Cô gái gốc Việt với dự luật bảo vệ nạn nhân bị tấn công tình dục

Ngày 23/2, các nghị sỹ thuộc đảng Dân chủ tại Quốc hội Mỹ đã trình lên một đề xuất hoàn toàn mới nhằm đảm bảo các quyền nhất định cho những người bị tấn công tình dục.
Cô gái gốc Việt với dự luật bảo vệ nạn nhân bị tấn công tình dục ảnh 1(Nguồn: msn.com)

Ngày 23/2, các nghị sỹ thuộc đảng Dân chủ tại Quốc hội Mỹ đã trình lên một đề xuất hoàn toàn mới nhằm đảm bảo các quyền nhất định cho những người bị tấn công tình dục.

Đây là nỗ lực mới nhất để chấn chỉnh hoạt động khởi tố các vụ án tình dục đang bị xem là kém hiệu quả.

Khác với những dự luật khác tập trung vào lực lượng hành pháp, đây là dự luật đầu tiên tại Mỹ tập trung trực tiếp vào việc tăng cường sự bảo vệ của pháp luật với những nạn nhân bị tấn công tình dục.

Và sự ra đời của dự thảo luật này có phần đóng góp không nhỏ của một cô gái người Mỹ gốc Việt 24 tuổi.

Amanda Nguyen là một nhân viên tập sự tại Nhà Trắng. Cô cũng đồng thời là người đi đầu trong quá trình thành lập dự thảo luật nêu trên.

Amanda trở thành một nhà hoạt động xã hội do những trải nghiệm về cuộc vật lộn với hệ thống pháp luật.

Khoảng hai năm trước, Amanda đã bị cưỡng bức và đã nộp những bằng chứng về vụ tấn công tới tòa án bang Massachusetts. Tòa án cho cô 15 năm để quyết định có theo đuổi vụ kiện hay không.

Tuy nhiên, tại bệnh viện, cô nhận được một tờ rơi nói rằng trừ phi cô gửi một yêu cầu gia hạn, theo luật của bang, tòa án có thể hủy bộ dụng cụ xét nghiệm mà cô đã dùng để lấy bằng chứng trong vòng 6 tháng.

Amanda đã phải mất rất nhiều công sức tìm hiểu cách nộp đơn gia hạn, rồi sau đó vội vã tìm kiếm bộ dụng cụ cô đã dùng.

Cứ mỗi 6 tháng, cô lại phải lặp lại quá trình này một lần, bởi phía cảnh sát nói với cô rằng bộ dụng cụ đã được chuyển tới phòng pháp y, nhưng rồi phía pháp y lại nói rằng bộ dụng cụ đang ở chỗ cảnh sát.

Sự vất vả này đã khiến Amanda tự hỏi, liệu luật của các bang khác trên nước Mỹ có giống như vậy không.

Cô lập danh sách hơn 20 quyền hợp pháp của các nạn nhân bị tấn công tình dục và nhận ra mức độ bảo vệ của pháp luật với họ có sự khác biệt rất lớn ở các bang khác nhau.

Ví dụ, bang Kansas và bang Utah gần như không cho người bị tấn công tình dục một quyền nào, trừ việc bảo đảm chính phủ sẽ trả tiền xét nghiệm cho họ ở Utah, hay cấm ép buộc nạn nhân làm xét nghiệm tại Kansas.

Bang California và đặc khu Columbia thì trao quyền cho nạn nhân tiếp cận với những tư vấn viên được đào tạo, nhưng không cho họ quyền sở hữu một bản sao hồ sơ vụ án của cảnh sát.

California là bang duy nhất bảo đảm các nạn nhân được quyền biết kết quả xét nghiệm của mình.

Nhiều tổ chức đã tìm hiểu xem có bao nhiêu bộ dụng cụ xét nghiệm cho người bị tấn công tình dục không được kiểm tra, nhưng không có số liệu chính thức nào cho biết có bao nhiêu bộ đã bị hủy mà không được nạn nhân biết hay đồng ý.

Do đó, Amanda đã quyết định hành động. Cô tập hợp bạn bè, người thân và các luật sư, lập nên một mạng lưới người tình nguyện và kêu gọi sự ủng hộ với luật mới.

Chỉ trong hai tháng sau khi thành lập, Rise - nhóm tình nguyện của Amanda - đã khiến các nhà lập pháp ở Massachusetts đưa ra một dự thảo luật trao các quyền mới cho các nạn nhân bị tấn công tình dục, bao gồm lập ra hệ thống theo dõi các bộ dụng cụ xét nghiệm và cấm các lực lượng hành pháp phá hủy các bộ dụng cụ mà không kiểm tra chúng hay báo trước cho nạn nhân.

Vài tháng sau đó, Rise đã mang một bản đề xuất tương tự tới các nhà lập pháp ở California và New York.

Amanda tự tin rằng dự thảo luật mà Thượng viện đệ trình sẽ truyền cảm hứng cho các bang nỗ lực thay đổi hơn.

Tháng 1 vừa qua, dự thảo luật ở Massachusetts đã được trình ra trước cả hai viện.

Đạo luật Quyền của người bị tấn công tình dục được thành lập dựa trên các quyền hợp pháp đã tồn tại ở nhiều bang khác nhau trên cả nước.

Luật đề nghị những nạn nhân bị tấn công tình dục được quyền tiếp cận tư vấn viên đã được đào tạo cũng như những thông tin cụ thể về các lựa chọn pháp lý của mình.

Những người chấp nhận làm xét nghiệm để xác định bị cưỡng dâm có quyền được biết nơi lưu trữ bằng chứng xét nghiệm, độ chính xác của bộ dụng cụ xét nghiệm và kết quả xét nghiệm.

Dự thảo luật đồng ý trao những quyền này kể cả khi nạn nhân không trình báo sự việc với cơ quan chức năng hay công bố với báo chí.

“Nhiều nạn nhân cảm thấy hệ thống luật pháp hiện nay khiến họ thất vọng. Chúng ta cần có một bộ quyền lợi cho những người bị tấn công tình dục,” thượng nghị sỹ Jeanne Shaheen của New Hampshire, người bày tỏ sự ủng hộ nhiều nhất với dự thảo luật cho biết.

Bà cũng tin tưởng rằng dự thảo này sẽ được các nghị sỹ thuộc cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa ủng hộ, trong bối cảnh những năm gần đây, hai đảng đã bắt tay tăng cường hỗ trợ cho các điều luật về điều tra tấn công tình dục trong quân đội.

Amanda Nguyen hiện đang làm việc cho cơ quan liên lạc thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Tham vọng của cô là được trở thành một chuyên viên tham gia các nhiệm vụ của NASA. Cô mô tả bản thân là một người kiên nhẫn và có sự lạc quan tinh thần lớn.

“Tôi có thể chấp nhận sự thiếu công bằng. Nhưng tôi đã lựa chọn viết lại luật pháp,” Amanda chia sẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục