Thượng viện Mỹ đề xuất dự luật cứu trợ trị giá 1.000 tỷ USD

COVID-19: Thượng viện Mỹ đề xuất dự luật cứu trợ trị giá 1.000 tỷ USD

Trình bày trước Thượng viện, ông McConnell cho biết dự luật cứu trợ khẩn cấp sẽ đưa ra "hành động quyết liệt đối với 4 ưu tiên chính vô cùng cấp bách và cần thiết."
COVID-19: Thượng viện Mỹ đề xuất dự luật cứu trợ trị giá 1.000 tỷ USD ảnh 1Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ, ông Mitch McConnell. (Nguồn: nypost)

Ngày 19/3, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ, ông Mitch McConnell, đã đề xuất gói cứu trợ khẩn cấp trị giá 1.000 tỷ USD nhằm ngăn chặn nguy cơ bất ổn kinh tế do tác động của đại dịch COVID-19.

Trình bày trước Thượng viện, ông McConnell cho biết dự luật cứu trợ khẩn cấp sẽ đưa ra "hành động quyết liệt đối với 4 ưu tiên chính vô cùng cấp bách và cần thiết."

Ông nêu rõ 4 ưu tiên bao gồm trực tiếp hỗ trợ tài chính cho người dân Mỹ, nhanh chóng cứu trợ các doanh nghiệp nhỏ và người lao động, thực hiện các bước đi quan trọng để ổn định nền kinh tế và bảo vệ việc làm, tăng cường hỗ trợ dành cho các nhân viên y tế ở tuyến đầu và các bệnh nhân mắc COVID-19.

Dự luật do đảng Cộng hòa đề xuất sẽ được các Thượng nghị sỹ của đảng Dân chủ xem xét trước khi Thượng viện ấn định thời điểm đưa ra bỏ phiếu.

Nếu được Thượng viện thông qua, văn kiện này sau đó sẽ phải qua "ải" Hạ viện do phe Dân chủ kiểm soát và Tổng thống Donald Trump ký ban hành luật.

Đây là dự luật hỗ trợ thứ 3 và là dự luật có số tiền lớn nhất của Chính phủ Mỹ nhằm đối phó với dịch COVID-19.

[Mỹ sẽ hỗ trợ trực tiếp 1.000 USD cho mỗi người dân]

Dự luật đầu tiên trị giá 8,3 tỷ USD tập trung vào các quan cơ y tế và những người phải ứng phó đầu tiên với dịch, trong khi dự luật thứ 2 trị giá 104 tỷ USD được Tổng thống Trump ký ngày 18/3 nhằm hỗ trợ người lao động nghỉ phép khẩn cấp, xét nghiệm virus SARS-CoV-2 miễn phí và bảo hiểm thất nghiệp mở rộng.

Cùng ngày, truyền thông Mỹ đưa tin Nhà Trắng đang cân nhắc việc phát hành trái phiếu dài hạn để cấp ngân sách cho gói kích thích tài chính trị giá 1.300 tỷ USD được đề xuất nhằm đối phó với dịch COVID-19.

Hãng Bloomberg dẫn các nguồn thạo tin cho biết các cố vấn của Tổng thống Trump đang xem xét phát hành các trái phiếu kỳ hạn 50 năm và 25 năm để giảm thiểu tối đa tác động đối với người nộp thuế ở Mỹ.

Theo nguồn tin trên, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Larry Kudlow ủng hộ ý tưởng phát hành trái phiếu dài hạn, trong khi Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin dường như cũng sẵn sàng thực hiện biện pháp này.

Trả lời phỏng vấn của Fox Business hôm 19/3, ông Mnuchin cho biết Chính phủ Mỹ sẽ "tận dụng" việc lãi suất ngân hàng đang ở mức thấp hơn để phát hành thêm trái phiếu.

Trước đó, ngày 15/3 vừa qua, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã cắt giảm lãi suất xuống mức gần 0% và cam kết tăng lượng trái phiếu chính phủ nắm giữ thêm ít nhất 700 tỷ USD.

Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, các nhà bán lẻ Mỹ đã kêu gọi Nhà Trắng đưa ra một chính sách quốc gia, trong đó định nghĩa rõ những dịch vụ nào được gọi là "thiết yếu."

Trong thư gửi Tổng thống Donald Trump, Liên đoàn Bán lẻ quốc gia Mỹ (NRF) nhấn mạnh sự cần thiết phải có một "hướng dẫn quốc gia rõ ràng", cho rằng sự nhầm lẫn khái niệm "các dịch vụ thiết yếu" và các biện pháp hạn chế giao tiếp xã hội đang gây hoang mang.

Theo NRF, việc các chính quyền địa phương và liên bang ban hành các chỉ thị không cụ thể, liên quan tới việc đóng cửa các cửa hàng bán lẻ không thiết yếu và giới hạn việc tụ tập trên 50 người, đã gây tâm lý hoảng loạn cho người tiêu dùng.

Điều này dẫn đến việc người tiêu dùng đổ xô tới các cửa hàng bán lẻ để tích trữ hàng hóa, khiến không đủ nguồn cung và nhân lực phục vụ.

Trước tình hình trên, NRF đề nghị chính quyền Tổng thống Trump ban hành một chỉ đạo rõ ràng rằng các hướng dẫn của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) về việc hạn chế tụ tập trên 50 người không áp dụng đối với các cửa hàng tạp hóa và cửa hàng bán lẻ lớn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục