quốc tế” và “không phương hại đến hòa bình, trật tự hoặc an ninh của quốc gia ven biển."

Điều 6 trong Luật Lãnh hải và Vùng tiếp giáp lãnh hải năm 1992 của Trung Quốc quy định rằng các tàu nước ngoài vì “mục đích phi quân sự” được hưởng quyền đi qua lãnh hải vô hại, nhưng các tàu nước ngoài phải được cấp phép trước khi đi vào lãnh hải.

Tuy nhiên, tàu nước ngoài vì “mục đích quân sự sẽ phải được Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chấp thuận cho phép đi vào lãnh hải của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa."

Đây là một vấn đề gây tranh cãi giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc và đã dấy lên sự phản đối mạnh mẽ từ Trung Quốc đối với việc thực thi hoạt động tự do hàng hải (FONOP) của Hải quân Hoa Kỳ, đặc biệt là tại Biển Đông. Hoa Kỳ đã bác bỏ các yêu sách bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông và tích cực theo đuổi các hoạt động tự do hàng hải của nước này.

Trong năm 2021, đã có sáu hoạt động tự do hàng hải - hai ở Biển Đông và bốn qua eo biển Đài Loan, mặc dù eo biển Đài Loan là eo biển quốc tế, tàu thuyền được phép 'quá cảnh' tại đây và các quốc gia nằm hai bên eo biển này chỉ có thể điều chỉnh hướng đi của tàu thuyền và các khía cạnh khác của tuyến đường.

Điều đáng nói là Ấn Độ cũng có một quy định tương tự đối với tàu chiến của nước ngoài, theo đó cần có “sự đồng ý trước cho các cuộc tập trận hoặc diễn tập quân sự trong vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa của Ấn Độ." Mới đây, Ấn Độ đã gặp phải tình huống tương tự với Hải quân Hoa Kỳ hồi đầu năm 2021.

['Luật mới của Trung Quốc đe dọa tự do hàng hải ở Biển Đông']

Hạm đội 7 của Hải quân Hoa Kỳ đã đưa ra một thông báo bất thường rằng “việc tàu khu trục USS John Paul Jones đã thực hiện các quyền và tự do hàng hải khi đi vào vùng nước cách quần đảo Lakshadweep khoảng 130 hải lý về phía Tây, bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Ấn Độ, mà không yêu cầu sự đồng ý trước của Ấn Độ là phù hợp với luật pháp quốc tế”; điều này đã gây ra những phản ứng gay gắt từ New Delhi nhưng chỉ diễn ra chủ yếu thông qua các kênh ngoại giao. Trong khi đó, Hoa Kỳ tuyên bố rằng hoạt động của Ấn Độ là "không phù hợp với luật pháp quốc tế."

Một vấn đề quan trọng cần đề cập là Hoa Kỳ chưa phê chuẩn UNCLOS 1982 và do đó nước này không có “quyền tiếp cận hệ thống giải quyết tranh chấp” được nêu trong UNCLOS 1982; theo phương diện này, Hoa Kỳ đã thua khi “đứng ngoài công ước." Đã có những lời kêu gọi bên trong Hoa Kỳ nhằm phê chuẩn UNCLOS năm 1982.

Thứ hai là về tác động của các quy định mới của Trung Quốc đối với chiến thuật Vùng Xám với xu hướng ‘không tuân thủ’ luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS năm 1982. Những lo ngại như vậy xuất hiện từ phía Đài Loan (Trung Quốc) và theo các chuyên gia quốc tế, các quy định mới “mở rộng phạm vi xung đột vùng xám” và có thể lan rộng, biến thành một “quả bom hẹn giờ."

Đạo luật Hải cảnh mới của Trung Quốc có hiệu lực vào ngày 1/2/2021, trao quyền cho Cảnh sát biển Trung Quốc (CCG) được thực hiện 'các biện pháp kiểm soát và an ninh' mạnh tay cũng như được phép thực hiện các hành động cần thiết để “hạn chế các tàu quân sự nước ngoài và các tàu nước ngoài được sử dụng vào các mục đích phi thương mại trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc, ngăn chặn hành vi phạm luật pháp hoặc quy định của Trung Quốc," trái với Công ước UNCLOS 1982. Hiện không rõ liệu mức độ cũng như phạm vi địa lý luật Hải cảnh mới sẽ được Trung Quốc thực thi.

Thứ ba liên quan đến Bộ Quy tắc ứng xử hiện đang được đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc. Tháng trước, trong Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Cấp cao Đông Á lần thứ 11, Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã đề cập đến “bốn tôn trọng” về vấn đề Biển Đông và kêu gọi “các lực lượng ngoài khu vực ngừng can dự vào Biển Đông," được cho là ám chỉ phía Mỹ.

Ông Vương Nghị cũng đề cập đến “việc sớm hoàn thiện Bộ Quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc hơn ở Biển Đông là mục tiêu mới mà cả Trung Quốc và các nước ASEAN đặt ra” đồng thời “hạn chế các hoạt động đơn phương làm gia tăng căng thẳng và xoáy sâu khác biệt hoặc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa lực lượng."

Tuy nhiên, vẫn cần phải theo dõi xem luật Hải cảnh mới của Trung Quốc sẽ được viện dẫn và thực hiện như thế nào trong trường hợp tàu thuyền “không báo cáo” theo Luật An toàn Giao thông Hàng hải của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Bản sửa đổi năm 2021)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục