Vừa khánh thành đã nứt

Cổng thành Gwanghwamun vừa khánh thành đã nứt

Chưa đầy ba tháng sau khi khánh thành, tấm gỗ khắc tên trên cổng thành Gwanghwamun bằng tiếng Hán đã bị nứt dọc theo chữ Gwang.
Ai đã từng ở Hàn Quốc trong những năm qua chắc hẳn đều nóng lòng chờ ngày khai trương cổng thành Gwanghwamun ở trung tâm thủ đô Seoul.

Đối với người Hàn Quốc, cổng Gwanghwa được xem như một địa danh lịch sử thiêng liêng với rất nhiều bài hát ca ngợi. Nếu so với người Việt Nam, Gwanghwamun cũng tựa như là Tháp Rùa vậy.

Công việc phục dựng cổng Gwanghwa theo nguyện trạng đã được tiến hành suốt mấy năm qua và cổng thành mới được khánh thành vào ngày 15/8 nhân 60 năm ngày giải phóng Bán đảo Triều Tiên và 100 năm ngày Nhật Bản thôn tính Triều Tiên.

Công việc phục dựng được tiến hành kéo dài suốt nhiều năm với sự tư vấn hết sức tỷ mỉ của một ủy ban phụ trách về di sản. Tuy nhiên, chỉ sau chưa đầy ba tháng, tấm gỗ khắc tên "Gwang hwa mun" bằng tiếng Hán đã bị nứt dọc theo chữ Gwang.

Sự kiện này được truyền hình MBC đưa tin sau khi nghị sỹ Choi Moon-soon của Đảng Dân chủ đối lập phát hiện.

Nghị sỹ Choi Moon-soon thuộc Đảng Dân chủ đối lập chính đã chỉ trích mạnh mẽ cơ quan quản lý di sản, đặt câu hỏi về độ trung thực và chất lượng phục dựng. Nghị sỹ Choi bức xúc nói: "Tấm bảng khắc tên Gwanghwamun là một điểm nhấn lớn của công trình bởi nó được cho là phục dựng nguyên gốc có từ 145 năm trước. Vậy mà chỉ ba tháng sau khi khánh thành tấm biển đã nứt khiến tôi phải nghi ngại đến chất lượng công trình."

Ngay sau khi báo chí đưa tin, Cơ quan quản lý di sản văn hóa Hàn Quốc đã vào cuộc và đang xem xét hiện trường. Ông Lee Mna-hee, phụ trách khắc chữ hoàng cung cho rằng đó là những vết rạn trên bề mặt. Các chuyên gia của hội đồng khoa học đang làm việc tại hiện trường và sẽ quyết định xem liệu phải xử lý ra sao.

Cơ quan quản lý di sản thì giải thích rằng việc nứt trên bề mặt tấm gỗ thông (tấm gỗ dùng để khắc chữ Gwanghwaun) là rất thường thấy. Thời tiết khô hanh và nhiệt độ thay đổi quá nhanh gây nên sự giãn nở và dẫn đến nứt trên bề mặt.

Đổ lỗi loanh quanh và cuối cùng thì có một số chỉ trích lại nhằm vào chính phủ. Người ta nói rằng đáng ra, theo kế hoạch, cổng thành này sẽ được khánh thành vào cuối tháng 12 song chính phủ đã đốc thúc phải hoàn thành vào đúng tháng Tám để kịp kỷ niệm 100 năm ngày Nhật Bản thôn tính Triều Tiên, và để chào mừng Hội nghị thượng đỉnh G-20 sẽ diễn ra trung tuần tháng 11 này. Một số nhà thiết kế nói rằng tấm gỗ thông đã không kịp khô hoàn toàn trước khi được đưa lên lắp đặt vì thế mới xảy ra hiện tượng nứt rạn.

Gwanghwamun có nghĩa là cổng thành của ánh sáng, nằm án ngữ trục đường lớn ở trung tâm Seoul và là cửa chính để vào cung Gyeongbok. Cung Gyongbok là nơi ở chính của triều đại Joseon (1392-1910).

Cổng thành này đã bị phá hủy nhiều lần trong thời gian Nhật Bản xâm chiếm Triều Tiên thế kỷ 16, trong giai đoạn Nhật Bản đô hộ bán đảo Triều Tiên năm 1910-1945 và trong chiến tranh Triều Tiên. Hàn Quốc đã phục dựng lại cổng thành từ khoảng giữa thập niên 1990 song kế hoạch dựng lại cổng thành theo nguyên trạng đã được quyết định nhằm "lấy lại nguyên khí cho quốc gia"./.

Khánh Vân/Seoul (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục