Khi màn đêm buông xuống, đứng trên boong tàu nhìn theo những ngọn hải đăng với ánh sáng vàng nhạt xoay tròn quanh ngọn tháp đã góp phần thắp sáng chủ quyền Trường Sa sẽ thấy dâng lên một cảm giác thiêng liêng, thân thiết bởi ngọn đèn này đã ngày đêm âm thầm, bền bỉ phát đi những tín hiệu để tàu bè quốc tế qua đây nhận biết về vùng biển đảo chủ quyền lãnh thổ Việt Nam.
Những ngọn hải đăng luôn đứng một mình, chơ vơ giữa bốn bề sóng gió và đại dương, đứng tách biệt với thế giới bên ngoài chỉ với nhiệm vụ soi đường chỉ lối cho những con tàu trên biển.
Và, riêng những người làm nghề trông “mắt thần” trên biển dường như cũng gắn chặt với ngọn hải đăng hết ngày này qua ngày khác. Bóng dáng họ ngồi bất động trên cao dõi đôi mắt nhìn xa xăm về khoảng không mênh mông tối mù mịt biển cả và chúng tôi tự hỏi liệu có bao nhiêu người đủ sức chịu đựng, đủ lòng yêu nghề để có thể làm việc giữa muôn trùng khơi nơi đầu sóng ngọn gió.
“Mắt thần” trên biển
Sau 5 ngày vượt qua bão, sóng ào ào, lênh đênh trên biển tàu Hải Quân HQ996 cũng đã đến được đảo Song Tử Tây trong một chiều nắng mưa thất thường. Khung cảnh ngọn hải đăng đảo Song Tử Tây cũ kỹ mờ ảo hiện lên thật lạ và đẹp dưới sắc mây chiếu rọi ánh nắng mặt trời vàng úa.
Tiếp đón đoàn công tác trong lúc trời chập choạng tối, anh Trần Văn Khánh, Trưởng trạm hải đăng Song Tử Tây đang vội vã chuẩn bị vào ca trực khi thời gian mở đèn vào lúc 17 giờ 30 phút và tắt vào 5 giờ 30 phút ngày hôm sau.
Được sự cho phép của anh, tôi vội vàng cầm đèn pin theo anh lên bật đèn. Với 124 bậc thang gỗ xoắn ốc đã sờn màu sơn, không khí tối om khiến người mới leo lên cảm thấy mệt lử người khi mới đi được nửa hành trình.
Ấy thế mà anh Khánh bảo, anh trèo lên trèo xuống vài lần mỗi ngày là chuyện bình thường. Nhiều hôm bão gió, anh em đều tập trung công việc để hướng dẫn, chỉ đường cho tàu biết lối đi neo đậu an toàn.
Giọng nói oang oang nhưng chậm rãi, khàn khàn đặc của người sống lâu trên biển, anh Khánh kể về duyên nợ gắn bó với nghề.
Vốn là người con đất cảng Hải Phòng, anh làm nghề này đã hơn 20 chục năm, không nhớ bao nhiêu lần ăn Tết nhưng với 7 ngọn hải đăng trên quần đảo Trường Sa, chưa đảo nào có hải đăng mà không có bước chân anh.
Theo anh Khánh, hầu hết các ngọn hải đăng trên đảo Trường Sa đều thuộc hệ thống bảo đảm an toàn hàng hải. Công việc của anh vẫn diễn ra đều đều với việc lau chùi bảng, đèn, bảo dưỡng thiết bị, bật đèn theo quy định và trực thay ca...
“Nghề hải đăng nhiều khi buồn. Công việc nhàn hạ bởi quanh đi quẩn lại cũng chỉ có leo bậc thang, lên ngóng đèn ra biển. Đêm nhìn ra biển tối thui, chỉ có trăng sao làm bạn vì thế mà lắm lúc thấy cô độc và chơ vơ nơi đảo xa,” anh Khánh ngậm ngùi nói.
Thậm chí, nhiều người chỉ thích ngắm ngọn hải đăng sừng sững, uy nghi chứ mấy ai hỏi chuyện nghề gác đèn biển.
Anh Khánh tâm sự: “Các đoàn công tác ra thăm đảo, đôi khi chỉ chú ý tới thăm hỏi và tặng quà cho các đơn vị bộ đội và các hộ dân trên đảo mà quên mất những người gác đèn biển. Ở đất liền cũng chỉ viết thư thăm hỏi cho bộ đội Trường Sa chứ ít người nghĩ tới chuyện giao lưu, hỏi han với người làm nghề này.”
Nhớ lại những kỉ niệm cuộc đời về nghề, anh Khánh chỉ nhỏ nhẹ nói rằng, nhiều thuyền bè nhờ vào hệ thống đèn của các anh mà đã tránh được "mũi đinh ba của thần biển" khi gió bão ập xuống.
Dù rằng đã cứu sống nhiều ngư dân nhưng chiến công của các anh vẫn âm thầm lặng lẽ mà không có một lời cảm ơn nào.
“Năm 1997-1998, khi có cơn giông cục bộ đổ ập xuống đảo Đá Nam, chiếc thuyền đánh cá bị lốc cuốn xoay tròn ra giữa biển trên đảo Đá Thị làm máy móc hỏng hóc và trục trặc, lạc mất phương hướng bờ. Cũng may nhờ có ánh đèn vàng leo lét hải đăng chiếu qua đã khiến con tàu như vớ được phao lập tức lao nhanh về phía đảo Song Tử Tây. Nhận được tin cấp cứu, toàn bộ anh em trong đơn vị thả xuồng và chạy đến cứu được 5 ngư dân đưa vào bờ tránh giông an toàn,” anh Khánh bồi hồi kể.
Và những "kẻ" độc hành
Cũng trong phiên gác trên ngọn hải đăng Song Tử Tây, mặt đen sạm, mái tóc điểm xuyết màu bạc, anh Trần Văn Dũng, 24 tuổi, mới vào nghề làm được 4 năm.
Theo anh Dũng, mỗi ngọn hải đăng đều có nét riêng mang đậm bản chất dáng vẻ theo thời gian cũng giống như tính cách của người gác đèn, nhìn mỗi người một suy nghĩ, một kẻ độc hành trên chặng đường về đêm.
Học xong trường Cao đẳng Hàng hải Thành phố Hồ Chí Minh, anh Dũng liền xin vào làm trong Công ty bảo đảm Hàng hải rồi được phân công ra trông giữ đèn ở Trường Sa.
Bằng giọng nói mừng rỡ, Dũng kể rằng, ban đầu khi đi làm xa về nhà, bạn bè hỏi làm nghề gì thì nói làm ở hải đăng, nghe rất là oách. Nhưng có ai biết được đằng sau nó còn có biết bao điều thầm kín, tâm sự, sự đồng cảm mà mấy khi chúng tôi chia sẻ.
“Ấy thế mà thấm thoát 4 năm trôi qua. Vui có, buồn có. Nhưng nhiều khi trực đêm giữa đảo và biển nước khiến nỗi buồn đến nao lòng. Thời gian đầu mới vào mình rất thích vì được ngắm trăng sao, hoàng hôn, bình minh, thời khắc chuyển giao ngày và đêm nhưng sau đó tất cả chỉ là quy luật tự nhiên nên thấy điều đó bình thường,” Dũng tâm sự.
Nhiều hôm trực trên nóc đèn, ngồi trong bức bối quá, Dũng bèn trèo ra lan can ngồi hòa mình với gió trời, đưa ánh mắt nhìn xa xăm mà không biết mình nhìn và nghĩ về điều gì. Nhìn Dũng lúc đó, thấy ánh mắt đượm buồn, tôi tự hỏi có bao nhiêu người đang làm công việc của anh, cái công việc khiến các anh thành những gã độc hành trong đêm tối.
Với họ và những người xa nhà, giao thừa chào đón năm mới là khoảng thời gian buồn nhất. Đêm đêm, nhà nhà sum họp, nâng ly rượu chúc xuân sang thì những kẻ gác biển lại phải ngồi thu lu trên độ cao vài chục mét, chỉ có màu vàng nhạt, chớp nháy theo tín hiệu cài sẵn báo hiệu làm người bạn thường nhật.
“Tết đến, lắm lúc muốn chạy thật nhanh về nhà ôm chầm lấy người thân hoặc được gọi điện về nhà nhưng do nghẽn mạng nên phải hết ca đến sáng hôm sau mới có thể gửi những lời chúc gia đình,” Dũng nói.
Khi chúng tôi hỏi liệu các anh có muốn chia tay nghiệp hải đăng thì tất cả đều lắc đầu nói rằng, mỗi người đều có sự lựa chọn về nghề nghiệp riêng, được trông đèn biển giúp đỡ tàu qua lại an toàn và được đứng giữa đảo xa cũng chính là những người lính không đeo quân hàm với trách nhiệm canh giữ, bảo về biển đảo và chủ quyền đất nước.
Tàu lại bắt đầu hành trình mới, chúng tôi bịn rịn ngoảnh lại nhìn theo ngọn hải đăng Song Tử Tây cao 33m uy nghi đứng giữa đảo, dáng vẻ trầm mặc. Ánh đèn vàng nhạt sáng giữa đêm tối. Liệu những người gác đèn biển có biết cái chấm vàng nhỏ nhoi mà họ thắp lên mỗi ngày đã mang lại cuộc sống, tình cảm ấm áp, thiêng liêng và lòng tự hào dân tộc cho mỗi người được dịp nhìn thấy và được nó dẫn dắt./.
Những ngọn hải đăng luôn đứng một mình, chơ vơ giữa bốn bề sóng gió và đại dương, đứng tách biệt với thế giới bên ngoài chỉ với nhiệm vụ soi đường chỉ lối cho những con tàu trên biển.
Và, riêng những người làm nghề trông “mắt thần” trên biển dường như cũng gắn chặt với ngọn hải đăng hết ngày này qua ngày khác. Bóng dáng họ ngồi bất động trên cao dõi đôi mắt nhìn xa xăm về khoảng không mênh mông tối mù mịt biển cả và chúng tôi tự hỏi liệu có bao nhiêu người đủ sức chịu đựng, đủ lòng yêu nghề để có thể làm việc giữa muôn trùng khơi nơi đầu sóng ngọn gió.
“Mắt thần” trên biển
Sau 5 ngày vượt qua bão, sóng ào ào, lênh đênh trên biển tàu Hải Quân HQ996 cũng đã đến được đảo Song Tử Tây trong một chiều nắng mưa thất thường. Khung cảnh ngọn hải đăng đảo Song Tử Tây cũ kỹ mờ ảo hiện lên thật lạ và đẹp dưới sắc mây chiếu rọi ánh nắng mặt trời vàng úa.
Tiếp đón đoàn công tác trong lúc trời chập choạng tối, anh Trần Văn Khánh, Trưởng trạm hải đăng Song Tử Tây đang vội vã chuẩn bị vào ca trực khi thời gian mở đèn vào lúc 17 giờ 30 phút và tắt vào 5 giờ 30 phút ngày hôm sau.
Được sự cho phép của anh, tôi vội vàng cầm đèn pin theo anh lên bật đèn. Với 124 bậc thang gỗ xoắn ốc đã sờn màu sơn, không khí tối om khiến người mới leo lên cảm thấy mệt lử người khi mới đi được nửa hành trình.
Ấy thế mà anh Khánh bảo, anh trèo lên trèo xuống vài lần mỗi ngày là chuyện bình thường. Nhiều hôm bão gió, anh em đều tập trung công việc để hướng dẫn, chỉ đường cho tàu biết lối đi neo đậu an toàn.
Giọng nói oang oang nhưng chậm rãi, khàn khàn đặc của người sống lâu trên biển, anh Khánh kể về duyên nợ gắn bó với nghề.
Vốn là người con đất cảng Hải Phòng, anh làm nghề này đã hơn 20 chục năm, không nhớ bao nhiêu lần ăn Tết nhưng với 7 ngọn hải đăng trên quần đảo Trường Sa, chưa đảo nào có hải đăng mà không có bước chân anh.
Theo anh Khánh, hầu hết các ngọn hải đăng trên đảo Trường Sa đều thuộc hệ thống bảo đảm an toàn hàng hải. Công việc của anh vẫn diễn ra đều đều với việc lau chùi bảng, đèn, bảo dưỡng thiết bị, bật đèn theo quy định và trực thay ca...
“Nghề hải đăng nhiều khi buồn. Công việc nhàn hạ bởi quanh đi quẩn lại cũng chỉ có leo bậc thang, lên ngóng đèn ra biển. Đêm nhìn ra biển tối thui, chỉ có trăng sao làm bạn vì thế mà lắm lúc thấy cô độc và chơ vơ nơi đảo xa,” anh Khánh ngậm ngùi nói.
Thậm chí, nhiều người chỉ thích ngắm ngọn hải đăng sừng sững, uy nghi chứ mấy ai hỏi chuyện nghề gác đèn biển.
Anh Khánh tâm sự: “Các đoàn công tác ra thăm đảo, đôi khi chỉ chú ý tới thăm hỏi và tặng quà cho các đơn vị bộ đội và các hộ dân trên đảo mà quên mất những người gác đèn biển. Ở đất liền cũng chỉ viết thư thăm hỏi cho bộ đội Trường Sa chứ ít người nghĩ tới chuyện giao lưu, hỏi han với người làm nghề này.”
Nhớ lại những kỉ niệm cuộc đời về nghề, anh Khánh chỉ nhỏ nhẹ nói rằng, nhiều thuyền bè nhờ vào hệ thống đèn của các anh mà đã tránh được "mũi đinh ba của thần biển" khi gió bão ập xuống.
Dù rằng đã cứu sống nhiều ngư dân nhưng chiến công của các anh vẫn âm thầm lặng lẽ mà không có một lời cảm ơn nào.
“Năm 1997-1998, khi có cơn giông cục bộ đổ ập xuống đảo Đá Nam, chiếc thuyền đánh cá bị lốc cuốn xoay tròn ra giữa biển trên đảo Đá Thị làm máy móc hỏng hóc và trục trặc, lạc mất phương hướng bờ. Cũng may nhờ có ánh đèn vàng leo lét hải đăng chiếu qua đã khiến con tàu như vớ được phao lập tức lao nhanh về phía đảo Song Tử Tây. Nhận được tin cấp cứu, toàn bộ anh em trong đơn vị thả xuồng và chạy đến cứu được 5 ngư dân đưa vào bờ tránh giông an toàn,” anh Khánh bồi hồi kể.
Và những "kẻ" độc hành
Cũng trong phiên gác trên ngọn hải đăng Song Tử Tây, mặt đen sạm, mái tóc điểm xuyết màu bạc, anh Trần Văn Dũng, 24 tuổi, mới vào nghề làm được 4 năm.
Theo anh Dũng, mỗi ngọn hải đăng đều có nét riêng mang đậm bản chất dáng vẻ theo thời gian cũng giống như tính cách của người gác đèn, nhìn mỗi người một suy nghĩ, một kẻ độc hành trên chặng đường về đêm.
Học xong trường Cao đẳng Hàng hải Thành phố Hồ Chí Minh, anh Dũng liền xin vào làm trong Công ty bảo đảm Hàng hải rồi được phân công ra trông giữ đèn ở Trường Sa.
Bằng giọng nói mừng rỡ, Dũng kể rằng, ban đầu khi đi làm xa về nhà, bạn bè hỏi làm nghề gì thì nói làm ở hải đăng, nghe rất là oách. Nhưng có ai biết được đằng sau nó còn có biết bao điều thầm kín, tâm sự, sự đồng cảm mà mấy khi chúng tôi chia sẻ.
“Ấy thế mà thấm thoát 4 năm trôi qua. Vui có, buồn có. Nhưng nhiều khi trực đêm giữa đảo và biển nước khiến nỗi buồn đến nao lòng. Thời gian đầu mới vào mình rất thích vì được ngắm trăng sao, hoàng hôn, bình minh, thời khắc chuyển giao ngày và đêm nhưng sau đó tất cả chỉ là quy luật tự nhiên nên thấy điều đó bình thường,” Dũng tâm sự.
Nhiều hôm trực trên nóc đèn, ngồi trong bức bối quá, Dũng bèn trèo ra lan can ngồi hòa mình với gió trời, đưa ánh mắt nhìn xa xăm mà không biết mình nhìn và nghĩ về điều gì. Nhìn Dũng lúc đó, thấy ánh mắt đượm buồn, tôi tự hỏi có bao nhiêu người đang làm công việc của anh, cái công việc khiến các anh thành những gã độc hành trong đêm tối.
Với họ và những người xa nhà, giao thừa chào đón năm mới là khoảng thời gian buồn nhất. Đêm đêm, nhà nhà sum họp, nâng ly rượu chúc xuân sang thì những kẻ gác biển lại phải ngồi thu lu trên độ cao vài chục mét, chỉ có màu vàng nhạt, chớp nháy theo tín hiệu cài sẵn báo hiệu làm người bạn thường nhật.
“Tết đến, lắm lúc muốn chạy thật nhanh về nhà ôm chầm lấy người thân hoặc được gọi điện về nhà nhưng do nghẽn mạng nên phải hết ca đến sáng hôm sau mới có thể gửi những lời chúc gia đình,” Dũng nói.
Khi chúng tôi hỏi liệu các anh có muốn chia tay nghiệp hải đăng thì tất cả đều lắc đầu nói rằng, mỗi người đều có sự lựa chọn về nghề nghiệp riêng, được trông đèn biển giúp đỡ tàu qua lại an toàn và được đứng giữa đảo xa cũng chính là những người lính không đeo quân hàm với trách nhiệm canh giữ, bảo về biển đảo và chủ quyền đất nước.
Tàu lại bắt đầu hành trình mới, chúng tôi bịn rịn ngoảnh lại nhìn theo ngọn hải đăng Song Tử Tây cao 33m uy nghi đứng giữa đảo, dáng vẻ trầm mặc. Ánh đèn vàng nhạt sáng giữa đêm tối. Liệu những người gác đèn biển có biết cái chấm vàng nhỏ nhoi mà họ thắp lên mỗi ngày đã mang lại cuộc sống, tình cảm ấm áp, thiêng liêng và lòng tự hào dân tộc cho mỗi người được dịp nhìn thấy và được nó dẫn dắt./.
Đỗ Hùng (Vietnam+)