Chuyên gia quốc tế chia sẻ kinh nghiệm đào tạo sáng tác âm nhạc

Dự Hội thảo “Đào tạo ngành sáng tác âm nhạc trong giai đoạn hiện nay,” Việt Nam tìm hiểu xu hướng đào tạo âm nhạc trên thế giới, từ đó phân tích, rút kinh nghiệm áp dụng vào thực tế ở Việt Nam.

Hội thảo quốc tế “Đào tạo ngành sáng tác âm nhạc trong giai đoạn hiện nay” đã khai mạc ngày 8/10 tại Hà Nội thu hút đông đảo đại biểu là các chuyên gia âm nhạc Việt Nam và quốc tế từ năm quốc gia Hà Lan, Phillippines, Na Uy, Lào và Liên bang Nga.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên cho rằng đào tạo sáng tác âm nhạc là khâu then chốt để xây dựng một đội ngũ đông đảo các nhà soạn nhạc trong tương lai. Hội thảo quốc tế tại Việt Nam lần này là cơ hội tốt để các cơ quan chức năng lắng nghe ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, nhạc sỹ, nhà sư phạm đánh giá về tình hình đào tạo ngành sáng tác âm nhạc Việt Nam hiện nay.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tìm hiểu những xu hướng đào tạo âm nhạc trên thế giới, từ đó phân tích, rút kinh nghiệm áp dụng vào thực tế giảng dạy ở Việt Nam.

Các đại biểu tham dự hội thảo đều thống nhất rằng đào tạo nhạc sỹ sáng tác có vai trò quan trọng, đóng góp thêm nhiều tác phẩm chất lượng cao cho xã hội; khắc phục sự mất cân đối giữa thanh nhạc và khí nhạc, giữa nền âm nhạc giải trí với hàn lâm; phát hiện đội ngũ nhạc sỹ chuyên nghiệp góp phần nâng cao vị thế của nền âm nhạc chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung phân tích thực trạng đào tạo nhạc sỹ hiện nay ở Việt Nam; tham khảo mô hình đào tạo của các nước Hà Lan, Phillippines, Na Uy...; chỉ ra mối quan hệ giữa khâu tuyển sinh đầu vào với sử dụng đầu ra, trang bị kiến thức trong nhà trường và vận dụng theo nhu cầu xã hội, rèn luyện tư duy khí nhạc với viết ca khúc Pop… để tìm ra phương pháp hợp lý, khoa học, hiệu quả nhất để nâng cao chất lượng đào tạo ngành sáng tác âm nhạc hiện nay.

Trong quá trình hình thành và phát triển nền âm nhạc chuyên nghiệp Việt Nam, khâu sáng tác và đào tạo chuyên ngành sáng tác luôn được định hướng đúng đắn với phương châm “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc." Ngày nay, nền âm nhạc Việt Nam trước bối cảnh biến đổi nhanh chóng của xã hội, sáng tác và đào tạo sáng tác đã bộc lộ một số bất cập. Bởi vậy nhiều đại biểu cho rằng hơn bao giờ hết, lĩnh vực sáng tác khí nhạc và đặc biệt là khâu đào tạo ở lĩnh vực này cần được quan tâm.

Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Na Uy ông Bjorn Bolstad cho biết, thực tế, giới trẻ ngày nay ngày càng ít hiểu biết về dàn nhạc giao hưởng cũng như các nhạc sỹ đương thời. Kinh nghiệm thu hút học viên đến với ngành sáng tác âm nhạc tại khu vực Oslo và một số vùng phụ cận cũng được ông Bjorn Bolstad chia sẻ, đó là tạo cơ hội cho học sinh phổ thông học hỏi kiến thức về âm nhạc đương đại, thưởng thức các chương trình của dàn nhạc giao hưởng thính phòng qua dự án “Hợp tác nghệ thuật và giáo dục giữa Hội Nhạc sỹ Na Uy, Dàn nhạc giao hưởng Oslo và các trường âm nhạc khu vực Oslo."

Dự án này được thực hiện như một phần tích hợp trong khuôn khổ chương trình đào tạo tại các trường phổ thông từ năm học 2008-2009, nhằm mang đến cho giới trẻ những hiểu biết về âm nhạc. Từ đó đến nay, mỗi năm học trung bình có khoảng 200 học sinh phổ thông được hưởng lợi từ dự án.

Là nhạc sỹ được đào tạo bài bản chuyên ngành sáng tác âm nhạc ở trong nước và nước ngoài, đã tham gia đào tạo chuyên ngành này ở bậc đại học, cao học hơn 20 năm qua, phó giáo sư-nhạc sỹ Nguyễn Văn Nam đã chỉ ra nguyên nhân cơ bản khiến chất lượng tác phẩm đầu ra của sinh viên sáng tác chưa đồng đều và nêu một số ý tưởng, giải pháp cho vấn đề này.

Theo nhạc sỹ Nguyễn Văn Nam, bên cạnh việc kiểm soát chất lượng đầu vào của ngành sáng tác, cần đề cao vai trò của người thầy với các tiêu chuẩn bắt buộc về trình độ chuyên môn, lòng nhân ái, tính nhẫn nại… để khơi dậy tiềm năng sáng tạo, lòng đam mê nghệ thuật của học trò. Ngược lại, sinh viên sáng tác cũng cần hội tụ đầy đủ các phẩm chất là “trí” và ”cảm” trên cơ sở thấm nhuần hồn dân tộc để sáng tạo nên những tác phẩm khí nhạc có giá trị nghệ thuật.

Theo tiến sỹ Maria Christine Muyco (Đại học Phillippines), con đường để duy trì ngành sáng tác âm nhạc, tăng cường hiểu biết về văn hóa giữa các quốc gia láng giềng tại châu Á và trên thế giới là chia sẻ tri thức, sáng tạo, cùng hợp tác trong trình diễn và đào tạo.

Hội thảo quốc tế “Đào tạo ngành sáng tác âm nhạc trong giai đoạn hiện nay” do Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp tổ chức sẽ diễn ra tại Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam đến hết ngày 9/10./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục