Xuất phát từ những lo ngại kinh tế suy thoái do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, gây ra những biến động lớn trên thị trường và khiến đồng nội tệ peso mất giá, ngày 20/3, Ngân hàng Trung ương Mexico (Banxico) đã quyết định hạ lãi suất cơ bản từ 7% xuống 6,5%.
Banxico cho biết sẽ giám sát chặt chẽ những chuyển động trên thị trường tài chính quốc gia để có những hành động cần thiết kịp thời. Sự lan rộng nhanh chóng của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế thế giới và dẫn đến sự suy giảm đáng kể trong điều kiện tài chính toàn cầu nói chung và Mexico nói riêng.
Cơ quan tài chính Mexico đánh giá giá dầu sụt giảm và nguồn thu từ du lịch thấp do ảnh hưởng của dịch bệnh đã ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ và tạo ra thách thức to lớn đối với nền kinh tế Mexico, Tuy nhiên, Banxico khẳng định, mặc dù đồng nội tệ mất giá, nhưng chỉ số lạm phát không tăng và sẽ giữ ở mức mục tiêu đề ra là 3% +/- 1.
Mexico đang phải đối mặt với một "cơn bão lớn" với tác động của một cuộc suy thoái có thể xảy ra ở Mỹ - đối tác thương mại số một của nước này, nguồn thu từ dầu mỏ sụt giảm cũng như từ ngành du lịch. Nhiều thể chế tài chính quốc tế dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mexico sẽ tăng trưởng âm 4% do dịch COVID-19 tác động mạnh tới nhu cầu các sản phẩm của nước này.
Bộ Tài chính Mexico và Banxico đã tung ra thị trường 4 tỷ USD, nhằm vực dậy đồng nội tệ khi trong vòng một tuần qua, đồng peso đã mất giá tới 31% so với đồng USD (theo tỷ giá liên ngân hàng 24,25 peso đổi được 1 USD).
Tổng thống Andres Manuel López Obrador cho biết để đối phó với khủng hoảng, Mexico sẽ điều chỉnh ngân sách chính phủ và mở rộng các chương trình chi tiêu xã hội. Với dự trữ ngoại tệ lên tới 183 tỷ USD, Mexico đủ khả năng để vượt qua khủng hoảng.
[Dịch COVID-19: Nhiều nước Nam Mỹ ban bố tình trạng khẩn cấp]
Cùng ngày, giới chức Mexico và Mỹ đã nhất trí hạn chế đi lại không cần thiết qua biên giới chung với Mỹ nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 bắt đầu từ 0h ngày 21/3.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard nhấn mạnh việc hạn chế đi lại không cần thiết qua biên giới chung với Mỹ có nghĩa thắt chặt đối với du lịch chứ không ảnh hưởng tới hoạt động thương mại song phương.
Ngoại trưởng Marcelo Ebrard khẳng định hạn chế trên cũng không ảnh hưởng tới công dân của nước này làm việc tại Mỹ và ngược lại. Việc hạn chế đi lại không cần thiết giữa hai nước bắt đầu có hiệu lực từ 0h (giờ địa phương) ngày 21/3 là một trong những biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Quan chức Mexico cho biết hai bên đã nhất trí danh mục các hoạt động cần thiết nhằm đảm bảo lưu thông thương mại qua biên giới chung. Theo thống kê của cơ quan cửa khẩu, mỗi ngày khoảng 1 triệu công dân của hai nước qua lại biên giới chung và giá trị biên mậu lên đến 1,7 tỷ USD.
Trong một diễn biến liên quan tới tình hình dịch COVID-19, Ngoại trưởng Marcelo Ebrard thông báo Chính phủ Mexico đang nghiên cứu khả năng đóng cửa đối với các chuyến bay thương mại từ châu Âu.
Liên quan tình hình dịch bệnh, ngày 20/3, Bộ Y tế Mexico thông báo trong vòng 24 giờ qua nước này ghi nhận thêm 39 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số người mắc COVID-19 lên 203, trong đó có 2 ca tử vong và 606 người nghi ngờ nhiễm bệnh.
Tổng Giám đốc Dịch tễ học thuộc Bộ Y tế Mexico Jose Luis Alomía Zegarra cho biết 2% trên tổng số ca bệnh đang trong tình trạng nguy kịch, 13% bệnh nhân phải điều trị tại bệnh viện và số còn lại cách ly và theo dõi tại nhà.
Bộ Y tế Mexico khẳng định nước này vẫn trong giai đoạn một (cấp độ phòng ngừa), kêu gọi người dân bình tĩnh và áp dụng các biện pháp cũng như chỉ định phòng dịch của cơ quan chức năng./.