Chất lượng công trình là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân cũng như hoạt động trong xã hội.
Mặc dù hành lang pháp lý đã đầy đủ cùng các chế tài xử lý khá nghiêm khắc nhưng những sự cố vẫn liên tiếp xảy ra gây ảnh hưởng xấu trong dư luận. Phải chăng cốt lõi vấn đề vẫn nằm ở ý thức các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng.
Xác định lỗi, quy trách nhiệm cụ thể
Hệ thống pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng ngày càng được hoàn thiện đầy đủ và chặt chẽ hơn trong thời gian qua. Cùng đó, các cơ quan chức năng cũng đã tổ chức hướng dẫn thực hiện những quy định đó rất rõ ràng và theo hệ thống từ các cấp ngành, trung ương xuống tới địa phương và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, để những chính sách này đi vào cuộc sống và tuân thủ nghiêm minh lại đang là đòi hỏi bức thiết bởi sự đối phó và gian dối trong hoạt động xây dựng. Bởi vậy mới xảy ra tình trạng, thực thi quy trình thì đúng nhưng kết quả lại không đáp ứng kỳ vọng. Điều này khiến chất lượng các công trình vẫn yếu kém với những sự cố ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài sản và tính mạng của con người.
Bên cạnh những công trình đạt chất lượng vẫn còn không ít công trình chất lượng thấp nên sau một thời gian đưa vào sử dụng đã có biểu hiện hư hỏng như nứt, vỡ, lún sụt, thấm dột, bong dộp... phải sửa chữa, gây tốn kém, lãng phí. Đã thế, nhiều công trình không tiến hành bảo trì hoặc bảo trì không đúng định kỳ làm giảm tuổi thọ công trình. Tình trạng này diễn ra phổ biến ở các công trình xây dựng chung cư, công trình công cộng, trường học, bệnh viện... khiến người dân lo lắng và bức xúc.
Chánh Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Kỳ Sơn cho rằng có bốn chủ thể liên quan trực tiếp đến quá trình thi công công trình gồm: chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu và tư vấn giám sát. Quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình, về trách nhiệm của các bên liên quan đều đầy đủ. Bởi vậy, khi xảy ra sự cố công trình hoặc phát hiện các vấn đề liên quan đến chất lượng công trình thì cần phải xác định rõ nguyên nhân, mức độ thiệt hại để từ đó tiến hành xử lý hành chính hay phải chuyển cơ quan điều tra để xử lý hình sự...
Để tránh trường hợp chủ đầu tư nể nang, xử lý hình thức đối với nhà thầu vi phạm thì báo chí, các phương tiện truyền thông đại chúng cũng cần phải đưa vấn đề ra công luận, tạo sức ép để chủ đầu tư phát huy vai trò và trách nhiệm của mình trước khi mọi việc quá muộn, ông Sơn nhấn mạnh.
Còn theo tiến sỹ Nguyễn Việt Hùng - nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nếu không phải lỗi từ khâu thiết kế mà để xảy ra sự cố trong quá trình thi công, trách nhiệm đầu tiên thuộc về nhà thầu. Sau nhà thầu là trách nhiệm của tư vấn giám sát. Nếu giám sát tốt thì đã không có chuyện nhà thầu làm sai thiết kế, thi công gian dối. Cho dù có lựa chọn được một nhà thầu tốt, nhưng nếu không kiểm tra, giám sát chặt chẽ thì nhà thầu cũng khó mà tự giác thi công đảm bảo chất lượng, đó là chưa kể đến trường hợp nhà thầu thông đồng với tư vấn giám sát để thi công ẩu, “rút ruột công trình.”
Theo ông Nguyễn Tiến Lương - Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng - Sở Xây dựng Phú Thọ, hiện lực lượng quản lý xây dựng nói chung và quản lý chất lượng công trình xây dựng nói riêng ở địa phương còn mỏng, chưa đáp ứng được yêu cầu. Cùng với đó còn có sự chồng chéo và thiếu sự phối hợp trong thực hiện quản lý chất lượng công trình xây dựng.
Nhiều nơi, năng lực của chủ đầu tư chưa đáp ứng nhưng vẫn được giao làm chủ đầu tư công trình xây dựng nên dẫn đến quản lý dự án, chất lượng không đảm bảo. Thậm chí, dự án đầu tư xây dựng thực hiện chậm tiến độ, chất lượng không đạt, hiệu quả kém và bỏ lỡ cơ hội đầu tư.
Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm xây dựng vẫn còn xảy ra trong khi chế tài chưa đủ mạnh, chưa mang tính răn đe, phòng ngừa cao nên chưa đảm bảo tính khả thi trong việc tuân thủ và đưa các quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng vào nền nếp. Một trong những lý do dẫn đến tồn tại này là vai trò quản lý nhà nước ở nhiều nơi chưa được coi trọng đúng mức. Việc quản lý đầu tư xây dựng đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước, đặc biệt là dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước thường “buông lỏng” hơn so với công trình dùng “vốn tư.”
Một trong những yếu tố khác quyết định đến chất lượng công trình đó là khâu tư vấn, khảo sát thiết kế. Nếu “yếu” ngay từ gốc thì sẽ hỏng cả cái cây - nhiều chuyên gia trong ngành ví von. Giải pháp đưa ra lúc này là tất cả các cấp, các ngành phải nêu cao trách nhiệm trong việc thực hiện Luật Xây dựng năm 2014, tuân thủ đúng các quy định của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng, quản lý vốn. Có như vậy mới giải quyết tốt bài toán về nâng cao chất lượng công trình xây dựng, đáp ứng yêu cầu hiện nay.
Theo các chuyên gia về xây dựng, để xảy ra các sự cố công trình, chất lượng công trình yếu kém thì các bên liên quan đều phải chịu trách nhiệm, vấn đề là phải xác định được chính xác nguyên nhân kỹ thuật của “lỗi” ở khâu nào vì hệ thống pháp luật hiện nay đã quy định rất đầy đủ trách nhiệm của các bên liên quan.
Mặt khác, trách nhiệm của các bên liên quan đối với chất lượng công trình xây dựng phải đi theo hết cả vòng đời dự án, chứ không chỉ là trong giai đoạn bảo hành dự án.
Bỏ thầu giá thấp có là nguyên nhân
Trao đổi về vấn đề này, tiến sỹ Trần Chủng - Trưởng ban Chất lượng, Tổng hội Xây dựng Việt Nam - chia sẻ thời gian còn đảm nhận cương vị Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) ông từng bày tỏ quan điểm nếu ép giá, ép tiến độ thì không thể đồng hành cùng chất lượng. Nguyên tắc đấu giá là đúng nhưng hiện đang nhầm lẫn việc đấu thầu một công trình xây dựng với một sản phẩm hàng hóa.
Công trình xây dựng là sản phẩm hình thành sau, phải trải qua thời gian dài nhất định. Trong thời gian dài đó, có rất nhiều rủi ro làm ảnh hưởng tới chất lượng của sản phẩm. Khi tiến hành đấu thầu theo cơ chế đó, cộng với những tiêu cực khác thì không thể làm ra sản phẩm xây dựng có chất lượng được.
Trong suốt một thời gian rất dài, các công trình xây dựng thi nhau đấu thầu theo những tiêu chí hết sức định tính. Có những đơn vị, nếu xét trên tiêu chí kỹ thuật thì cái gì cũng tốt nhưng khi chấm thầu thì có thể bị loại khỏi cuộc chơi bởi một tiêu chí định lượng có tính chất quyết định, đó là giá. Gần như thành thông lệ, cứ giá thấp nhất là trúng thầu.
Ông Trần Chủng phân tích: “Trước đây, chúng ta cứ nói tiền nào của ấy để chỉ về ý thức kém. Theo tôi, điều đó là sai vì không thể có chuyện có ý thức mà biến từ cái kém thành cái tốt được mà phải có tiền, phải có vật liệu và cả công nghệ nữa. Bởi vậy, đã có không ít công trình nay hỏng, mai hỏng, sửa chữa hết đợt này sang đợt khác, gây tốn kém, lãng phí rất nhiều. Khi giá thấp, chất lượng vật liệu, trình độ con người và thiết bị công nghệ không thể cao mãi được.”
Tuy nhiên, với nhiều nước trên thế giới cũng áp dụng phương pháp đấu thầu nhưng chất lượng các công trình xây dựng của họ vẫn rất tốt. Vậy cơ chế đấu thầu có phải là vấn đề cốt lõi. Trăn trở này được ông Trần Chủng phân tích ở những quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển, vấn đề thương hiệu của doanh nghiệp đặc biệt được coi trọng. Khi doanh nghiệp xây dựng một công trình nào đó mà nó xuống cấp nhanh, hỏng hóc, sự cố thì sẽ không còn ai thuê họ nữa. Bởi vậy, bản thân chính các doanh nghiệp đó tự ý thức rằng không bao giờ chấp nhận giá thấp để bán rẻ thương hiệu của mình cả.
Còn tại Việt Nam, các doanh nghiệp hay cả như nhà quản lý đều chưa tìm ra đáp án chung. Bởi vậy, muốn giải bài toán này thì đấu thầu trong lĩnh vực xây dựng cần phải thực hiện theo một cách khác với phương thức mới hơn và có lộ trình thích hợp.
Thực tế cho thấy, tại Việt Nam, đấu thầu theo nguyên tắc “đấu giá thấp nhất thắng thầu” đã gây thiệt hại lớn và chủ yếu rơi vào chất lượng công trình. Một công trình đáng nhẽ phải bền vững trong vòng 15 năm mới phải trùng tu, nhưng sau khi đưa vào hoạt động thì chỉ 5 năm đã phải thực hiện công tác này. Có những công trình khi xây dựng xác định là tuổi thọ đạt 100 năm nhưng chỉ 60 năm, thậm chí có khi là 30 năm, 20 năm đã hư hỏng, phải thay thế... Tất cả những yếu tố này sẽ làm tăng chi phí lên rất nhiều. Số kinh phí tiết giảm từ bỏ thầu giá thấp cũng không đủ bù cho các khoản này mà nghiêm trọng hơn là nó ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp và làm mất lòng tin của xã hội.
Ý kiến tham vấn của các chuyên gia đều cho rằng hệ thống thể chế của Việt Nam trong lĩnh vực quản lý chất lượng công trình xây dựng là khá đầy đủ và ngày càng hoàn thiện. Nhiều quy định đã bám sát thông lệ quốc tế và tính minh bạch cũng được cải thiện ngày càng cao. Tuy nhiên thực hiện thế nào mới là điều quan trọng. Đấy mới là mấu chốt cần giải quyết và nó nằm ngay từ ý thức của mỗi chủ thể tham gia vào hoạt động xây dựng để tạo lập nên các công trình./.