Chuyên gia quốc tế: Di chuyển Xanh sẽ thành hiện thực trong 5-10 năm tới

Giáo sư Soumitra Dutta của Đại học Oxford dự báo, tốc độ đổi mới của công nghệ cũng như phát triển Năng lượng Xanh sẽ biến tương lai Giao thông Xanh trở thành hiện thực trong vòng 5-10 năm tới.

Tọa đàm “Cơ sở hạ tầng bền vững và Giao thông Xanh" là sự kiện thứ ba trong chuỗi hội thảo “Khoa học vì Cuộc sống." (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Tọa đàm “Cơ sở hạ tầng bền vững và Giao thông Xanh" là sự kiện thứ ba trong chuỗi hội thảo “Khoa học vì Cuộc sống." (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Sáng 19/12, Tọa đàm “Cơ sở hạ tầng bền vững và Giao thông Xanh" đã diễn ra tại Hà Nội. Sự kiện nằm trong chuỗi Hội thảo “Khoa học vì Cuộc sống” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2023.

Năng lượng mới sẽ bùng nổ trong tương lai

Dưới sự dẫn dắt của Giáo sư Soumitra Dutta, thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture, Hiệu trưởng Trường Kinh doanh Saïd, Đại học Oxford (Vương quốc Anh), các diễn giả là các nhà khoa học đến từ các trường Đại học lớn trên thế giới đã trình bày và trao đổi về những chủ đề nóng nhất trong phát triển Giao thông Xanh như tốc độ biến đổi khí hậu trên toàn cầu, nhu cầu phát triển năng lượng sạch, Công nghệ Số phục vụ Giao thông Xanh, các khía cạnh xã hội khi phát triển năng lượng sạch...

Trong báo cáo công bố ngày 20/11/2023, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho biết thế giới vẫn tiếp tục thải lượng khí nhà kính kỷ lục vào khí quyển. Mức tăng này chủ yếu là do đốt nhiên liệu hóa thạch và các hoạt động công nghiệp.

UNEP cảnh báo nhiệt độ Trái Đất có nguy cơ tăng thêm 2,9 độ C trong thế kỷ này, vượt xa các giới hạn then chốt. Trước tình thế đó, UNEP kêu gọi “những nỗ lực đầy tham vọng và khẩn cấp từ tất cả các quốc gia nhằm giảm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và nạn phá rừng." Trong đó, Giao thông Xanh được xem là một trong những giải pháp bền vững với hiệu quả đột phá.

vnp-vinfuture-4880.jpg
Giáo sư Soumitra Dutta phát biểu khai mạc Tọa đàm. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Giáo sư Soumitra Dutta nhấn mạnh từ thông tin Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2023 (COP28) khủng hoảng khí hậu là chủ đề được quan tâm hàng đầu. Vì vậy, hoàn toàn đúng khi chúng ta dành thời gian để trao đổi xem đâu là vấn đề liên quan tới phát triển bền vững.

Ông cho rằng tốc độ đổi mới của công nghệ cũng như phát triển Năng lượng Xanh sẽ biến tương lai Giao thông Xanh trở thành hiện thực trong vòng 5 - 10 năm tới. Trong đó, sự phát triển của xe điện, pin lithium và các nguồn năng lượng thay thế khác đã cho phép tạo ra các phương tiện di chuyển Xanh thay thế cho phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch và các nền tảng giao thông mới được hỗ trợ bởi Công nghệ Số. Do đó, một tương lai về sự đổi mới của các phương tiện giao thông rất đáng mong đợi.

Giáo sư Dutta cũng nhắc đến vai trò của các Công nghệ Số trong việc Chuyển đổi Xanh. Theo ông, nhân loại sẽ thấy rất nhiều sự đổi mới trong tương lai. Thế giới thực sẽ kết hợp với thế giới Kỹ thuật Số và tạo ra nhiều sản phẩm dựa trên các phương tiện di chuyển hiện tại, như ôtô, xe tay ga, xe bus...

Còn Giáo sư Kostya S. Novoselov đến từ Đại học Quốc gia Singapore, chủ nhân giải Nobel Vật lý năm 2010 cho rằng các nước cần đầu tư nhiều hơn cho Năng lượng Xanh bởi xu hướng phương tiện giao thông, máy móc trên toàn cầu đang chuyển dần từ động cơ xăng dầu sang động cơ điện; cần đầu tư nhiều hơn vào phần vận chuyển kết nối để tạo ra tương lai Xanh hoàn toàn.

vnp-vinfuture-2-6749.jpg
Giáo sư Kostya S. Novoselov đến từ Đại học Quốc gia Singapore, chủ nhân giải Nobel Vật lý năm 2010. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Để tạo ra tương lai Xanh, điều quan trọng là cần tìm ra nguồn năng lượng mới. Hiện tại, có nhiều khoản đầu tư khác nhau vào phương tiện giao thông vận hành bằng điện, hy vọng đây là giải pháp trong tương lai Xanh.

Ông cho rằng, 5 năm tới là thời điểm vô cùng quan trọng và thú vị với ngành khoa học vật liệu. Chúng ta có 5 năm bùng nổ và chứng kiến sự thay đổi toàn cầu về các năng lượng, vật liệu mới.

Đồng tình với dự báo trên nhưng Giáo sư Nguyễn Thục Quyên - Chủ tịch hội đồng Sơ khảo VinFuture cũng băn khoăn về vấn đề tái chế các nhiên liệu, năng lượng mới trong thời gian tới.

Bà Quyên cho biết: "Năng lượng không phải là vấn đề riêng quốc gia nào hay của riêng ai, ta cần nhìn bức tranh toàn cảnh, tác động xã hội của Xanh hóa. Các nước đang tập trung phát triển năng lượng Gió, Mặt Trời, công nghệ mới, vật liệu mới... nhưng điều quan trọng không kém là tái chế. Bùng nổ công nghệ là tốt nhưng nếu không tái chế được công nghệ đó thì sẽ trở thành gánh nặng gấp đôi cho các quốc gia và toàn cầu."

Cùng chung quan điểm, ông Akihisa Kakimoto - Nguyên giám đốc công nghệ tại tập đoàn hoá chất Mitsubishi Nhật Bản, thành viên hội đồng giám khảo VinFuture nhấn mạnh để phát triển cơ sở hạ tầng bền vững cần nhìn nhận tổng thể, nhiều khía cạnh.

Theo ông, chúng ta cần đánh giá từ việc sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng ra sao, sản phẩm công nghệ nên được thiết kế, sử dụng, tái chế thế nào. Khi nào chúng ta nhìn tổng thể theo chuỗi giá trị thì mới thực sự có thể giải quyết được bài toán bền vững.

Cơ hội nào cho Việt Nam phát triển Năng lượng Xanh

Trả lời cho vấn đề được nêu lên tại toạ đàm là làm sao để các nước đang phát triển như Việt Nam có cơ hội phát triển Năng lượng Xanh, Giáo sư Nguyễn Thục Quyên nhận xét: “Chính sách đâu đó có khi còn chưa sẵn sàng. Ví dụ như lắp điện Mặt Trời áp mái tại các gia đình. Khi muốn người dân lắp thì phải có chính sách mạnh mẽ để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các sáng tạo đó."

“Rào cản với Chuyển đổi Xanh ở Việt Nam là hiện có ít công ty sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời hoặc công ty về năng lượng có đủ hạ tầng, vận chuyển... Việc ta thuyết phục doanh nghiệp đầu tư hơn vào năng lượng sạch cũng là thách thức. Đó là vì sao cần kiện toàn về chính sách," Giáo sư Nguyễn Thục Quyên cho biết.

vnp-vinfuture-3-2501.jpg
Giáo sư Daniel Kammen đến từ Đại học California, Berkeley, Hoa Kỳ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Giáo sư Daniel Kammen (Đại học California, Berkeley, Hoa Kỳ) cũng cho rằng để đẩy mạnh Chuyển đổi Xanh, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo thì cần phải có khung pháp lý rộng mở hơn.

"Ta có thể chứng minh cho Chính phủ thấy cần hành động ra sao về chính sách, lợi ích từ công nghệ xanh là gì. Ngoài ra cũng phải kết nối về mặt kinh doanh ra sao," Giáo sư Daniel Kammen cho biết.

Giáo sư Daniel Kammen còn nêu lên vấn đề chúng ta cần tạo ra sự chuyển dịch đảm bảo công bằng. Yếu tố công bằng cần lồng ghép vào quá trình Chuyển đổi Xanh.

"Ta đều biết phải thay thế năng lượng hóa thạch để đảm bảo bền vững. Vậy công bằng là gì? Ví dụ ở California (Hoa Kỳ) yêu cầu tối thiểu là 35% phải dành phục vụ cho các nhóm yếu thế. Vậy làm sao đạt được mức này? Bản thân hạ tầng phải đáp ứng nhu cầu cho nhóm yếu thế. Vì sao cần mang lại công bằng trong thụ hưởng Chuyển đổi Xanh? Vì muốn đi nhanh phải đi cùng nhau," vị giáo sư của Đại học California nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục