Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và mối nghi ngại từ châu Á

Chưa có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ hạ giá đồng nội tệ để trả đũa các đòn tăng thuế của Mỹ, tuy nhiên, nếu Trung Quốc ‘giật cò súng,’ điều này sẽ ảnh hưởng đến các nền kinh tế châu Á.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và mối nghi ngại từ châu Á ảnh 1Hàng hóa được xếp tại cảng nước sâu Dương Sơn ở Thượng Hải, Trung Quốc ngày 25/7. (Ảnh: THX/TTXVN)

Một loạt câu hỏi đã được đặt ra trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang cận kề. Liệu Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tiếp tục tăng thuế chống lại Trung Quốc? Và khi bị dồn vào chân tường, nền kinh tế lớn nhất và nhiều ảnh hưởng nhất trong khu vực có dùng đến biện pháp hạ giá tiền tệ để trả đũa hay không?

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng bình luận: “Vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc chuẩn bị hạ giá đồng nội tệ để trả đũa các đòn tăng thuế ngày càng mạnh mẽ của Mỹ. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc ‘giật cò súng,’ một thảm họa sẽ trút xuống đầu các nền kinh tế khu vực.” 

Giới quan sát cho rằng nếu Trung Quốc hạ giá đồng nhân dân tệ, phản ứng chung của các thị trường châu Á sẽ là “hoảng loạn.”

Piyush Gupta, Giám đốc điều hành ngân hàng DBS, cảnh báo rằng dù các khoản thuế mà Mỹ và Trung Quốc tung ra “chưa thực sự ảnh hưởng nhiều đến khối lượng thương mại hay giá cả hàng hóa,” song thách thức lớn nhất lại nằm ở những nguy cơ mà chưa ai dám chắc.

Hướng đi của đồng nhân dân tệ càng trở nên khó đoán nhất là sau động thái đe dọa áp thuế đối với số hàng hóa trị giá 60 tỷ USD của Mỹ mà Bắc Kinh đưa ra.

Trước đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, người có mặt tại Singapore để tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 51 (AMM 51) và các hội nghị liên quan, đã hối thúc giới chức Mỹ “kiềm chế,” chỉ vài giờ sau khi Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer nói rằng Tổng thống Trump đã ra lệnh tăng thuế đối với Trung Quốc để “buộc Trung Quốc phải thay đổi các chính sách và hành vi nguy hại của mình.”

[Nguyên nhân khiến Mỹ-Trung khó đạt thỏa hiệp thương mại]

Theo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, về lý thuyết, đồng nhân dân tệ được định giá thấp có thể giúp Trung Quốc chống đỡ các khoản thuế mà Mỹ áp đặt bởi chúng giúp hạ giá hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc trên thế giới.

Theo Olivier Blanchard, từng đứng đầu nhóm các nhà kinh tế của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đồng nhân dân tệ có thể sẽ phải giảm từ 6-7% để có thể bù đắp khoản thuế 10% mà Mỹ đe dọa.

Còn nếu Tổng thống Trump quyết tâm hiện thực hóa kế hoạch tăng thuế lên mức 25%, đồng nhân dân tệ có thể phải hạ giá xuống khoảng 12%, hoặc được giao dịch ở mức 7,2 nhân dân tệ đổi 1 USD, thay vì mức 6,89 nhân dân tệ đổi 1 USD như hiện nay.

Nhiều nhà quan sát khu vực hoan nghênh việc Bắc Kinh khẳng định sẽ không hạ giá mạnh đồng nhân dân tệ song những lo ngại vẫn chưa thể được xóa nhòa.

Bên cạnh nguy cơ phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc, đồng nhân dân tệ được định giá thấp khiến giới chức Thái Lan không khỏi lo ngại về việc sụt giảm số lượt du khách tới quốc gia này do sức mua giảm.

Ngành công nghiệp du lịch Thái Lan hiện cũng đang gánh chịu nhiều thiệt hại sau vụ chìm tàu chở nhiều khách Trung Quốc hồi tháng trước ở Phuket.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và mối nghi ngại từ châu Á ảnh 2Đồng tiền mệnh giá 100 NDT của Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các nền kinh tế phụ thuộc xuất khẩu như Singapore và Malaysia cũng sẽ chịu những ảnh hưởng đáng kể.

Singapore, một trong những nền kinh tế lệ thuộc thương mại nhiều nhất, đặc biệt chịu nhiều tác động do phần lớn hàng hóa xuất khẩu và tái xuất khẩu của quốc gia này là đến Trung Quốc.

Theo Tập đoàn Ngân hàng Nước ngoài Trung Quốc (Singapore), nếu tình hình giữ nguyên như hiện nay, chứ chưa nói đến việc Mỹ tăng thuế, Tổng sản phẩm quốc nội của Singapore và nước láng giềng phía Bắc Malaysia cũng sẽ giảm tới 0,3%.

Bối cảnh này lý giải vì sao những ảnh hưởng có thể sẽ rất nghiêm trọng của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung trở thành một trong những chủ đề bao trùm các hội nghị diễn ra tại Singapore.

Chia sẻ với báo giới bên lề AMM 51 và các hội nghị liên quan, Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah nói rằng nguy cơ chiến tranh thương mại là “mối đe dọa thật sự đối với các quốc gia châu Á. Ông nhấn mạnh: “Mối đe dọa này khiến nhiều quốc gia cực kỳ lo ngại, … và nó đang ngày càng trở nên phức tạp hơn.”

Các nhà ngoại giao hàng đầu châu Á tham dự diễn đàn ngày 4/8, do ASEAN chủ trì, đã có những phát biểu mạnh mẽ phản đối chủ nghĩa bảo hộ, cảnh báo rằng chủ nghĩa bảo hộ có thể hủy hoại sự phát triển khu vực.

Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha nhấn mạnh: “Chủ nghĩa bảo hộ thương mại và phản đối toàn cầu hóa giữa các nước lớn đang làm gia tăng căng thẳng và đe dọa mục tiêu ổn định tăng trưởng toàn cầu của chúng ta.”

Bà cho rằng các nước khu vực phải “tìm kiếm những phương thức sáng tạo để củng cố và mở rộng hơn nữa khía cạnh hợp tác” nhằm đối phó với các thách thức này.

Một số bộ trưởng cũng kêu gọi các bên nhanh chóng hoàn tất việc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), hiệp định có sự tham gia của 16 quốc gia với kỳ vọng xây dựng một thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới, bao trùm khu vực có số dân bằng một nửa dân số toàn cầu.

Nếu hoàn thành, RCEP sẽ bao gồm 10 nước thành viên ASEAN cùng Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.

Mỹ không tham gia RCEP, và từng là quốc gia tiên phong thúc đẩy một hiệp định thương mại khu vực cực kỳ quy mô khác là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

AFP cho rằng việc Mỹ từ bỏ TPP khiến các cuộc đàm phán về RCEP có được động lực rất lớn.

Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono nhấn mạnh: “Với bối cảnh toàn cầu nơi chủ nghĩa bảo hộ đang trỗi dậy, chúng tôi hy vọng các cuộc đàm phán RCEP có thể nhanh chóng được hoàn tất.”

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long bày tỏ hy vọng RCEP có thể được hoàn tất vào cuối năm nay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục