Chuyên gia: Việt Nam đã làm được nhiều việc vì sự phát triển của ASEAN

Giáo sư Lưu Anh đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc tổ chức các cuộc họp của ASEAN diễn ra an toàn, đóng góp trí tuệ và sức lực cho sự phát triển của các lĩnh vực của ASEAN.
Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 23 tại điểm cầu Hà Nội ngày 12/11. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 23 tại điểm cầu Hà Nội ngày 12/11. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Nhân dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị liên quan đang diễn ra theo hình thức trực tuyến dưới sự chủ trì của Việt Nam, phóng viên TTXVN tại Trung Quốc đã phỏng vấn Giáo sư Lưu Anh, một chuyên gia về thương mại và quan hệ quốc tế của Viện Nghiên cứu Tài chính Trùng Dương, trực thuộc Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, về quan hệ giữa Trung Quốc với ASEAN, vị thế của ASEAN trên trường quốc tế và vai trò của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN.

Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

- Bà đánh giá như thế nào về mối quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN?

Giáo sư Lưu Anh: Quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN rất quan trọng. Trung Quốc và ASEAN đang xây dựng một cộng đồng với tương lai chung cho nhân loại, đặc biệt trước tình hình dịch bệnh, quan hệ Trung Quốc-ASEAN đang ngày càng khăng khít.

Trung Quốc và ASEAN có quan hệ hợp tác ngày càng chặt chẽ trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và nhân văn. ASEAN đã phát triển thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc.

Với việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), kim ngạch thương mại và kinh tế Trung Quốc-ASEAN sẽ đạt một tầm cao mới.

Trong 3 quý đầu năm nay, kim ngạch thương mại Trung Quốc-ASEAN đạt 481,8 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2019.

Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào các ngành nghề của ASEAN đạt 10,72 tỷ USD, tăng 76,6% so với cùng kỳ năm ngoái, thể hiện đầy đủ nền tảng vững chắc và tiềm năng phát triển của quan hệ hợp tác song phương.

[Campuchia: Việt Nam đóng vai trò nổi bật trong ASEAN thời kỳ COVID-19]

Quan hệ Trung Quốc-ASEAN đã đạt đến độ chín và ổn định sau gần 30 năm thăng trầm.

Trong số các đối tác đối thoại của ASEAN, Trung Quốc đã tạo ra một số “đối tác đầu tiên,” đó là đối tác đầu tiên tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á, đối tác đầu tiên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN, đối tác đầu tiên đàm phán thành lập khu vực thương mại tự do với ASEAN, đối tác đầu tiên ủng hộ rõ ràng vị trí trung tâm của ASEAN trong hợp tác khu vực Đông Á. Quan hệ hợp tác Trung Quốc-ASEAN có thể duy trì được đà phát triển tốt đẹp đã đóng vai trò quan trọng đối với sự ổn định và thịnh vượng của khu vực.

- Theo bà, vị thế của ASEAN hiện nay trên thế giới như thế nào, có quan trọng hay không?

Giáo sư Lưu Anh: Vị thế của ASEAN trên thế giới đang ngày càng trở nên quan trọng hơn.

ASEAN nói chung đóng một vai trò ngày càng nổi bật trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế và văn hóa toàn cầu. ASEAN nằm ở vị trí quan trọng của mạng lưới Đường sắt xuyên Á, tại nút giao thông quan trọng trong sang kiến “Vành đai và Con đường.”

Chuyên gia: Việt Nam đã làm được nhiều việc vì sự phát triển của ASEAN ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 phát biểu khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 23. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Đặc biệt, việc tăng cường hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc, cũng như tăng cường trao đổi kinh tế và thương mại giữa các thành viên RCEP sẽ giúp nâng cao hơn nữa vị thế quốc tế và tiếng nói quốc tế của ASEAN.

- Theo bà, trên cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN, Việt Nam đã phát huy vai trò của mình như thế nào?

Giáo sư Lưu Anh: Với vai trò là Chủ tịch luân phiên của ASEAN, Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng trong tổ chức, điều phối và lãnh đạo, đã làm được nhiều việc vì sự phát triển của ASEAN.

Đặc biệt trong tình hình phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực tích cực để tổ chức các cuộc họp của ASEAN diễn ra an toàn, ổn định, đóng góp trí tuệ và sức lực cho sự phát triển của các lĩnh vực kinh tế-thương mại, chính trị, y tế của ASEAN./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục