“Cuộc chiến tiền tệ” làm suy yếu nền kinh tế Mỹ như thế nào?

Ở cả Mỹ và Trung Quốc, đồng tiền sụt giá sẽ khiến cho giá các mặt hàng nhập khẩu tăng lên, thúc đẩy lạm phát. Điều đó cũng khiến hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trở nên đắt đỏ với người tiêu dùng Mỹ.
“Cuộc chiến tiền tệ” làm suy yếu nền kinh tế Mỹ như thế nào? ảnh 1(Nguồn: TTXVN)

Theo hãng AP, trong tuần qua, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã leo thang khi Bắc Kinh hạ tỷ giá quy đổi đồng nhân dân tệ sang đồng USD xuống mức thấp nhất trong 11 năm qua và tạm ngừng mua nông sản của Mỹ, còn chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ngay lập tức liệt Trung Quốc vào danh sách quốc gia “thao túng tiền tệ.”

Phản ứng của ông Trump không đem lại tác động thiết thực tức thời. Tuy nhiên, những động thái mới có thể làm tăng nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tiền tệ đầy bất ổn, ảnh hưởng tới hệ thống tài chính toàn cầu.

Ngày 5/8, thị trường chứng khoán sụt giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm tới nay. Ngày 6/8, tình hình được xoa dịu phần nào khi Trung Quốc dường như đã ổn định đồng nội tệ, và chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones tăng 311 điểm.

Tuy nhiên, mức tăng này vẫn chưa bằng một nửa số điểm mà chỉ số này đã mất hôm 5/8.

“Cuộc chiến tiền tệ” là gì?

“Cuộc chiến tiền tệ” nổ ra khi hai quốc gia có những biện pháp nhằm hạ giá đồng nội tệ để có được lợi thế cạnh tranh so với đối thủ.

Hạ giá đồng nội tệ sẽ khiến cho hàng xuất khẩu của một nước phù hợp hơn với túi tiền của người tiêu dùng nước ngoài và giá của các mặt hàng nhập khẩu tăng lên.

Hành động này giúp bảo vệ các công ty sản xuất trong nước, đặc biệt là trước sự cạnh tranh của nước ngoài.

Mỹ và Trung Quốc đang xảy ra “cuộc chiến tiền tệ”?

Hiện tại, cuộc chiến tiền tệ Mỹ-Trung chưa diễn ra. Chính quyền Tổng thống Trump vẫn chưa hạ giá đồng USD để đáp trả lại việc Trung Quốc hạ giá đồng nhân dân tệ. Tuy nhiên, điều này có thể sẽ xảy ra.

[Khi Mỹ và Trung Quốc hướng tới một cuộc chiến trên “mặt trận” tiền tệ]

Theo tin tức của giới truyền thông, lựa chọn này đã được đề cập ở Nhà Trắng vào cuối tháng 7 vừa qua, và ngày 26/7, Tổng thống Trump tuyên bố ông có thể hạ giá đồng USD “chỉ trong hai giây nếu tôi muốn."

Trước đó, đầu tháng 7, Tổng thống Trump đã viết trên trang Twitter rằng Trung Quốc và châu Âu “đang chơi một trò chơi thao túng tiền tệ rất lớn” và Mỹ có thể “tham gia vào cuộc chơi hoặc tiếp tục làm kẻ bù nhìn chỉ khoanh tay đứng nhìn các nước khác tiếp tục cuộc chơi của họ.”

Theo bà Megan Greene, một chuyên gia kinh tế và là một nhân vật cấp cao trong Trường Quản lý Nhà nước Kennedy thuộc trường Đại học Harvard, chính quyền Tổng thống Trump có lẽ sẽ hạ giá đồng USD để trả đũa Trung Quốc đơn giản là vì không còn sự lựa chọn nào khác.

Tuy nhiên, bà Greene cho rằng hành động này sẽ không hiệu quả, một phần là bởi đồng nhân dân tệ không được dùng phổ biến trên thị trường tiền tệ quốc tế. Mỹ sẽ khó có thể mua đủ số nhân dân tệ để làm tăng giá đồng nhân dân tệ so với đồng USD.

Bà Greene nói: “Có vẻ như một số biện pháp can thiệp tiền tệ được đưa ra thảo luận, nhưng không có một biện pháp hiệu quả."

Tổng thống Trump sẽ can thiệp như thế nào?

Bộ Tài chính Mỹ vẫn tiếp tục duy trì Quỹ Bình ổn Tỷ giá và có thể sử dụng quỹ này để bán USD và mua nhân dân tệ, từ đó làm giảm giá đồng USD so với đồng nhân dân tệ. Tuy nhiên, quỹ này hiện đang có 100 tỷ USD - một số tiền không lớn nếu mục tiêu đặt ra là tác động tới các thị trường ngoại hối, vốn cần tới số tiền lên đến hàng nghìn tỷ USD.

Mặt khác, những hành động như vậy sẽ vi phạm các thỏa thuận quốc tế mà Mỹ đã ký kết, theo đó Mỹ không được phép điều chỉnh giá đồng USD để được hưởng lợi ích thương mại.

Tổng thống Trump cũng yêu cầu Cục Dự trữ Liên bang (FED) liên tục cắt giảm mạnh tỷ lệ lãi suất ngắn hạn. Làm như vậy sẽ khiến cho đồng USD giảm bớt giá trị và giúp các nhà đầu tư có thể giữ đồng tiền này.

Tuần trước, FED đã cắt giảm tỷ lệ lãi suất cơ bản, và các nhà đầu tư hi vọng lãi suất sẽ tiếp tục giảm. Tuy nhiên, ngày 6/8, ông James Bullard - Chủ tịch Ngân hàng Dự trự Liên bang St. Louis, người đã bỏ phiếu tán thành việc cắt giảm lãi suất tuần trước - nói rằng ngân hàng trung ương đã “làm rất nhiều” và ông cho rằng FED không nên phản ứng với mọi biến động trong những căng thẳng thương mại.

Cuộc chiến tiền tệ sẽ gây ra rủi ro gì?

Qua thời gian, những rủi ro của cuộc chiến tiền tệ sẽ ngày càng nghiêm trọng. Đối với Trung Quốc, việc hạ giá đồng nhân dân tệ sẽ khiến cho các công ty trong nước gặp khó khăn trong việc trả những khoản nợ bằng USD, bởi mối đồng nhân dân tệ mà họ kiếm được sẽ đổi được ít USD hơn.

Ở cả Mỹ và Trung Quốc, đồng tiền sụt giá sẽ khiến cho giá của các mặt hàng nhập khẩu tăng lên, thúc đẩy tình trạng lạm phát. Điều đó cũng khiến cho hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trở nên đắt đỏ với người tiêu dùng Mỹ.

Nhà kinh tế Sung Won Sohn của Đại học Loyola Marymount ở Los Angeles nói: “Việc Mỹ cố gắng hạ giá đồng USD là một quyết định sai lầm nghiêm trọng.”

Trước đây từng có những cuộc chiến tiền tệ nào khác không?

Cuộc chiến tiền tệ nổi tiếng nhất xảy ra trong thời kì Đại Suy Thoái những năm 1930, khi Mỹ và nhiều quốc gia châu Âu tìm cách phá giá đồng tiền nội tệ. Jeffrey Bergstrand, một giáo sư ngành tài chính của Đại học Notre Dame và là cựu chuyên gia kinh tế của FED, cho rằng những động thái như vậy, cùng với việc tăng thuế quan, đã khiến cuộc suy thoái đó trầm trọng hơn.

Sau Chiến tranh Thế giới II, Mỹ, Nhật Bản, các nền kinh tế hàng đầu châu Âu và một số nước khác đã kí kết thỏa thuận Bretton Woods.

Thỏa thuận này đã thiết lập một hệ thống quy đổi tiền tệ cố định nhằm ngăn chặn nguy cơ nổ ra các cuộc chiến tiền tệ trong tương lai.

Mặt khác, việc Mỹ can thiệp vào thị trường tiền tệ chỉ là một phần của những nỗ lực có sự phối hợp của quốc tế nhằm thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu.

Tháng 9/2000, Mỹ cùng các ngân hàng trung ương ở châu Âu và Nhật Bản đã mua đồng euro để cứu đồng tiền này khỏi mức thấp kỷ lục.

Năm 1985, nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) đã kí kết thỏa thuận Plaza. Đây là một thỏa thuận mang tính bước ngoặt, tạo ra những sự can thiệp có tính phối hợp vào thị trường tiền tệ để bán đồng USD, đồng tiền khi đó đã tăng giá quá nhiều gây tổn hại tới hoạt động xuất khẩu của Mỹ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục