Bà chủ khuyết tật

Cô gái "đi bằng tay" và chặng đường làm bà chủ

Bị liệt từ nhỏ, Hương buộc sách vào người, lấy tay xỏ dép để lê đến trường. Sự học khó khăn, chị đã chọn nghề khảm trai để mưu sinh.
Lúc mới 8 tháng tuổi, Nguyễn Thị Hương (sinh năm 1970) đã phải gánh chịu một nỗi đau tưởng chừng không vượt qua nổi khi cơn sốt ác tính đã vĩnh viễn cướp đi cái quyền được đi trên đôi chân nhỏ nhắn.

Vượt qua nỗi đau khuyết tật, Hương buộc sách vào người, lấy tay xỏ dép để lê đến trường. Con đường học hành khó khăn, chị đã chọn cho mình nghề khảm trai để mưu sinh cuộc sống.

Giờ đây, không chỉ tự lo kinh tế cho mình, xây dựng nhà cửa khang trang, chị Hương còn giúp nhiều thanh niên có nghề, lập nghiệp.

Đứng dậy bằng tay

Trong khu xưởng rộng khoảng 100m2 nằm ở tầng một của ngôi nhà khang trang tại thôn Vạn Điểm, xã Vạn Điểm (Thường Tín, Hà Nội), chị Hương dùng đôi tay của mình đến từng chỗ làm việc của học trò chỉ dạy từng chi tiết nhỏ.

Biết khách đến không có ý định xin học nghề, cũng chẳng đặt hàng khảm trai, chị Hương khéo léo từ chối kể về cuộc  đời mình. Bởi với chị, nó chẳng đáng gì so với nhiều người khuyết tật trên dải đất hình chữ S.

Phải đến khi ấm trà được pha, rót ra nhiều lần và khi khách nói đã biết thông tin về chị qua lời ông Nguyễn Tiến Hoạt, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Vạn Điểm, chị Hương mới nhỏ nhẹ giãi bày, mong chia sẻ chút nghị lực với những người cùng cảnh ngộ.

Nhà có bảy anh chị em, là con thứ sáu nhưng chị Hương không may mắn như anh, chị em của mình. Tám tháng tuổi, một cơn sốt ác tính đã vĩnh viễn cướp đi quyền được đứng dậy bằng đôi chân của Hương.

Ở cái vùng quê nghèo khó khi ấy, người lớn quần quật đi làm kiếm miếng cơm manh áo, người bị liệt như Hương chỉ còn cách tựa cửa, nhìn bạn bè đi lớp mà thèm. Lên bốn tuổi, cô bé tập đi bằng chính đôi tay của mình. Đến tuổi đi học, hôm có người thân đưa đi đã đành, có hôm nhà neo người mà lại không muốn nghỉ học, Hương buộc sách vào lưng, đeo dép vào tay lê theo chúng bạn. Như chú rùa cần mẫn bò từng bước, Hương cũng đến được trường khi quần áo đã lấm lem bùn đất.

“Đường phẳng thì lê được, chứ đến lúc đường dốc hoặc mưa trơn thì khó vô cùng,” chị Hương nhớ lại.

Biết mình khó khăn trong con đường học tập, Hương ý thức việc mình phải “dắt lưng” một cái nghề để tự lo cuộc sống và cũng để bố mẹ đỡ lo lắng lúc về già. May mắn cho chị, khi Hương lớn lên, nghề gỗ, chạm khảm ở xã Vạn Điểm bắt đầu phát triển mạnh. Chị đã quyết định học nghề khảm trai với lý do đơn giản: “Nghề này không phải di chuyển quá nhiều.”

Kể từ lúc được người thân xin cho học nghề tại một cơ sở ở làng, cái tay vốn làm nhiệm vụ thay chân, giờ được Hương sử dụng nhiều hơn vào việc cầm dùi, đục. Nhiều khi, cánh thợ trong xưởng đã nghỉ hết mà một mình chị vẫn cứ lạch cạch đục đẽo, chạm khảm.

Rồi thành công cũng đến với chị, những hoa văn đầu tiên đã thành thành phẩm và dần dà đạt đến mức tinh xảo. Nhưng, khi cầm đồng lương đầu tiên cũng là lúc Hương có suy nghĩ phải làm gì đó cho riêng mình. Tiền lương có được, chị dành dụm, tích lại một chỗ để chờ ngày... khởi nghiệp.

Cô giáo đặc biệt

Năm 1994, Hương năn nỉ gia đình xin cho mở xưởng chạm khảm tại nhà. Lúc đầu, bố mẹ chị một mực ngăn cản bởi chỉ mong con mình có được cái nghề, lo toan cuộc sống chứ họ chẳng hy vọng một ngày con trở thành bà chủ. Thế nhưng, trước sự quyết tâm của cô con gái và để cho con bớt phải đi lại vất vả, họ đã gật đầu đồng ý.

Ngày đầu mở xưởng, khó khăn chồng chất. Chị Hương phải dồn hết tiền lương của mình đã tiết kiệm, rồi vay anh trai 20kg đường bán đi để lấy tiền mua đồ nghề. Lúc ấy, chị nhận làm thuê cho các ông chủ xưởng gỗ trong xã Vạn Điểm.

Tiếng lành về tay nghề của chị đồn xa, công việc bắt đầu nhiều lên cũng là lúc chị Hương tính thuê thêm người làm. Tiền trả công không có, chị Hương nghĩ ra cách tập hợp những đứa trẻ có hoàn cảnh gia đình khó khăn đến dạy nghề, nuôi ăn, ở và trả tiền công khi làm ra thành phẩm.

Phương pháp này của chị Hương khá hiệu quả. Chỉ hai năm sau, hàng chục người đã đến xưởng của chị xin học nghề. Ngôi nhà của bố mẹ chị khi ấy trở nên chật chội, chị quyết định vay tiền, mua đất làm nhà để mở rộng khu sản xuất trước sự ngạc nhiên của người dân trong vùng. Thật khó có thể tin chuyện một cô gái chỉ lết bằng tay, lại hai bàn tay trắng, mà lại có thể dựng nên một cơ ngơi như thế.

Càng ngày, cái xưởng của chị Hương càng trở nên chật hẹp khi nhiều người kéo đến xin học. Có người xa tận tỉnh Hà Nam, Thái Bình, người gần thì trong làng, trong huyện. Người ở xa, chị tạo điều kiện chỗ ăn, nghỉ và tận tình chỉ bảo cho thành nghề. Học xong, người thợ ấy có thể ở lại làm hoặc khăn gói về quê mà không cần trả học phí.

Chị Hương bảo, mình khuyết tật nên luôn chú ý đến người đồng cảnh ngộ. Trong đám học trò hàng trăm người của chị, có Tâm ở Hà Nam có trí tuệ chậm phát triển và chiều cao chưa đầy 1m. Cảm thông hoàn cảnh của Tâm, chị Hương luôn chỉ bảo tận tình và yêu cầu các học viên khác giúp bạn cùng tiến. Nhờ vậy, “sau hai năm theo học, Tâm đã có thể trở về Hà Nam kiếm sống,” chị Hương kể.

Giờ đây, trong xưởng của chị Hương lúc nào cũng có khoảng 20-30 học viên và thợ. Chị vẫn vậy, một mình với đôi tay lê khắp xưởng quán xuyến, chỉ bảo học trò không quản thời gian và công sức.

Phó Chủ tịch xã Nguyễn Tiến Hoạt cho hay, để tạo điều kiện cho chị mở rộng sản xuất và dạy nghề tốt hơn, xã Vạn Điểm đã cho chị thuê 100m2 ở khu công nghiệp làng nghề với giá chỉ bằng 50%. Ông cũng không giấu vẻ tự hào bởi người con khuyết tật của quê mình có khá nhiều thành tích đáng nể.

Đó là việc, năm 2005, chị Hương được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì thành tích xuất sắc vượt lên số phận để làm giàu, tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động. Năm 2007, chị được Hội bảo trợ tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam tặng bằng khen có nhiều cống hiến cho người tàn tật…

Chia tay khách, chị bảo, giúp người cũng là giúp mình. Trời cho khỏe ngày nào thì chị còn tiếp tục đứng dậy vững vàng để sống cho ra sống. Và chị mong, những người khuyết tật khác cũng sẽ làm như thế./.

Trung Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục