Trí tuệ nhân tạo tạo sinh (AI tạo sinh hoặc GenAI) là một dạng trí tuệ nhân tạo có khả năng tạo ra nội dung mới như văn bản, hình ảnh, âm thanh và video dựa trên dữ liệu đầu vào. Các mô hình GenAI nổi tiếng như GPT-4 của OpenAI đã chứng minh khả năng vượt trội trong việc tạo ra nội dung tự nhiên và sáng tạo, mở ra nhiều ứng dụng thực tiễn trong kinh doanh.
Tiềm năng của GenAI nằm ở khả năng tự động hóa và tối ưu hóa nhiều quy trình công việc, từ tiếp thị, dịch vụ khách hàng đến phát triển sản phẩm và quản lý nội bộ. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam, nơi mà nguồn lực thường hạn chế và cần tối ưu hóa hiệu suất hoạt động.
Tiềm năng ứng dụng GenAI trong doanh nghiệp vừa và nhỏ
Tại tọa đàm "Ứng dụng AI đột phá doanh số bán hàng và Marketing" diễn ra vào ngày 23/8 thuộc diễn đàn AI4VN 2024 sáng ngày 23/8, ông Cao Vương - nhà sáng lập AIVA Group cho biết ứng dụng GenAI trên thế giới tăng mạnh trong 5 năm gần đây.
Theo đó, AI tạo sinh bắt đầu được ứng dụng từ năm 2022, đến hiện tại tăng trưởng 62%. Đặc biệt, 92% công ty top 500 Fortune đã ứng dụng Gen AI, nhờ đó giúp họ tăng gần 16% doanh thu, cải thiện 37% năng suất nhân viên, gần 25% năng suất toàn doanh nghiệp, 55% năng suất của nhà phát triển.
Các lĩnh vực ứng dụng AI phổ biến nhất là marketing và bán hàng; phát triển sản phẩm, dịch vụ; công nghệ thông tin. Ông Vương nhấn mạnh 70% thế hệ GenZ đang sử dụng AI tạo sinh, nổi bật thông qua Chatbots giúp doanh nghiệp tiết kiệm trung bình 2 giờ 20 phút mỗi ngày.
Tuy nhiên, theo ông Vương, việc ứng dụng GenAI vẫn còn nhiều thách thức với các nhà lãnh đạo và doanh nghiệp thiếu chiến lược. Bên cạnh đó, tỷ lệ người dùng thường xuyên vẫn chưa cao.
Trong ngành marketing và bán hàng, AI được ứng dụng chủ yếu trong viết bài, viết quảng cáo hay nghiên cứu từ khóa. Các doanh nghiệp đang dùng Chatbots để bán hàng, đào tạo nhân sự. Ngoài ra, họ sử dụng ChatGPT để phục vụ người dùng cuối.
Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt vẫn bị đánh giá rất ít sử dụng giải pháp này. Lý do đến từ việc họ lúng túng trong cách sử dụng, ngại công nghệ mới, hoang mang giữa "rừng" thông tin, sử dụng không hiệu quả dẫn đến không dùng nữa. "99% người dùng đang sử dụng ChatGPT không hiệu quả," ông Vương nhấn mạnh.
Lần đầu tiên Hội nghị Trí tuệ Nhân tạo GenAI được tổ chức tại Việt Nam
Hội nghị sẽ mang tới những tiến bộ mới nhất về công nghệ trí tuệ nhân tạo tạo sinh và có sự tham dự của ông Jeff Dean-Giám Đốc Khoa học của Google, đồng sáng lập của Google Brain, Google Translate...
Lý giải điều này, nhà sáng lập AIVA chỉ ra những nhược điểm của GenAI đến từ việc người dùng không thể yêu cầu AI hoàn thành cả một nhiệm vụ lớn.
Tại tọa đàm, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Thủy - Chủ tịch FISU Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư ngành Công nghệ thông tin, Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam dự báo, AI tạo sinh sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến thị trường lao động trong 3 năm tới.
Vấn đề của SME là lựa chọn "điểm rơi" để ứng dụng GenAI đồng thời cần lưu ý đến chính sách để quản lý những rủi ro như chọn đối tác, môi trường.
Giáo sư Thủy cũng nhấn mạnh việc con người nên tận dụng nhưng không lạm dụng, phó mặc cho AI thay thế hoàn toàn. "Chúng ta cần kiểm soát dữ liệu từ sơ cấp, thứ cấp, lưu ý đến đạo đức khi ứng dụng AI tạo sinh. Sai lệch thường đến từ dữ liệu thứ cấp vì không đảm bảo chất lượng, được diễn giải trong ngữ cảnh khác."
Nói về những khó khăn trong quá trình triển khai GenAI, ông Lê Hồng Quang - Phó Tổng Giám đốc thường trực Công ty Cổ phần MISA chia sẻ vấn đề lớn nhất là nhận thức của chủ doanh nghiệp. Nếu chủ doanh nghiệp không nhận thấy AI là xu thế, sẽ không thể lên kế hoạch. Tiếp đến là hạn chế về nguồn lực, ngân sách đầu tư, con người để xây dựng kế hoạch và triển khai.
Tại tọa đàm, các chuyên gia cũng nhấn mạnh vấn đề bảo mật dữ liệu và an ninh mạng cần được chú trọng khi ứng dụng GenAI. Cùng với đó, khung pháp lý về sở hữu trí tuệ và quyền riêng tư cần được hoàn thiện để đảm bảo sử dụng GenAI một cách hợp pháp và an toàn.
Trong tương lai, các chuyên gia cũng cho rằng xu hướng ứng dụng AI tạo sinh thông minh hơn, doanh nghiệp sẽ có công cụ AI riêng để kết nối thẳng với nhiều phầm mềm, tự động chăm sóc khách hàng bằng chatbots để tiết kiệm thời gian, chi phí.
Ứng dụng GenAI để doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng tốc
Tại sự kiện, ông Lê Hồng Quang - Phó Tổng Giám đốc thường trực Công ty Cổ phần MISA, AI đang được ứng dụng trong mọi mặt của quản trị doanh nghiệp, từ bán hàng, lên kế hoạch đến giám sát. Ông ví dụ AI giúp người dùng viết email nhanh gấp 36 lần, thiết kế bộ ảnh thời trang nhanh gấp 24 lần, lập trình viên làm giao diện website nhanh hơn 10 lần...
Ông Quang cũng nhấn mạnh trách nhiệm của các doanh nghiệp và chuyên gia công nghệ tại Việt Nam là tích hợp AI vào sản phẩm để phục vụ khách hàng.
Tại tọa đàm, ông Quang cũng giới thiệu mô trình quản trị ứng dụng AI tại MISA, hướng tới giao tiếp bằng công nghệ, ứng dụng công nghệ thị giác máy tính để xử lý hồ sơ ứng viên, căn cước công dân, tự động hóa hoàn toàn khi kết hợp GenAI. Từ đó, con người có thể tập trung vào tham mưu, tư vấn và loại bỏ các khâu công việc lặp lại.
"Ứng dụng AI vào sản phẩm để phục vụ gần 1 triệu doanh nghiệp SME vừa là trách nhiệm, vừa là cơ hội lớn cho cộng đồng doanh nghiệp và chuyên gia công nghệ tại Việt Nam," ông Quang khẳng định.
Trong khi đó, ông Cao Vương - Nhà sáng lập AIVA Group lại đưa ra một xu hướng Trợ lý AI tự động hóa (Automated AI Agents) trong tương lai gần. Theo ông Vương, tương lai của làm việc thông minh chính là Workflow automation (Tự động hóa luồng công việc hay tự động hóa quy trình làm việc).
Do đó trong tương lai, chúng ta nên tận dụng GenAI theo hướng tạo nội dung cho cả tháng chỉ trong 1 giờ, lên kế hoạch marketing tổng thể, viết một cuốn eBook trong 15 phút, tạo một video chỉ trong 5 phút, viết bài 3.000 từ chuẩn SEO bằng một click, tái chế nội dung đa kênh...
Năm 2023, ông Vương cùng đội ngũ chuyên gia đã cho ra mắt Giải pháp Trợ lý ảo AIVA - Giải pháp ứng dụng AI trong bán hàng và Marketing.
Trợ lý ảo AIVA có thể đảm nhiệm nhiều vị trí công việc, như công việc của một chuyên viên bán hàng, chuyên viên viết nội dung, chuyên viên maketing, chuyên viên nghiên cứu SEO, chuyên viên chăm sóc khách hàng...
Đây là nền tảng cho phép người dùng đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ tự động hóa các tác vụ kinh doanh với các công cụ thông minh, giúp tăng 3 lần hiệu suất công việc, tăng hiệu quả Marketing và bán hàng 200%.
Theo ông Vương: "AI không lấy đi công việc của bạn. Người biết sử dụng AI mới lấy đi cơ hội kinh doanh của bạn."
Bằng cách tận dụng GenAI một cách hiệu quả, doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể nâng cao hiệu suất, cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ, cũng như tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Mặc dù còn đối mặt với một số thách thức, với chiến lược triển khai hợp lý và sự hỗ trợ từ các đối tác công nghệ, GenAI hứa hẹn sẽ trở thành một công cụ đắc lực giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam vươn tầm và đạt được những thành công mới trong tương lai./.