Công bố quyết định thành lập thị xã Tịnh Biên thuộc tỉnh An Giang

Tịnh Biên là thị xã thứ 2 trực thuộc tỉnh An Giang, được kỳ vọng sẽ trở thành đô thị quan trọng khu vực phía Tây tỉnh An Giang - một trong 4 trung tâm phát triển lớn của tỉnh.
Công bố quyết định thành lập thị xã Tịnh Biên thuộc tỉnh An Giang ảnh 1Phó Chủ tịch Thường trực Quốc Hội Trần Thanh Mẫn trao Nghị quyết về việc thành lập thị xã Tịnh Biên và thành lập các phường thuộc thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Tối 25/4, Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh An Giang tổ chức Lễ công bố Nghị quyết số 721/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thị xã Tịnh Biên và thành lập các phường thuộc thị xã.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng các đồng chí lãnh đạo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương; Bộ Tư lệnh Quân khu 9 cùng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh An Giang qua các thời kỳ; lãnh đạo các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tham dự buổi lễ.

Cùng với hai thành phố Long Xuyên, Châu Đốc và thị xã Tân Châu hiện hữu, Tịnh Biên là thị xã thứ 2 trực thuộc tỉnh An Giang, được kỳ vọng sẽ trở thành đô thị quan trọng khu vực phía Tây tỉnh An Giang - một trong 4 trung tâm phát triển lớn của tỉnh.

Là đô thị biên giới nằm ở phía Tây tỉnh An Giang, Tịnh Biên có đường biên giới chung dài gần 20km với Vương quốc Campuchia.

Đây là lợi thế, tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế cửa khẩu, dịch vụ-thương mại-du lịch thông qua Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên - một trong những cửa ngõ giao thương quan trọng của Việt Nam với Campuchia và các nước khu vực ASEAN.

[Tỉnh An Giang còn nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế]

Nghị quyết thành lập thị xã Tịnh Biên trên cơ sở 354,59 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 143.098 người của huyện Tịnh Biên. Sau khi thành lập, thị xã có 14 đơn vị hành chính cấp xã với 7 phường (An Phú, Chi Lăng, Nhà Bàng, Nhơn Hưng, Núi Voi, Thới Sơn, Tịnh Biên) và 7 xã (An Cư, An Hảo, An Nông, Tân Lập, Tân Lợi, Văn Giáo, Vĩnh Trung).

Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chúc mừng, biểu dương những thành tích vượt bậc về kinh tế-xã hội, an ninh trật tự... của thị xã Tịnh Biên nói riêng, tỉnh An Giang nói chung; đồng thời yêu cầu Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh An Giang, thị xã Tịnh Biên tiếp tục xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển đô thị, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội; đảm bảo khai thác tối ưu tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý nhằm thực hiện tốt vai trò là đô thị trung tâm tiểu vùng phía Tây tỉnh An Giang.

Công bố quyết định thành lập thị xã Tịnh Biên thuộc tỉnh An Giang ảnh 2Một góc thị xã Tịnh Biên nằm dọc theo tuyến Quốc hội 91 kết nối với khẩu quốc tế Tịnh Biên. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Địa phương tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tiếp tục đầu tư mạnh mẽ hơn nữa, phát huy những yếu tố tiềm năng phát triển kinh tế-xã hội của thị xã; tranh thủ sự hỗ trợ, hợp tác với các địa phương bạn, tạo bước đột phá về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề dịch vụ, thương mại, kinh tế biên mậu và du lịch.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, lãnh đạo địa phương cần chú trọng phát triển kinh tế với phát triển văn hóa-xã hội, bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, kết hợp đảm bảo giữ vững quốc phòng-an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Tịnh Biên Phạm Thành Nhơn, mặc dù gặp nhiều khó khăn và chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 nhưng kinh tế của Tịnh Biên vẫn tiếp tục phát triển ổn định, đạt được nhiều thành tựu vượt bậc.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 13%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, công nghiệp-xây dựng và thương mại dịch vụ chiếm tỷ trọng cao; thu ngân sách tăng nhanh, thu hút đầu tư đạt kết quả tốt, thu nhập bình quân đầu người đạt 55 triệu đồng/năm, tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa qua Cửu khẩu quốc tế Tịnh Biên năm 2022 đạt trên 620 triệu USD.

Địa phương có gần 50% xã đạt chuẩn nông thôn mới, diện mạo nông thôn với nhiều thay đổi theo hướng khang trang hiện đại, tỷ lệ nhà ở kiên cố, bán kiên cố tại khu vực tập trung dân cư đạt 95%. Hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được đầu tư xây dựng khá đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Tịnh Biên Phạm Thành Nhơn khẳng định, thị xã biên giới được thành lập không chỉ là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tịnh Biên mà còn là niềm vui chung của toàn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh An Giang.

Đây là tiền đề, sự khởi đầu mới, động lực để thị xã tiếp tục thực hiện tốt hơn các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra; xây dựng thị xã xứng tầm với tiềm năng, lợi thế, trở thành đô thị trẻ năng động, đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân trong thời gian tới.

“Với vị trí địa lý thuận lợi, thị xã Tịnh Biên sẽ đóng vai trò rất quan trọng của An Giang, là điều kiện để Tịnh Biên có thể mở rộng giao lưu với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm tứ giác Long Xuyên, tăng cường liên kết giữa An Giang với các tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long-Thành phố Hồ Chí Minh, Vương quốc Campuchia về mở rộng thị trường, phát triển hợp tác liên vùng và quốc tế,” Chủ tịch Ủy ban Nhận dân thị xã Tịnh Biên Phạm Thành Nhơn nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục