Cơ chế nào để thu hút vốn tư nhân cho tăng trưởng xanh?

Nguồn vốn đầu tư công của Việt Nam cho chống biến đổi khí hậu và các mục tiêu tăng trưởng xanh chỉ chiếm 0,1% GDP. Vì vậy, nguồn vốn đầu tư tư nhân có vai trò rất lớn trong việc bù đắp nguồn vốn đó.
Cơ chế nào để thu hút vốn tư nhân cho tăng trưởng xanh? ảnh 1Trang trại điện gió Trung Nam được khánh thành tại huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Việt Nam đang đặt ra nhiều ưu tiên cho việc xây dựng nền kinh tế xanh để sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19, thực hiện tăng trưởng xanh là lựa chọn đúng đắn, giúp Việt Nam hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) vào năm 2030.

Để cùng tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh.

- Ông đánh giá như thế nào về vai trò của tăng trưởng xanh đối với nền kinh tế?

Giám đốc Hà Đăng Sơn: Việc Việt Nam đưa ra được chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh là một bước tiến rất lớn của Việt Nam trong câu chuyện hài hòa hóa phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường cũng như đóng góp vào các nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc giảm phát thải nhà kính chống sự nóng lên toàn cầu.

[Phát triển điện Mặt Trời ở Tây Nguyên: Đánh thức tiềm năng]

Từ trước đến nay, tăng trưởng kinh tế đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam là đòi hỏi cấp thiết.

Tuy nhiên, phát triển kinh tế thường đi kèm với sự trả giá về vấn đề môi trường và một phần nào đó liên quan đến các vấn đề xã hội, văn hóa.

Chính vì vậy, việc đảm bảo cân bằng giữa hai mục tiêu vừa phát triển kinh tế vừa đảm bảo môi trường và giữ được các giá trị văn hóa, xã hội là hết sức cấp thiết đối với Việt Nam.

- Sau 8 năm triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2012-2020, theo ông, đâu là những kết quả được ghi nhận?

Giám đốc Hà Đăng Sơn: Năm 2012, Việt Nam bắt đầu ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thể hiện rõ ràng tầm nhìn của Chính phủ với mục tiêu cân bằng giữa các trụ cột vừa phát triển kinh tế, môi trường và xã hội.

Tuy nhiên, ở thời điểm đó vẫn còn khoảng trống nhất định về thể chế để cụ thể hóa chiến lược này. Đến năm 2014, Việt Nam mới cụ thể hóa các bước đi, lộ trình cụ thể.

Chiến lược quốc gia tăng trưởng xanh đặt ra cho giai đoạn từ 2012-2020 chủ yếu là xây dựng thể chế và các nền tảng cơ bản để chuẩn bị cho giai đoạn 2021 trở đi Việt Nam mới thực sự thực hiện các hoạt động về tăng trưởng xanh ở quy mô rộng hơn.

Chính vì vậy, kết quả đạt được của giai đoạn 2014-2020 chủ yếu là xem xét đánh giá mức độ khả thi của các phương pháp khác nhau và rà soát đánh giá các khung khổ chính sách.

- Xin ông cho biết Việt Nam đã có cơ chế, chính sách gì để thúc đẩy sự phát triển tăng trưởng xanh?

Giám đốc Hà Đăng Sơn: Sau Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Việt Nam đã có kế hoạch hành động cụ thể về tăng trưởng xanh. Kế hoạch này nêu rõ về 12 nhóm nội dung để thực hiện và 66 các hoạt động khác nhau với sự tham gia của các ngành, các địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội.

Trên căn cứ đó, Việt Nam đã thực hiện nhiều hoạt động nhất là đẩy mạnh nghiên cứu cơ chế chính sách cho tăng trưởng xanh chẳng hạn như ban hành Luật Quy hoạch giúp tạo sự đồng bộ giữa các địa phương trong thực hiện các dự án liên quan; hay hàng loạt các luật khác như Luật Đầu tư công, Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi...

Ở cấp độ triển khai, có hàng loạt chính sách, tiêu chuẩn đã được các bộ, ngành ban hành để thúc đẩy triển khai tăng trưởng xanh như các chính sách thúc đẩy năng lượng xanh; chính sách trợ giá điện năng lượng Mặt Trời, điện gió…

- Một trong những khó khăn hiện nay đó là huy động nguồn lực tài chính phục vụ cho các mục tiêu tăng trưởng xanh nhất là trong bối cảnh cắt giảm đầu tư công. Theo ông, cần giải quyết vấn đề này thế nào?

Giám đốc Hà Đăng Sơn: Kinh nghiệm quốc tế cho thấy đầu tư công không phải là nguồn vốn chủ đạo đối với nỗ lực thực hiện chống biến đổi khí hậu hay tăng trưởng xanh. Hàn Quốc chỉ dùng vốn đầu tư công như nguồn vốn kích thích để tạo sự tin tưởng cho nguồn vốn tư nhân với quy mô rộng hơn.

Tôi cho rằng thời gian qua, Việt Nam vẫn chưa huy động được nhiều nguồn vốn tư nhân do vẫn còn thiếu cơ chế điều phối từ Trung ương và các bên liên quan.

- Thưa ông, có ý kiến cho rằng khu vực kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh, tuy nhiên thời gian qua khu vực này chưa có đóng góp tương xứng. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

Giám đốc Hà Đăng Sơn: Đầu tư tư nhân là vô cùng cần thiết trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế với sự tham gia mạnh mẽ hơn của khối kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, thời gian qua nguồn vốn đầu tư tư nhân chưa thực sự nhiều và chưa thu hút được nhiều đầu tư tư nhân.

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, Quỹ phát triển Liên hợp quốc về huy động nguồn vốn cho biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, nguồn vốn đầu tư công của Việt Nam cho việc chống biến đổi khí hậu và các mục tiêu tăng trưởng xanh chỉ chiếm 0,1% GDP. Vì vậy, nguồn vốn đầu tư tư nhân có vai trò rất lớn trong việc bù đắp nguồn vốn đó.

Cơ chế nào để thu hút vốn tư nhân cho tăng trưởng xanh? ảnh 2Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh. (Nguồn: nangluongvietnam.vn)

Để huy động được đầu tư tư nhân, các chính sách của Chính phủ cần có tầm nhìn dài hạn hơn thay vì các chính sách ngắn hạn có tầm nhìn 5 năm để tạo sự tin tưởng của khối tư nhân.

Hiện rất nhiều các khoản đầu tư của tư nhân nhưng chỉ ngắn hạn trong thời gian 4-5 năm sau đó họ chuyển sang các lĩnh vực khác do lo sợ về rủi ro về mặt chính sách.

- Việt Nam đang xây dựng Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2045, hướng tới 2050. Với tư cách là một chuyên gia, theo ông Chiến lược cần nhấn mạnh những giải pháp gì?

Giám đốc Hà Đăng Sơn: Theo tôi, trước tiên vẫn là câu chuyện thể chế. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn tới cần tập trung vào cách điều phối từ Trung ương đến địa phương như thế nào để mang lại hiệu quả cao nhất.

Thứ hai, sự tham gia của khối tư nhân là hết sức quan trọng khi muốn triển khai chiến lược quy mô rộng hơn ở nhiều ngành, lĩnh vực. Chính vì vậy cần có cơ chế chính sách rõ ràng nhất là cơ chế về tài chính để khuyến khích đầu tư từ khu vực này.

- Xin cảm ơn ông!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục