Côn Đảo: Sức sống mới sau 35 năm giải phóng

Côn Đảo - “địa ngục trần gian," mộ thời nay đã trở thành một điểm du lịch sinh thái lý tưởng, với bãi cát trải dài, cánh rừng nguyên sơ.
Côn Đảo - “địa ngục trần gian," với những cực hình tra tấn tàn bạo của đế quốc, thực dân và bè lũ tay sai đối với đồng bào yêu nước, chiến sỹ cách mạng, nay đã trở thành một điểm du lịch sinh thái lý tưởng, với những bãi cát trải dài, những cánh rừng nguyên sơ xanh thẫm.

Trường học cách mạng

Nép mình dưới rừng dương, ba bề tựa vào núi, uốn cong như một mảnh trăng lưỡi liềm ôm lấy vịnh Đông Nam, thị trấn Côn Đảo yên bình chỉ rộng chừng 50km2 mà có tới 19 di tích trọng điểm thuộc Khu di tích lịch sử nhà tù Côn Đảo. Với những chứng tích còn lưu giữ cho đến ngày nay, Côn Đảo như một bản cáo trạng sống về tội ác “trời không dung, đất không tha” của thực dân, đế quốc và bè lũ tay sai.

Ngay khi chiếm đóng Côn Đảo (11/1861), chỉ vài tháng sau (3/1862), thực dân Pháp đã biến một quần đảo có vị trí đắc địa thành nơi giam cầm, đày đọa những nông dân và sỹ phu yêu nước trong phong trào Cần Vương, Đông kinh nghĩa thục và các cuộc nổi dậy ở nhiều nơi trong cả nước, trong đó có những danh sỹ như cụ Phan Chu Trinh, cụ Huỳnh Thúc Kháng. Tiếp đó là hàng vạn cán bộ, đảng viên cộng sản thời kỳ tiền khởi nghĩa, như cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Trải qua thời kỳ thực dân Pháp, rồi thời kỳ đế quốc Mỹ, số lượng tù nhân bị lưu đày tại Côn Đảo không những không hề thuyên giảm mà ngày càng tăng lên, có lúc lên tới 10.000 người (1967-1969), trong đó có phụ nữ, sinh viên, học sinh và cả trẻ em (theo mẹ). Theo tài liệu của Ban quản lý di tích Côn Đảo, đến ngày giải phóng (1/5/1975) tại các nhà tù Côn Đảo có 7.448 tù nhân.

Nằm giữa thị trấn, tòa nhà trước đây từng là tư dinh của các chúa đảo, nay trở thành nơi trưng bày di tích. Nhìn những bức ảnh tù nhân không một mảnh vải che thân, những công cụ đặc chế để tra tấn, đánh đập tù nhân… người xem không khỏi rùng mình.

Qua các thời kỳ, hệ thống nhà tù Côn Đảo có tổng cộng 127 phòng giam, 44 xà lim, 504 phòng “biệt lập chuồng cọp." Sự tồn tại của mỗi loại phòng giam như hầm đá, phòng cấm cố tập thể, biệt lập chuồng cọp, phòng tắm nắng, hầm phân bò, đều gắn liền với những câu chuyện rùng rợn về cách mà bọn cai ngục tra tấn, hành hạ người tù cho đến chết. Ngay cả bệnh xá cũng không còn là nơi chữa bệnh, mà trở thành nhà xác, nơi tù nhân vào mà không ra.

Qua nhiều thế hệ bị tù đày kéo dài suốt 113 năm, hàng vạn chiến sỹ cách mạng, người dân yêu nước đã hy sinh dưới ách tàn bạo của thực dân, đế quốc và họ nằm xuống, trong hàng ngàn nấm mồ không tên tuổi. Năm 1992, nghĩa trang Hàng Dương đã được khởi công xây dựng và tôn tạo, với mục đích giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau.

Mỗi nắm đất nơi đây là một dấu tích của bao sự kiện đấu tranh cách mạng qua các thời kỳ. Biết bao câu chuyện lưu truyền rằng, kẻ thù càng dã man tàn bạo bao nhiêu thì những chiến sỹ yêu nước cách mạng lại càng kiên trung bất khuất bấy nhiêu. Lòng dũng cảm, tinh thần đấu tranh bền bỉ và ý chí quyết thắng còn thấm đẫm trong từng đường kim, mũi chỉ trên lá cờ Tổ quốc do các nữ tù chính trị may, thêu bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu của mình.

Ở nơi tàn khốc nhất - khu “chuồng cọp kiểu Mỹ," vốn được xây dựng theo kiểu đặc biệt, lợi dụng thời tiết để hành hạ tù nhân, lại chính là nơi nổi dậy đầu tiên để giải phóng nhà tù Côn Đảo vào đêm 30/4 rạng sáng 1/5/1975. Đối với tù thường phạm, thường có cảnh “ma cũ bắt nạt ma mới," nhưng với những người yêu nước cách mạng, khi bị tù đày, họ lại càng đoàn kết, thương yêu đùm bọc lẫn nhau, chăm sóc nhau những lúc ốm đau, giúp đỡ nhau học chữ, để chuẩn bị cho ngày mai.

Chỉ hơn một năm sau ngày giải phóng (8/1976), khi thăm lại nhà tù Côn Đảo, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã viết: “Côn Đảo là một hòn đảo anh hùng, Côn Đảo là một di tích lịch sử vĩ đại, Côn Đảo là một trường học lớn cho các thế hệ mai sau."

Sức sống mới trên đảo

35 năm sau ngày giải phóng, Côn Đảo đã không ngừng thay da đổi thịt. Bí thư Huyện ủy Côn Đảo Hoàng Nghĩa Doãn cho biết, những năm gần đây, bình quân GDP của huyện tăng trưởng trên 15%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng với tỷ trọng dịch vụ-du lịch là72,34%, công nghiệp-xây dựng 17,59%; nông-lâm-ngư nghiệp 10,07%.

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển du lịch gắn với khám phá thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn di tích lịch sử Cách mạng... năm 2009 Côn Đảo đã thu hút 24.500 lượt khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng, trong đó có hơn 2.200 lượt khách quốc tế và chỉ 2 tháng đầu năm 2010 Côn Đảo đã đón hơn 4.000 lượt khách.

Nhu cầu đi lại của người dân và du khách đến Côn Đảo ngày càng tăng, nên mới đây tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã chấp thuận cho đầu tư thêm tàu khách du lịch đến Côn Đảo.

Côn Đảo đẹp và hiện đại lên rất nhiều với việc đầu tư các khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp, trong đó phải kể đến Khách sạn Sài Gòn-Côn Đảo tiêu chuẩn ba sao, Resort Đất Dốc, khu nghỉ dưỡng cao cấp tại Bến Đầm… Sân bay, bên cảng, những con đường trải nhựa dọc, ngang thị trấn không còn vắng vẻ như xưa mà đã nhộn nhịp tàu, xe và người đi lại.

Dịch vụ vận tải, bưu chính, viễn thông, bán lẻ hàng hóa và một số dịch vụ khác cũng tăng trưởng rất nhanh (hơn 18%/năm); thông tin liên lạc thông suốt, điện thoại, Internet tốc độ cao đã làm cho huyện đảo ngày càng gần gũi hơn với đất liền.

Cũng theo ông Hoàng Nghĩa Doãn, thu nhập bình quân đầu người tại huyện đảo bây giờ đạt xấp xỉ 1.000 USD/người/năm. Đến cuối năm 2009 toàn huyện không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn của tỉnh (cao hơn chuẩn nghèo của Trung ương). Thu, chi ngân sách được đảm bảo, an ninh-quốc phòng được giữ vững, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội.

Hòn ngọc trong lòng biển Đông


Nằm ở vị trí tiền tiêu trên vùng biển Đông Nam của Tổ quốc, gần đường hàng hải quốc tế, Côn Đảo có vị trí quan trọng chiến lược về quốc phòng an ninh, thuận lợi giao thương trong nước và quốc tế. Xung quanh Côn Đảo có ngư trường rộng lớn với tiềm năng lớn về khai thác, đánh bắt thủy sản xa bờ, dịch vụ hậu cần nghề cá, là nơi trú, tránh bão cho tàu thuyền của cả khu vực.

Với hệ thống di tích lịch sử cách mạng đặc biệt quốc gia, với hệ động, thực vật nguyên sinh, đa dạng và đặc hữu của Vườn Quốc gia Côn Đảo, với nhiều cảnh quan thiên thiên rừng, biển rất thích hợp cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, Côn Đảo còn có môi trường tự nhiên và xã hội trong lành, thân thiện. Đây là những lợi thế so sánh của Côn Đảo trong phát triển kinh tế, nhất là phát triển du lịch gắn với kinh tế biển.

Tuy nhiên, để có thể khai thác, phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Tuấn Minh cho rằng, điều quan trọng trước hết là Côn Đảo phải có quy hoạch phát triển hết sức khoa học, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, bảo đảm phát triển ổn định, lâu dài và bền vững. Theo đó, Côn Đảo lấy du lịch làm trọng tâm, đồng thời phát triển nông-lâm nghiệp, nuôi trồng và chế biến thủy sản để phục vụ du lịch.

Để trở thành khu kinh tế-du lịch và dịch vụ chất lượng cao theo Đề án của Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội Côn Đảo đến năm 2015, gắn với bảo tồn, tôn tạo khu di tích cách mạng đặc biệt, nâng cao giá trị Vườn Quốc gia Côn Đảo, nơi đây cần có một hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hoàn chỉnh, từ đường xá, cầu cảng, đến các loại hình dịch vụ… trong khi hiện nay Côn Đảo đang cần đầu tư rất nhiều, đòi hỏi vốn lớn (riêng nhà nghỉ, khách sạn hiện nay chỉ đủ sức đón khoảng 600 khách du lịch).

Công tác bảo tồn, duy tu, phát huy giá trị Khu di tích lịch sử cách mạng quốc gia, cũng như việc bảo tồn, gìn giữ Vườn Quốc gia Côn Đảo, cần phải được quan tâm đặc biệt, bài bản và công phu.

Cùng với sự nỗ lực của địa phương, trong quá trình xây dựng và phát triển của mình, Côn Đảo cần có cơ chế chính sách đặc thù và sự hỗ trợ của Trung ương, nhân dân cả nước, để một ngày không xa, hòn ngọc quý giá này sẽ tỏa sáng trong lòng biển Đông./.

Nguyễn Thị Sự (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục