Cuộc đua lựa chọn ứng cử viên cho vị trí Tổng Giám đốc WTO

Tiến trình đề cử, lựa chọn ứng cử viên chức Tổng Giám đốc WTO sẽ thể hiện rõ sự cạnh tranh ảnh hưởng của các nước lớn, các ứng viên sẽ cần tìm kiếm sự ủng hộ của Mỹ, Trung Quốc, EU.
Cuộc đua lựa chọn ứng cử viên cho vị trí Tổng Giám đốc WTO ảnh 1(Nguồn: AFP)

Trong bối cảnh môi trường địa chính trị-kinh tế thế giới nhiều biến động khó lường hiện nay, tiến trình đề cử, lựa chọn ứng cử viên chức Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) sẽ thể hiện rõ sự cạnh tranh ảnh hưởng của các nước lớn, các ứng viên sẽ cần tìm kiếm sự ủng hộ của Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU).

Ngày 14/5, Tổng Giám đốc đương nhiệm Roberto Azevedo đã bất ngờ tuyên bố sẽ từ chức kể từ ngày 31/8 tới, sớm hơn 1 năm so với thời hạn kết thúc nhiệm kỳ hiện nay.

Các thành viên WTO có một tháng để đề cử ứng viên, bắt đầu từ ngày 8/6 đến hết ngày 8/7.

Quy định của WTO về thủ tục lựa chọn ứng cử viên cho vị trí Tổng Giám đốc đòi hỏi phải đáp ứng các tiêu chuẩn: có kinh nghiệm trong quan hệ quốc tế (bao gồm kinh nghiệm kinh tế, thương mại và/hoặc chính trị); cam kết chắc chắn về công việc và mục tiêu của WTO; khả năng lãnh đạo và quản lý; và kỹ năng giao tiếp; không có quy định về việc phải luân phiên giữa nước phát triển và nước đang phát triển hoặc khu vực địa lý.

Theo nguồn tin chính thức của WTO, đến chiều 16/6, có 4 ứng viên được đề cử gồm: ứng cử viên của Mexico là Thứ trưởng Ngoại giao Jesus Seade (phụ trách quan hệ với Bắc Mỹ, Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại Mexico-Mỹ-Canada, cựu Phó Tổng Giám đốc WIPO); ứng cử viên của Nigeria là bà Ngozi Okonjo-Iweala (cựu Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Tài chính Nigeria, cựu Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB), hiện đang giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng liên minh vắcxin - GAVI); ứng cử viên của Ai Cập là ông Hamid Mamdouh (luật sư cấp cao tại hãng luật King & Spalding LLP, cựu Vụ trưởng Vụ Thương mại dịch vụ và Đầu tư của Ban thư ký WTO với hơn 20 năm làm việc ở WTO); ứng cử viên của Moldova, Đại sứ Tudor Ulianovschi (cựu Bộ trưởng Ngoại giao, từng là Đại sứ tại WTO và các tổ chức quốc tế khác ở Geneva).

[Liên minh châu Âu kêu gọi nhanh chóng lựa chọn lãnh đạo mới cho WTO]

Châu Á chưa đề cử ứng viên, mặc dù báo chí có đề cập ứng cử viên tiềm tàng của Indonesia và Hàn Quốc.

Báo Nikkei Asia Review ngày 3/6 cho biết một trong các ứng cử viên sáng giá là bà Mari Pangetsu, cựu Bộ trưởng Thương mại và Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế sáng tạo của Indonesia, hiện là Giám đốc điều hành WB, từng là ứng cử viên Tổng Giám đốc WTO năm 2013.

Báo Korea Times ngày 13/6 đưa tin Hàn Quốc có thể xem xét đề cử ông Kim Hyun Chong, Phó Giám đốc thứ hai Văn phòng An ninh Quốc gia, cựu Bộ trưởng Thương mại; hoặc bà Yoo Myung-hee, Bộ trưởng Thương mại.

Ông Kim Hyun Chong là người khởi xướng hàng loạt hiệp định tự do thương mại với hơn 40 nước khi ông giữ chức Bộ trưởng Thương mại dưới chính quyền Tổng thống Roh Moo-hyun, từng làm việc tại WTO với tư cách luật sư cấp cao trong Ban thư ký Cơ quan phúc thẩm và Ban Pháp lý của Ban thư ký WTO (1999-2003).

Hàn Quốc mới có một người lãnh đạo tổ chức quốc tế là ông Ban Ki-moon, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao sau đó được bầu làm Tổng thư ký Liên hợp quốc năm 2007 và đảm nhiệm chức vụ này đến năm 2016.

EU cũng chưa đề cử ứng viên. Tuy nhiên, phát biểu sau cuộc họp với các bộ trưởng Thương mại EU (ngày 9/6), Cao ủy Thương mại châu Âu Phil Hogan (quốc tịch Ireland) xác nhận có ý định tham gia cuộc đua cho vị trí Tổng Giám đốc WTO.

Quyết định này được đưa ra chỉ 7 tháng sau khi ông tiếp nhận vai trò Ủy viên Thương mại EU.

Ngoài ra, bà Arancha Gonzale, Ngoại trưởng Tây Ban Nha có thể là ứng viên của EU cho vị trí Tổng Giám đốc WTO.

Theo các nguồn tin đánh giá, dù cả hai có lý lịch tốt nhưng khó nhận được sự đồng thuận trong nội bộ EU cũng như sự ủng hộ từ chính quyền Thủ tướng Anh Boris Johnson.

Có những ý kiến (trong đó có ý kiến ban đầu của Ủy ban châu Âu) cho rằng Tổng Giám đốc WTO lần này sẽ đến từ một nước phát triển vì Tổng Giám đốc đương nhiệm là người Brazil.

Trong khi đó, người phát ngôn Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ hôm 9/6 cho biết Đại sứ Robert Lighthizer không ủng hộ ứng cử viên nào vào thời điểm hiện nay và cũng không cho rằng ứng viên phải từ một nước phát triển.

Cũng có ý kiến cho rằng châu Phi chưa từng có người nắm vị trí lãnh đạo WTO, vì vậy chức vụ Tổng Giám đốc lần này cần dành cho đại diện của châu Phi.

Cho đến nay, Liên minh châu Phi chưa thống nhất về ứng viên của khu vực, mặc dù có những ý kiến cho rằng Liên minh châu Phi nên nhất trí đề cử một ứng viên của khu vực.

Đối với khu vực châu Phi, giới quan sát quan tâm tới 3 ứng viên từ châu Phi gồm: ông Hamid Mamdouh (Ai Cập), bà Ngozi Okonjo-Iweala (Nigeria) và bà Amina Mohamed (quốc tịch Kenya, Bộ trưởng thể thao du lịch & Di sản, cựu Bộ trưởng Ngoại giao, cựu Đại sứ tại WTO, từng là ứng viên cạnh tranh với ông Azevedo hồi năm 2013) tuy nhiên chưa có tin Kenya đề cử.

Theo các nguồn tin, ông Mamdouh chưa hội đủ tầm để tạo được sự đoàn kết giữa các nước thành viên trong xử lý các vấn đề của WTO. Đối với bà Mohamed, một số thông tin nội bộ cho biết Kenya có thể không đề cử bà.

Cũng có tin cho rằng ứng viên người Nigeria, bà Ngozi Okonjo-Iweala có điểm thuận là từng làm 25 năm cho WB và học tại các trường đại học danh giá của Mỹ (Harvard, MIT). Tuy vậy, điều này có thể ảnh hưởng đến sự ủng hộ của Trung Quốc với bà Iweala.

Trong khi đó, báo Nikkei Asia Review ngày 9/6 cho rằng cạnh tranh Mỹ-Trung có thể sẽ lan sang cuộc đua vào vị trí người đứng đầu WTO.

Trung Quốc được cho là ủng hộ bà Mohamed, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Kenya, quốc gia mà Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều; Trung Quốc bị tác động lớn của cuộc chiến thương mại với Mỹ và rất muốn tăng ảnh hưởng trong WTO, nỗ lực thu hút sự ủng hộ của tổ chức quốc tế đối với Trung Quốc.

Còn Mỹ dường như ủng hộ ông Tim Groser, cựu Bộ trưởng Thương mại New Zealand (từng là Đại sứ tại Mỹ và từng phát biểu bày tỏ lo ngại lớn về sự trỗi dậy của Trung Quốc).

Nếu giành chiến thắng, ông Groser là người có khả năng thúc đẩy cải cách thể chế thương mại mà Washington đã đề xướng.

Tuy Tổng thống Mỹ Trump nghiêng về thúc đẩy thỏa thuận thương mại song phương nhưng Nhà Trắng không thể ngó lơ hệ thống đa phương và không thể để Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ở tổ chức quốc tế này.

Mỹ đã từng gây sức ép công khai khi ngăn sự ủng hộ đối với ứng viên Trung Quốc trong cuộc bầu cử ở Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới hồi tháng Ba năm nay.

WTO đang đứng trước những thách thức lớn, vì hệ thống quy tắc thương mại toàn cầu đang chịu áp lực mạnh mẽ trước bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và chủ nghĩa đơn phương của Tổng thống Trump, Cơ quan phúc thẩm của WTO bị tê liệt, yêu cầu cải tổ sâu sắc đối với tổ chức này nhằm khắc phục những vấn đề bất cập trong nội tại tổ chức từ trước đại dịch và hậu đại dịch COVID-19.

Nhìn chung, các luồng ý kiến đều cho rằng tân Tổng Giám đốc WTO không chỉ cần có nhiều kinh nghiệm về thương mại quốc tế mà còn phải có uy tín chính trị, chính trực, có cam kết đa phương thực sự, cân bằng được quan hệ với các nhóm nước, tôn trọng nhiều quan điểm khác nhau và nhận được sự tôn trọng của tất cả các thành viên WTO.

Giới chuyên gia dự báo quá trình lựa chọn ứng viên lần này sẽ có nhiều ứng viên tham gia; sự ủng hộ của Mỹ và Trung Quốc được cho là mang yếu tố quyết định.

Giới chuyên gia cũng cho rằng dù ai chiến thắng trong cuộc đua này sẽ phải "kế thừa" một tổ chức quốc tế đang đối mặt với nhiều vấn đề nội tại có từ trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát; và một trong những nhiệm vụ quan trọng của tổ chức này hiện nay là cập nhật, nâng cấp hệ thống quy tắc WTO, từ đó xử lý những khác biệt của hai mô hình kinh tế nhà nước (tiêu biểu Trung Quốc) và kinh tế thị trường (tiêu biểu là Mỹ)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục