Cử tri Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu đi bỏ phiếu về sửa đổi Hiến pháp

167.140 điểm bỏ phiếu trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ đã mở cửa để đón hàng triệu cử tri nước này đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân về sửa đổi Hiến pháp nhằm gia tăng quyền lực cho Tổng thống Erdogan.
Cử tri Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu đi bỏ phiếu về sửa đổi Hiến pháp ảnh 1Người dân Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: AP)

Đúng 7 giờ sáng 16/4 giờ địa phương (tức 11 giờ giờ Hà Nội), 167.140 điểm bỏ phiếu trên khắp cả nước Thổ Nhĩ Kỳ đã mở cửa để đón hàng triệu cử tri nước này đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân về sửa đổi Hiến pháp nhằm gia tăng quyền lực cho Tổng thống Tayyip Erdogan. 

Khoảng 55 triệu cử tri đủ tư cách để đi bỏ phiếu ủng hộ hoặc phản đối sửa đổi Hiến pháp lịch sử trong ngày hôm nay tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Các cuộc thăm dò dư luận trước thềm cuộc trưng cầu cho thấy phe đồng ý sửa đổi Hiến pháp sẽ giành chiến thắng sít sao trước phe phản đối. Kết quả này sẽ tạo điều kiện cho Tổng thống Erdogan tại nhiệm ít nhất đến năm 2029.

Theo kế hoạch, các điểm bỏ phiếu sẽ đóng cửa vào lúc ​17 giờ chiều cùng ngày (tức 21 giờ giờ Hà Nội). 

[Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan kêu gọi ủng hộ sửa đổi Hiến pháp]

Trước đó, hôm 15/4, các bên ủng hộ và phản đối cải cách Hiến pháp đã vận động cử tri đi bỏ phiếu. Phát biểu trước những người ủng hộ tối 15/4, Tổng thống Erdogan kêu gọi cử tri ủng hộ tham gia cuộc trưng cầu ý dân.

Ông nhấn mạnh nếu đa số người dân nói "Có" trong cuộc trưng cầu thì điều đó sẽ "mở đường" cho việc tái áp dụng hình phạt tử hình và mở rộng quyền lực cho tổng thống.

Ông Erdogan cũng từng cam kết về sự ổn định, an toàn và phát triển kinh tế nếu giành chiến thắng trong cuộc trưng cầu ý dân về cải cách Hiến pháp.

Trong khi đó, đảng Nhân dân cộng hòa đối lập (CHP) và đảng Dân chủ Nhân dân (HDP) ủng hộ người Kurd cũng đang vận động những người nói "Không" với cuộc trưng cầu ý dân, cảnh báo cử tri cân nhắc lựa chọn một hệ thống nghị viện dân chủ hay một chế độ độc tài.

Kết quả cuộc bỏ phiếu được cho là mang tính quyết định đối với mối quan hệ vốn đang căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh châu Âu (EU).

Một số nước châu Âu đã không cho phép các bộ trưởng trong chính quyền của Tổng thống Erdogan tổ chức các cuộc mít tinh ở nước họ nhằm vận động cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ cuộc trưng cầu nhằm mở rộng quyền lực cho tổng thống.

Căng thẳng đã bị đẩy lên đỉnh điểm khi Tổng thống Erdogan chỉ trích Hà Lan và Đức hành xử “như những kẻ phát xít.”

Quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) này, đang giúp giảm dòng người tị nạn từ Syria và Iraq đổ vào châu Âu, cũng đã tuyên bố có thể xem xét lại thỏa thuận về người di cư với EU sau khi tiến hành cuộc trưng cầu ý dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục