Cuộc đụng độ ở Nagorny-Karabakh là một cuộc thánh chiến?

Nagorny-Karabakh lại nóng lên khi quân đội Armenia và Azerbaijan đụng độ với nhau; điều này có thể khó tin khi xem xét lịch sử các cuộc đụng độ gần như xảy ra thường xuyên.

Trang mạng trtworld.com đưa tin, một kịch bản - tương tự kịch bản từng được chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad sử dụng ở Syria - đang được triển khai ở Armenia nhằm mô tả đây không khác gì một cuộc chiến giữa Hồi giáo và Cơ đốc giáo.

Nagorny-Karabakh lại nóng lên khi quân đội Armenia và Azerbaijan đụng độ với nhau. Điều này có thể khó tin khi xem xét lịch sử các cuộc đụng độ gần như xảy ra thường xuyên, nhưng thực tế là lần này Armenia dường như đã dàn dựng một cái gì đó mới.

Lần này, Armenia đã tập hợp một liên minh gồm những chế độ bị cô lập và bất hảo. Armenia dường như quyết tâm biến những gì trước đây từng là tranh chấp lãnh thổ giữa các đối thủ sắc tộc thành một cuộc thánh chiến.

Nagorny-Karabakh yên bình và ổn định dưới sự thống trị của Liên Xô. Khi Liên Xô bắt đầu suy yếu, sự cai trị được nới lỏng dần. Mặc dù Nagorny-Karabakh là một phần hợp pháp của Azerbaijan dưới thời Liên Xô, song một chương trình trục xuất ồ ạt đã được thực hiện nhằm đẩy người Azerbaijan ra khỏi nhà của họ và tái định cư khu vực này thành của người Armenia.

Moskva sau đó xác định khu vực này là khu tự trị. Vào thời điểm Liên Xô sụp đổ năm 1991, Armenia sẵn sàng gây chiến với Azerbaijan để chiếm Nagorny-Karabakh.

Hành động đầu tiên của nước Armenia mới độc lập là tấn công quốc gia láng giềng Azerbaijan. Armenia đã thực hiện một chiến dịch thanh trừng sắc tộc và diệt chủng lớn. Armenia đã trục xuất gần một triệu người Azerbaijan và khoảng 30.000 người bị giết hại.

Armenia được Nga hậu thuẫn trong chiến dịch thanh lọc sắc tộc, báo hiệu một khuôn mẫu sau này sẽ kết tinh trong tất cả các mối quan hệ của Nga với các khu vực lãnh thổ và láng giềng trước đây của mình.

Mặc dù Nga là người “phóng hỏa,” nhưng nước này cũng đóng vai “lính cứu hỏa” và làm môi giới cho một lệnh ngừng bắn mà đến giờ khiến vấn đề vẫn chưa được giải quyết.

Ngày nay, Nagorny-Karabakh vẫn còn nhiều người Armenia định cư mặc dù con số đã giảm. Mặc dù Armenia đã tham gia nhiều chiến dịch quốc tế để tự nhận mình là nạn nhân, cả Liên hợp quốc và Mỹ đều không công nhận các tuyên bố của Armenia.

[Xung đột tại Nagorny-Karabakh: Nga kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức]

Nagorny-Karabakh là một phần của Azerbaijan. Tội ác thanh trừng và thảm sát sắc tộc chưa bao giờ được giải quyết và người Azerbaijan đến nay vẫn kể những câu chuyện về thời kỳ bạo lực thảm khốc dưới bàn tay của Armenia.

Bất chấp sự lên án của quốc tế đối với Armenia và sự công nhận toàn cầu về tuyên bố chủ quyền của Azerbaijan đối với lãnh thổ Nagorny-Karabakh, Armenia vẫn tiếp tục thái độ thù địch khiến khu vực trở nên căng thẳng.

Armenia không sáp nhập Nagorny-Karabakh và không chịu trách nhiệm về việc gần một triệu người Azerbaijan bị nước này trục xuất trong chiến dịch thanh lọc sắc tộc của Armenia. Điều đáng ngạc nhiên là Armenia đã đồng thời tham gia một chiến dịch để được công nhận cho những gì họ tuyên bố là một cuộc diệt chủng hơn 100 năm trước.

Mỹ gần đây đã thông qua đạo luật công nhận tội ác diệt chủng ở Armenia mà không hề đề cập việc Armenia thanh lọc sắc tộc đối với người Azerbaijan. Đó là kết quả của nhiều năm vận động hành lang của Armenia cũng như sự thù hận của Quốc hội Mỹ đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua các nghị quyết lên án việc thanh lọc sắc tộc của Armenia. Các nghị quyết đề cập đến Armenia như một “lực lượng chiếm đóng.”

Armenia hiện được khuyến khích tấn công Nagorny-Karabakh sau chiến thắng tại Quốc hội Mỹ; thành công của các hoạt động thông tin sai lệch của Nga liên quan đến Tổng thống Syria Bashar al-Assad; Thổ Nhĩ Kỳ mất uy tín trên trường quốc tế; Đường ống dẫn khí đốt xuyên Anatolia của Azerbaijan bị phá hoại ngầm. Đó là cơn bão hoàn hảo cho Armenia.

Trên thực tế Azerbaijan đang chiến đấu trong biên giới của họ còn Armenia chiến đấu trong biên giới của Azerbaijan. Armenia đồng thời tuyên bố họ đã bị tấn công trong cuộc giao tranh ở biên giới bên trong Azerbaijan. Đáng chú ý, Thủ tướng Armenia đã nói về việc bảo vệ “bản sắc” quốc gia.

Thủ tướng Pashinyan nói rõ rằng ông đang để mắt đến Nagorny-Karabakh. Trong khi cố gắng truyền đạt rằng đây chỉ là lập trường phòng thủ, ông thực sự thừa nhận Armenia đang chiến đấu trên lãnh thổ được hầu hết các nước công nhận là của Azerbaijan.

Cuộc đụng độ ở Nagorny-Karabakh là một cuộc thánh chiến? ảnh 1Tòa nhà bị phá hủy do trúng đạn pháo trong cuộc xung đột giữa các lực lượng Armenia và Azerbaijan tại thành phố Stepanakert, thủ phủ khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh ngày 3/10 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong khi đó, các phóng viên phát hiện các xe tải quân sự của Nga đang tiến vào Armenia từ Iran tại ngã tư Julfa. Các chiến tuyến đã được vẽ rõ ràng. Armenia đã liên kết với Nga và Iran.

Azerbaijan cũng sẽ dựa vào mối quan hệ thân thiết với Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiều tuyên bố của Nga, Armenia và Iran đã tập trung nhiều vào Thổ Nhĩ Kỳ cũng như về Azerbaijan.

Phần lớn cũng gợi nhớ các chiến dịch do Nga và Iran tiến hành nhân danh Tổng thống Assad. Armenia thậm chí đã tìm thấy đồng minh ở Mỹ, đó là Thượng nghị sỹ Robert Menendez. Tuy nhiên, tweet của ông Menendez trái ngược với chính sách chính thức của Mỹ và có vẻ như phản đối Thổ Nhĩ Kỳ cũng như vấn đề Nagorny-Karabakh.

Không có gì ngạc nhiên khi hầu hết các đồng minh của Armenia đều là đối thủ của Thổ Nhĩ Kỳ. Hy Lạp đã tham gia liên minh, cũng như người Serb. Chính những quốc gia này cũng quan tâm đến việc ủng hộ chế độ diệt chủng người Syria của al-Assad - một cuộc diệt chủng đã được Thổ Nhĩ Kỳ ngăn chặn ở Idlib.

Những người ủng hộ Armenia đã tham gia cùng một kịch bản từng được sử dụng ở Syria. Khắc họa trận chiến như một cuộc chiến giữa những người Thiên chúa giáo và Hồi giáo, giữa Đông và Tây.

Ở Syria, al-Assad đã tuyên bố sai sự thật về vỏ bọc “người bảo vệ các tín đồ Cơ đốc giáo” - và các nước như Hy Lạp và Nga đã quảng bá tuyên truyền đó và đẩy mạnh thông điệp giáo phái.

Trận chiến - trong câu chuyện của Armenia - không còn là về đất đai, mà giờ đây là về một trận chiến tôn giáo gợi lên hình ảnh của những người lính thập tự chinh và Chúa Jesus bị đóng đinh trên thập tự giá.

Họ tuyên bố đang bảo vệ Cơ đốc giáo chống lại chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo. Truyền thông phương Tây thích điều đó và đang lan truyền câu chuyện rằng đó là trận chiến giữa Cơ đốc giáo và Hồi giáo.

Tờ Daily Beast ngày 29/9 chạy dòng tiêu đề: “Thổ Nhĩ Kỳ phái ‘lãnh chúa’ IS đến đối đầu với các đồng minh của Putin.” Kết cục ở Syria là hàng trăm nghìn phụ nữ, trẻ em và đàn ông thiệt mạng. Trận chiến ở Nagorny-Karabakh liên quan đến đất đai, chủ nghĩa dân tộc và không liên quan gì đến tôn giáo./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục