Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Trung Quốc đã thành công rực rỡ.
Đây là nhận định của Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales, khi trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Sydney.
Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí tăng cường quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện và hướng tới cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược.
Chuyên gia Australia nhận định Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết thiết lập quan hệ hợp tác tốt đẹp và tình hữu nghị với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.
Giáo sư Thayer lưu ý thông lệ ngoại giao tiêu chuẩn giữa hai quốc gia có quan hệ thân thiết là sắp xếp một chuyến thăm cấp cao khi có sự thay đổi lãnh đạo. Trong trường hợp của Việt Nam và Trung Quốc, cả hai nước đều là Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện do các Đảng Cộng sản của mỗi nước lãnh đạo.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình, chỉ 8 tháng kể từ khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Việt Nam.
Theo Giáo sư Thayer, ý nghĩa quan trọng của chuyến thăm là khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và ưu tiên hàng đầu quan hệ láng giềng hữu nghị với Trung Quốc, nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ hợp tác giữa Đảng Cộng sản hai nước và tái khẳng định rằng Việt Nam cam kết thực hiện tuyên bố chung đạt được giữa cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư Tập Cận Bình hồi tháng 12 năm ngoái.
Giáo sư Thayer cho rằng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã nhất trí thực hiện phương hướng "6 hơn," bao gồm: tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác quốc phòng-an ninh thực chất hơn, hợp tác thực chất sâu sắc hơn, nền tảng xã hội vững chắc hơn, phối hợp đa phương chặt chẽ hơn, kiểm soát và giải quyết tốt hơn bất đồng.
Đánh giá về kết quả chuyến thăm, Giáo sư Thayer cho rằng có 3 kết quả quan trọng được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình nhất trí.
Thứ nhất, cả hai nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển giữa hai nước, thực hiện tốt kế hoạch hợp tác kết nối giữa Khuôn khổ “Hai hành lang, Một vành đai” với Sáng kiến “Vành đai và Con đường”; đẩy nhanh “kết nối cứng” giữa hai nước về đường sắt, đường bộ cao tốc, kết cấu hạ tầng cửa khẩu; nâng cấp “kết nối mềm” về hải quan thông minh.
Thứ hai, hai nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy đầu tư lẫn nhau vào công nghệ tiên tiến trong nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, năng lượng sạch, kinh tế số và phát triển xanh.
Thứ ba, nhất trí tuân thủ nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, cùng duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, kiên trì thông qua hiệp thương hữu nghị, tích cực tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên cùng chấp nhận được phù hợp với “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc,” luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, không có hành động làm phức tạp tình hình, mở rộng tranh chấp./.
Mốc son mới cho quan hệ láng giềng hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc
Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là lựa chọn chiến lược dựa trên sự phát triển ổn định của quan hệ hai nước, thể hiện lựa chọn chính sách "ngoại giao cây tre" của Việt Nam.