Chiến tranh đã đi qua, nhưng khắp nơi trên đất nước này vẫn còn đọng lại nỗi đau trong lòng những người vợ, người mẹ của biết bao chiến sỹ đã nằm xuống, hy sinh máu xương vì Tổ quốc.
Ở thôn Vụ Ngoại (xã Yên Lộc, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định), từ nhiều năm nay có ba người phụ nữ không quản mưa nắng, tình nguyện trông coi nghĩa trang liệt sỹ của xã, không chút thù lao và chờ đợi một ngày được đón hài cốt của chồng mình về yên nghỉ; mong việc làm thầm lặng ấy trở thành nén tâm hương dâng lên linh hồn những anh hùng đã khuất.
Nỗi đau không của riêng ai
Tuổi đôi mươi, ba người phụ nữ Nguyễn Thị Hột, Nguyễn Thị Hè và Nguyễn Thị Nghĩa cùng về làm dâu vùng quê nghèo Yên Lộc. Kháng chiến chống Mỹ vào giai đoạn ác liệt, cả ba cô gái trẻ đều nén tình cảm riêng để động viên chồng mình lên đường nhập ngũ.
Ở quê nhà, ba người phụ nữ tảo tần hôm sớm, chăm lo nuôi dạy con cái, phụng dưỡng bố mẹ chồng già yếu, mong một ngày toàn thắng chồng mình trở về sum họp cùng gia đình, cho cha con được biết mặt nhau.
Nhưng hạnh phúc đã không mỉm cười với cả ba người phụ nữ ấy. Sau khi đất nước giải phóng, lần lượt cả ba người phụ nữ đều nhận được giấy báo tử của chồng. Bà Nguyễn Thị Hột có chồng là liệt sỹ Phạm Văn Thâu, hai ông bà cưới nhau vừa có được cô con gái đầu lòng thì ông đi B.
Bà kể: “Ban đầu ông ấy còn biên thư về vài bận, nhưng rồi sau đó bặt tin đến tận sau năm 1975.” Chồng bà hy sinh năm 1974, nhưng phải đến hơn một năm sau ngày giải phóng, gia đình mới nhận được tin dữ.
Đôi mắt đỏ hoe, bà nghẹn ngào: “Chồng tôi đi là thanh niên tuổi trẻ, giờ xương tan, thịt nát, khi về chỉ còn là nắm tro tàn.” Tiếc thay cho tuổi xuân của người thiếu phụ, nhiều người động viên bà đi tìm hạnh phúc, nhưng thương đứa con gái nhỏ tuổi chưa một lần biết mặt cha, bà không nỡ đi bước nữa. Những năm tháng cực nhọc đã trôi qua, giờ con gái bà đã có gia đình riêng, ở nhà đối diện ngay với cổng nghĩa trang. Còn bà thì đang chăm sóc mẹ chồng năm nay đã 95 tuổi.
Chung cảnh mất chồng như bà Hột, câu chuyện về cuộc đời bà Nguyễn Thị Hè cũng khiến người nghe cảm phục vì đức hy sinh. Bà tâm sự mộc mạc:“Tôi không nhớ nổi bao nhiêu đêm nằm khóc, ở với mẹ chồng, sợ mẹ buồn thêm nên tôi đành phải nuốt nước mắt vào trong, bao nhiêu năm sống không chồng, không con là ngần ấy năm ôm đầy nước mắt.”
Đau thương ấy vẫn nhức nhối đến giờ, khiến cho đôi mắt bà mờ hẳn đi. Chồng đã hy sinh, nhưng bà còn không có được hạnh phúc làm mẹ như bà Hột. Ông ra đi vĩnh viễn và không để lại cho bà đứa con nào. Bà đành xin nhận một người cháu trai bên họ nhà chồng làm con nuôi. Có người đến tận nhà chồng xin hỏi cưới, nhưng bà kiên quyết ở vậy thờ ông, chăm sóc người con nuôi và mẹ chồng già cả.
Cảm động hơn cả phải kể đến câu chuyện của người vợ liệt sỹ Trần Văn Hải - bà Nguyễn Thị Nghĩa. Trong ba người phụ nữ, bà là người duy nhất cho đến giờ vẫn chưa tìm được hài cốt của chồng.
Ông lên đường cầm súng năm 1972, nhập ngũ được một thời gian, ông có ghé về thăm nhà được vài lần. Ông để lại cho bà hai người con gái. Năm 1978, ông hy sinh tại chiến trường Campuchia.
"Đến năm 1979, tôi chính thức nhận được giấy báo tử chồng mình. Trước đó một ngày, tôi như người vô thức, điên dại, không dép guốc chạy bộ lên ga Gôi để đón chồng lần cuối. Chính nơi đó tôi đã đưa chân ông ấy lên đường" - bà Nghĩa bật khóc kể lại.
Tuy trong giấy báo tử có ghi rõ nơi hy sinh của chồng là ở xã Phước Trường, huyện Tây Thành, tỉnh Tây Ninh, nhưng khi bà Nghĩa nhờ đồng đội của chồng tìm về địa chỉ này, thì chỉ thấy bia đề tên ông, nhưng bên dưới không tìm thấy thi hài. Đến giờ, bà vẫn chưa tìm được hài cốt của chồng để đưa về quê, nơi bà hàng ngày có thể chăm sóc cho ông.
Nén tâm hương dâng hồn người đã khuất
Bà Hột là người đầu tiên tình nguyện ra trông coi nghĩa trang liệt sỹ xã Yên Lộc. Nghĩa trang xây cách đây hơn 30 năm, ban đầu có 41 phần mộ, gần như một mình bà nhận trông coi mấy chục năm, không đòi hỏi bất cứ một chế độ gì.
Từ năm 2008, nghĩa trang được xã xây sửa nâng cấp, nghĩ đến hai bà Nghĩa và Hè cùng cảnh ngộ, bà rủ các bà cùng ra chăm sóc cho phần mộ của các liệt sỹ, cũng là để có thêm người bầu bạn. Không mong cầu gì hơn, các bà lúc nào cũng chỉ tâm niệm mong đón được hài cốt chồng về, phần mộ đã chuẩn bị sẵn.
Tình nguyện chăm sóc mộ của chồng cùng các liệt sỹ khác ở đây, ngày nào cũng vậy, ngoài việc quét dọn, chăm chút cho nghĩa trang đến từng nấm mộ, các bà còn tranh thủ trồng rau gia vị, trồng sả… ngay tại khoảnh đất rộng hai bên cổng để đem ra chợ bán, thêm tiền mua hương hoa mỗi dịp ngày rằm, ngày lễ.
Bà Nguyễn Thị Luyến - Bí thư chi bộ xã Yên Lộc cho biết dịp 27/7 hàng năm, ba bà đều tự góp tiền sắm sửa, mua đồ cúng lễ và mời nhà chùa về cầu siêu cho vong linh các anh hùng liệt sỹ. Nhiều người dân trong xã, trong thôn cảm động trước tấm lòng của các bà cũng tới xin đóng góp tấm bánh, nhành hoa dâng lên hương hồn hơn 60 liệt sỹ.
Sau bao năm, bà Nguyễn Thị Hè là người đầu tiên được đón hài cốt của chồng về nghĩa trang vào tháng 9/2011. Chồng bà là liệt sỹ Đinh Văn Tâng, hy sinh năm 1972. Bà Hè kể: "Tôi chỉ được báo tin chồng mình hy sinh ở mặt trận Long Khốt, tôi nhờ người quen lên mạng tìm hiểu được địa danh này thuộc huyện Vĩnh Hưng (tỉnh Long An), sau đó đăng tin tìm mộ phần của chồng chỉ với chút thông tin ít ỏi. Quá may mắn cho tôi, ít lâu sau có người gửi giấy báo về tận địa phương, thông báo đã tìm được phần hài cốt có lưu thông tin như tôi cung cấp. Một lần nữa tôi lại nhờ người họ hàng xa ở gần Long An tới tận nơi xác thực, khi nhận được điện thoại báo mọi thông tin đều trùng khớp, tôi quá vui mừng. Vì phấn khởi nên tôi không hề khóc, nước mắt bao năm nay đã đủ rồi, giờ tôi cảm thấy hạnh phúc khi đưa được chồng mình về yên nghỉ ngay trên chính mảnh đất quê nhà."
Tới tháng 5/2012, một tin vui nữa lại đến khi bà Nguyễn Thị Hột cũng đã tìm được hài cốt của liệt sỹ Thâu - chồng bà một cách rất may mắn và tình cờ. Bà Hột có cô cháu gái họ hàng xa thuộc biên chế Quân khu 5, đang làm việc tại Đà Nẵng.
Trong một lần làm hồ sơ giấy tờ, cô phát hiện ra một hồ sơ có tên Phạm Văn Thâu, hoàn toàn giống với người họ hàng báo tử đã mấy chục năm nay, nhưng chưa tìm được hài cốt. Từ “manh mối” ấy, ba mẹ con bà Hột đã đi vay mượn, tìm vào tận Đà Nẵng để đưa hài cốt chồng, cha mình về quê nhà Yên Lộc.
Đến nay, chỉ còn bà Nghĩa vẫn chưa có được thông tin gì trong việc tìm kiếm mộ phần của chồng. Nghe bà Hột, bà Hè trò chuyện với chúng tôi về niềm vui và những vất vả khi đi tìm mộ chồng, người phụ nữ gầy guộc ấy buồn rầu đứng dậy cầm chiếc chổi tre quét lá rụng, bàn tay run run thỉnh thoảng lại lén đưa lên lau nước mắt.
Ở vùng quê nhỏ bé yên bình Yên Lộc, ngày ngày không ngại mưa nắng, các bà vẫn đang âm thầm mang nén tâm hương của mình làm ấm lòng những người đã tận hiến thanh xuân và máu xương cho Tổ quốc, lặng lẽ như chính những hi sinh của biết bao người vợ, người mẹ Việt Nam đã đóng góp vào sự nghiệp giải phóng đất nước./.
Ở thôn Vụ Ngoại (xã Yên Lộc, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định), từ nhiều năm nay có ba người phụ nữ không quản mưa nắng, tình nguyện trông coi nghĩa trang liệt sỹ của xã, không chút thù lao và chờ đợi một ngày được đón hài cốt của chồng mình về yên nghỉ; mong việc làm thầm lặng ấy trở thành nén tâm hương dâng lên linh hồn những anh hùng đã khuất.
Nỗi đau không của riêng ai
Tuổi đôi mươi, ba người phụ nữ Nguyễn Thị Hột, Nguyễn Thị Hè và Nguyễn Thị Nghĩa cùng về làm dâu vùng quê nghèo Yên Lộc. Kháng chiến chống Mỹ vào giai đoạn ác liệt, cả ba cô gái trẻ đều nén tình cảm riêng để động viên chồng mình lên đường nhập ngũ.
Ở quê nhà, ba người phụ nữ tảo tần hôm sớm, chăm lo nuôi dạy con cái, phụng dưỡng bố mẹ chồng già yếu, mong một ngày toàn thắng chồng mình trở về sum họp cùng gia đình, cho cha con được biết mặt nhau.
Nhưng hạnh phúc đã không mỉm cười với cả ba người phụ nữ ấy. Sau khi đất nước giải phóng, lần lượt cả ba người phụ nữ đều nhận được giấy báo tử của chồng. Bà Nguyễn Thị Hột có chồng là liệt sỹ Phạm Văn Thâu, hai ông bà cưới nhau vừa có được cô con gái đầu lòng thì ông đi B.
Bà kể: “Ban đầu ông ấy còn biên thư về vài bận, nhưng rồi sau đó bặt tin đến tận sau năm 1975.” Chồng bà hy sinh năm 1974, nhưng phải đến hơn một năm sau ngày giải phóng, gia đình mới nhận được tin dữ.
Đôi mắt đỏ hoe, bà nghẹn ngào: “Chồng tôi đi là thanh niên tuổi trẻ, giờ xương tan, thịt nát, khi về chỉ còn là nắm tro tàn.” Tiếc thay cho tuổi xuân của người thiếu phụ, nhiều người động viên bà đi tìm hạnh phúc, nhưng thương đứa con gái nhỏ tuổi chưa một lần biết mặt cha, bà không nỡ đi bước nữa. Những năm tháng cực nhọc đã trôi qua, giờ con gái bà đã có gia đình riêng, ở nhà đối diện ngay với cổng nghĩa trang. Còn bà thì đang chăm sóc mẹ chồng năm nay đã 95 tuổi.
Chung cảnh mất chồng như bà Hột, câu chuyện về cuộc đời bà Nguyễn Thị Hè cũng khiến người nghe cảm phục vì đức hy sinh. Bà tâm sự mộc mạc:“Tôi không nhớ nổi bao nhiêu đêm nằm khóc, ở với mẹ chồng, sợ mẹ buồn thêm nên tôi đành phải nuốt nước mắt vào trong, bao nhiêu năm sống không chồng, không con là ngần ấy năm ôm đầy nước mắt.”
Đau thương ấy vẫn nhức nhối đến giờ, khiến cho đôi mắt bà mờ hẳn đi. Chồng đã hy sinh, nhưng bà còn không có được hạnh phúc làm mẹ như bà Hột. Ông ra đi vĩnh viễn và không để lại cho bà đứa con nào. Bà đành xin nhận một người cháu trai bên họ nhà chồng làm con nuôi. Có người đến tận nhà chồng xin hỏi cưới, nhưng bà kiên quyết ở vậy thờ ông, chăm sóc người con nuôi và mẹ chồng già cả.
Cảm động hơn cả phải kể đến câu chuyện của người vợ liệt sỹ Trần Văn Hải - bà Nguyễn Thị Nghĩa. Trong ba người phụ nữ, bà là người duy nhất cho đến giờ vẫn chưa tìm được hài cốt của chồng.
Ông lên đường cầm súng năm 1972, nhập ngũ được một thời gian, ông có ghé về thăm nhà được vài lần. Ông để lại cho bà hai người con gái. Năm 1978, ông hy sinh tại chiến trường Campuchia.
"Đến năm 1979, tôi chính thức nhận được giấy báo tử chồng mình. Trước đó một ngày, tôi như người vô thức, điên dại, không dép guốc chạy bộ lên ga Gôi để đón chồng lần cuối. Chính nơi đó tôi đã đưa chân ông ấy lên đường" - bà Nghĩa bật khóc kể lại.
Tuy trong giấy báo tử có ghi rõ nơi hy sinh của chồng là ở xã Phước Trường, huyện Tây Thành, tỉnh Tây Ninh, nhưng khi bà Nghĩa nhờ đồng đội của chồng tìm về địa chỉ này, thì chỉ thấy bia đề tên ông, nhưng bên dưới không tìm thấy thi hài. Đến giờ, bà vẫn chưa tìm được hài cốt của chồng để đưa về quê, nơi bà hàng ngày có thể chăm sóc cho ông.
Nén tâm hương dâng hồn người đã khuất
Bà Hột là người đầu tiên tình nguyện ra trông coi nghĩa trang liệt sỹ xã Yên Lộc. Nghĩa trang xây cách đây hơn 30 năm, ban đầu có 41 phần mộ, gần như một mình bà nhận trông coi mấy chục năm, không đòi hỏi bất cứ một chế độ gì.
Từ năm 2008, nghĩa trang được xã xây sửa nâng cấp, nghĩ đến hai bà Nghĩa và Hè cùng cảnh ngộ, bà rủ các bà cùng ra chăm sóc cho phần mộ của các liệt sỹ, cũng là để có thêm người bầu bạn. Không mong cầu gì hơn, các bà lúc nào cũng chỉ tâm niệm mong đón được hài cốt chồng về, phần mộ đã chuẩn bị sẵn.
Tình nguyện chăm sóc mộ của chồng cùng các liệt sỹ khác ở đây, ngày nào cũng vậy, ngoài việc quét dọn, chăm chút cho nghĩa trang đến từng nấm mộ, các bà còn tranh thủ trồng rau gia vị, trồng sả… ngay tại khoảnh đất rộng hai bên cổng để đem ra chợ bán, thêm tiền mua hương hoa mỗi dịp ngày rằm, ngày lễ.
Bà Nguyễn Thị Luyến - Bí thư chi bộ xã Yên Lộc cho biết dịp 27/7 hàng năm, ba bà đều tự góp tiền sắm sửa, mua đồ cúng lễ và mời nhà chùa về cầu siêu cho vong linh các anh hùng liệt sỹ. Nhiều người dân trong xã, trong thôn cảm động trước tấm lòng của các bà cũng tới xin đóng góp tấm bánh, nhành hoa dâng lên hương hồn hơn 60 liệt sỹ.
Sau bao năm, bà Nguyễn Thị Hè là người đầu tiên được đón hài cốt của chồng về nghĩa trang vào tháng 9/2011. Chồng bà là liệt sỹ Đinh Văn Tâng, hy sinh năm 1972. Bà Hè kể: "Tôi chỉ được báo tin chồng mình hy sinh ở mặt trận Long Khốt, tôi nhờ người quen lên mạng tìm hiểu được địa danh này thuộc huyện Vĩnh Hưng (tỉnh Long An), sau đó đăng tin tìm mộ phần của chồng chỉ với chút thông tin ít ỏi. Quá may mắn cho tôi, ít lâu sau có người gửi giấy báo về tận địa phương, thông báo đã tìm được phần hài cốt có lưu thông tin như tôi cung cấp. Một lần nữa tôi lại nhờ người họ hàng xa ở gần Long An tới tận nơi xác thực, khi nhận được điện thoại báo mọi thông tin đều trùng khớp, tôi quá vui mừng. Vì phấn khởi nên tôi không hề khóc, nước mắt bao năm nay đã đủ rồi, giờ tôi cảm thấy hạnh phúc khi đưa được chồng mình về yên nghỉ ngay trên chính mảnh đất quê nhà."
Tới tháng 5/2012, một tin vui nữa lại đến khi bà Nguyễn Thị Hột cũng đã tìm được hài cốt của liệt sỹ Thâu - chồng bà một cách rất may mắn và tình cờ. Bà Hột có cô cháu gái họ hàng xa thuộc biên chế Quân khu 5, đang làm việc tại Đà Nẵng.
Trong một lần làm hồ sơ giấy tờ, cô phát hiện ra một hồ sơ có tên Phạm Văn Thâu, hoàn toàn giống với người họ hàng báo tử đã mấy chục năm nay, nhưng chưa tìm được hài cốt. Từ “manh mối” ấy, ba mẹ con bà Hột đã đi vay mượn, tìm vào tận Đà Nẵng để đưa hài cốt chồng, cha mình về quê nhà Yên Lộc.
Đến nay, chỉ còn bà Nghĩa vẫn chưa có được thông tin gì trong việc tìm kiếm mộ phần của chồng. Nghe bà Hột, bà Hè trò chuyện với chúng tôi về niềm vui và những vất vả khi đi tìm mộ chồng, người phụ nữ gầy guộc ấy buồn rầu đứng dậy cầm chiếc chổi tre quét lá rụng, bàn tay run run thỉnh thoảng lại lén đưa lên lau nước mắt.
Ở vùng quê nhỏ bé yên bình Yên Lộc, ngày ngày không ngại mưa nắng, các bà vẫn đang âm thầm mang nén tâm hương của mình làm ấm lòng những người đã tận hiến thanh xuân và máu xương cho Tổ quốc, lặng lẽ như chính những hi sinh của biết bao người vợ, người mẹ Việt Nam đã đóng góp vào sự nghiệp giải phóng đất nước./.
Hiền Hạnh (TTXVN)