COVID-19 làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng trên toàn cầu

Theo báo cáo của Oxfam, 1.000 người giàu nhất thế giới đã bù đắp được thua lỗ do COVID-19 chỉ trong chín tháng, song những người nghèo nhất thế giới có thể mất hơn 10 năm mới có thể phục hồi.
COVID-19 làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng trên toàn cầu ảnh 1Người dân nhận nhu yếu phẩm cứu trợ tại Sanaa, Yemen. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 25/1, tổ chức từ thiện Oxfam cảnh báo đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang làm trầm trọng hơn tình trạng bất bình đẳng trên toàn cầu, khi giúp tăng khối tài sản cho nhóm người giàu nhất thế giới và khiến những người nghèo nhất phải mất nhiều năm mới có thể phục hồi.

Trong báo cáo có tựa đề "Virus bất bình đẳng," Oxform cho biết kể từ khi bắt đầu thu thập số liệu đến nay, đại dịch COVID-19 chính là lần đầu tiên tất cả các nước trên thế giới cùng lúc ghi nhận gia tăng tình trạng bất bình đẳng.

Theo báo cáo của Oxfam, 1.000 người giàu nhất thế giới đã bù đắp được thua lỗ do COVID-19 chỉ trong chín tháng, song những người nghèo nhất thế giới có thể mất hơn 10 năm mới có thể phục hồi. Điều này có nghĩa rằng trong khi những người giàu nhất có thể dễ dàng vượt qua dịch bệnh trong xa xỉ, những người những người làm việc ở tuyến đầu của đại dịch như các nhân viên chăm sóc sức khỏe hay những người bán hàng lại phải vật lộn với việc chi tiêu hằng ngày.

Bên cạnh đó, Oxfam cũng chỉ ra rằng tác động của dịch bệnh không đồng đều, khi các nhóm dân tộc thiểu số tại một số nước có tỷ lệ tử vong do dịch bệnh cao hơn. COVID-19 đã gây ra một cơn bão kinh tế, tác động mạnh nhất đến người nghèo và những người dễ bị tổn thương, trong đó phụ nữ và những người lao động yếu thế đang đối mặt với vấn đề tồi tệ nhất là mất việc làm.

[Tài sản của các tỷ phú Mỹ tăng hơn 1.000 tỷ USD trong đại dịch]

Theo Ngân hàng thế giới (WB), khoảng hơn 100 triệu người có thể bị đẩy vào tình trạng nghèo đói cùng cực và phải mất hơn một thập kỷ mới thế giới mới có thể giảm số người nghèo trở về mức trước khi xảy ra đại dịch.

Trong khi đó, trong giai đoạn từ tháng 3-9/2020, tài sản tích lũy của các tỷ phú thế giới đã tăng thêm 3.900 tỷ USD, lên 11.950 tỷ USD. Trong đó, tài sản ròng của 10 người giàu nhất thế giới đã tăng thêm tới 540 tỷ USD, số tiền đủ để không ai phải rơi vào cảnh nghèo đói do đại dịch và chi trả mua vắcxin ngừa COVID-19 cho tất cả mọi người trên thế giới.

Ước tính mức thuế tạm thời đối với 32 tập đoàn thu về số lợi nhuận cao nhất trong thời gian đại dịch có thể lên tới 104 tỷ USD trong năm 2020, con số đủ để chi trả cho trợ cấp thất nghiệp của tất cả người lao động và hỗ trợ tài chính cho tất cả người già và trẻ em ở các nước thu nhập thấp và trung bình.

Theo Oxfam, đại dịch COVID-19 đã phơi bày thực trạng bất bình đẳng kinh tế và tạo nền tảng cho các chính sách chuyển đổi. Tổ chức này cho rằng kinh tế công bằng hơn chính là chìa khóa để kinh tế phục hồi nhanh chóng sau đại dịch, do đó kêu gọi đánh thuế cao hơn đối với tài sản và các tập đoàn, cùng với đó là các biện pháp bảo vệ mạnh mẽ hơn đối với người lao động.

Giám đốc điều hành Oxfarm, Gabriela Bucher khẳng định cuộc chiến chống bất bình đẳng phải là trọng tâm của các nỗ lực giải cứu và hồi phục kinh tế, trong đó có dịch vụ công được đầu tư bằng nguồn tiền lấy từ thuế đánh vào các cá nhân và tập đoàn giàu có nhất, buộc họ phải chia sẻ lợi nhuận một cách công bằng.

Báo cáo của Oxfarm được công bố ngay trước thềm Diễn đàn kinh tế thế giới Davos. Đây là dịp để giúp các nhà lãnh đạo thế giới lựa chọn các sáng kiến và giải pháp quyết đoán trong ngăn chặn đại dịch và thúc đẩy phục hồi kinh tế cho năm tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục