Hội đồng bầu cử đã công bố danh sách chính thức 827 người ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XIII tại 183 đơn vị bầu cử trong cả nước để bầu 500 đại biểu Quốc hội khoá XIII.
Nếu chỉ tính riêng ở Trung ương, 182 gương mặt có tên trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII được Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thông qua tại hội nghị hiệp thương lần thứ 3, đều có trình độ học vấn rất cao, trong đó có tới 71 tiến sĩ, 44 thạc sĩ.
"Chưa có kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội nào học vấn của người ứng cử lại chất lượng như thế," Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Văn Pha nhận định.
Tại nhiều địa phương như Tuyên Quang, Nam Định, Bắc Ninh…, chất lượng của người ứng cử đã được nâng cao rõ rệt.
Điện Biên, một tỉnh miền núi Tây Bắc còn gặp nhiều khó khăn, cũng có tới 87,5% ứng cử viên đại biểu Quốc hội có trình độ học vấn đại học và trên đại học.
Hay như ở Bắc Ninh, địa phương nằm ở vị trí cửa ngõ phía đông bắc thủ đô Hà Nội, theo ông Đỗ Văn Thiêm, Giám đốc Sở Nội vụ, Thư ký Ủy ban bầu cử tỉnh, những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII ở địa phương có chất lượng cao hơn hẳn so với các khóa trước.
Nếu như khóa trước, tỷ lệ ứng cử viên là thạc sĩ chỉ chiếm 12,5% thì năm nay đã tăng lên 37,5% và khoá này không ứng cử viên nào có trình độ trung cấp.
Thông tin về chất lượng ứng viên đại biểu Quốc hội cũng thu hút sự chú ý của nhiều người dân trước ngày bầu cử 22/5 tới.
Ông Ngô Ngọc Tuấn ở quận Hà Đông, Hà Nội bày tỏ rằng với chất lượng ứng cử viên như trên, cử tri rất kỳ vọng các đại biểu Quốc hội khóa mới sẽ có đủ bản lĩnh, đủ năng lực để đưa ra những quyết sách đúng đắn, thúc đẩy sự phát triển của đất nước.
Đây cũng là trông đợi của nhiều người dân khác. Bà Trần Thị Thảo ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh cho rằng đại biểu Quốc hội là người đại biểu của nhân dân, đại diện cho tiếng nói của dân, tham gia bàn luận các vấn đề quan trọng của đất nước thì cần phải có trình độ cao mới đủ tri thức thẩm định vấn đề đúng, sai, mới có tầm nhìn chiến lược.
Nhìn ở một góc độ khác, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Mậu Bành, Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam, cho rằng, sau 66 năm kể từ lần bầu cử đại biểu Quốc hội đầu tiên (năm 1946), Việt Nam đã chuyển từ một nước chiến tranh sang phát triển kinh tế, trình độ dân trí nâng cao. Do đó, việc các ứng cử viên đại biểu Quốc hội có trình độ ngày càng cao là lẽ đương nhiên.
"Đại biểu Quốc hội phải là người có tri thức để đưa ra các quyết sách về các vấn đề quan trọng của đất nước, nên với chất lượng đại biểu tăng lên, tôi cũng kỳ vọng họ sẽ có những quyết định đúng đắn," ông Bành chia sẻ.
Vị Giáo sư này cũng cho rằng, đại biểu Quốc hội phải là người đại diện cho tiếng nói nhân dân. Vì thế, các đại biểu không vì mình có trình độ rồi tự tư duy, mà phải thực sự lắng nghe ý kiến cử tri, là cầu nối giữa cử tri với Nhà nước. Đại biểu có học vấn nhưng cũng phải đại diện được cho các tầng lớp nhân dân như nông dân, người dân tộc thiểu số, đồng bào nghèo vùng sâu vùng xa./.
Nếu chỉ tính riêng ở Trung ương, 182 gương mặt có tên trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII được Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thông qua tại hội nghị hiệp thương lần thứ 3, đều có trình độ học vấn rất cao, trong đó có tới 71 tiến sĩ, 44 thạc sĩ.
"Chưa có kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội nào học vấn của người ứng cử lại chất lượng như thế," Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Văn Pha nhận định.
Tại nhiều địa phương như Tuyên Quang, Nam Định, Bắc Ninh…, chất lượng của người ứng cử đã được nâng cao rõ rệt.
Điện Biên, một tỉnh miền núi Tây Bắc còn gặp nhiều khó khăn, cũng có tới 87,5% ứng cử viên đại biểu Quốc hội có trình độ học vấn đại học và trên đại học.
Hay như ở Bắc Ninh, địa phương nằm ở vị trí cửa ngõ phía đông bắc thủ đô Hà Nội, theo ông Đỗ Văn Thiêm, Giám đốc Sở Nội vụ, Thư ký Ủy ban bầu cử tỉnh, những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII ở địa phương có chất lượng cao hơn hẳn so với các khóa trước.
Nếu như khóa trước, tỷ lệ ứng cử viên là thạc sĩ chỉ chiếm 12,5% thì năm nay đã tăng lên 37,5% và khoá này không ứng cử viên nào có trình độ trung cấp.
Thông tin về chất lượng ứng viên đại biểu Quốc hội cũng thu hút sự chú ý của nhiều người dân trước ngày bầu cử 22/5 tới.
Ông Ngô Ngọc Tuấn ở quận Hà Đông, Hà Nội bày tỏ rằng với chất lượng ứng cử viên như trên, cử tri rất kỳ vọng các đại biểu Quốc hội khóa mới sẽ có đủ bản lĩnh, đủ năng lực để đưa ra những quyết sách đúng đắn, thúc đẩy sự phát triển của đất nước.
Đây cũng là trông đợi của nhiều người dân khác. Bà Trần Thị Thảo ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh cho rằng đại biểu Quốc hội là người đại biểu của nhân dân, đại diện cho tiếng nói của dân, tham gia bàn luận các vấn đề quan trọng của đất nước thì cần phải có trình độ cao mới đủ tri thức thẩm định vấn đề đúng, sai, mới có tầm nhìn chiến lược.
Nhìn ở một góc độ khác, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Mậu Bành, Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam, cho rằng, sau 66 năm kể từ lần bầu cử đại biểu Quốc hội đầu tiên (năm 1946), Việt Nam đã chuyển từ một nước chiến tranh sang phát triển kinh tế, trình độ dân trí nâng cao. Do đó, việc các ứng cử viên đại biểu Quốc hội có trình độ ngày càng cao là lẽ đương nhiên.
"Đại biểu Quốc hội phải là người có tri thức để đưa ra các quyết sách về các vấn đề quan trọng của đất nước, nên với chất lượng đại biểu tăng lên, tôi cũng kỳ vọng họ sẽ có những quyết định đúng đắn," ông Bành chia sẻ.
Vị Giáo sư này cũng cho rằng, đại biểu Quốc hội phải là người đại diện cho tiếng nói nhân dân. Vì thế, các đại biểu không vì mình có trình độ rồi tự tư duy, mà phải thực sự lắng nghe ý kiến cử tri, là cầu nối giữa cử tri với Nhà nước. Đại biểu có học vấn nhưng cũng phải đại diện được cho các tầng lớp nhân dân như nông dân, người dân tộc thiểu số, đồng bào nghèo vùng sâu vùng xa./.
Minh Mai (Vietnam+)