Cựu Đại sứ Canada đánh giá Việt Nam là động lực thành công của APEC

Theo Cựu Đại sứ Canada tại Việt Nam David Devine, Việt Nam không chỉ đang tạo ra động lực mới cho thành công của APEC, mà còn thể hiện rõ vị thế ngày càng quan trọng của mình.
Cựu Đại sứ Canada đánh giá Việt Nam là động lực thành công của APEC ảnh 1Cựu Đại sứ David Devine trả lời phỏng vấn của phóng viên thường trú TTXVN. (Ảnh: Thúy Hà/Vietnam+)

Nhân dịp Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á​-Thái Bình Dương (APEC) 2017 chuẩn bị diễn ra ở thành phố Đà Nẵng, Việt Nam, phóng viên TTXVN tại Canada đã có cuộc trao đổi với cựu Đại sứ Canada tại Việt Nam, ông David Devine, về những nỗ lực và sáng kiến của nước chủ nhà cũng như những kỳ vọng đối với hội nghị sắp tới.

Theo ông Devine, đảm đương vai trò chủ nhà APEC là một vinh dự nhưng đồng thời cũng là trọng trách lớn đối với Việt Nam.

Trong vai trò chủ nhà, Việt Nam đã rất nỗ lực tổ chức các hoạt động trong năm APEC 2017 và chuẩn bị cho hội nghị cấp cao diễn ra trong tháng 11 này.

Việt Nam sẽ đón đại diện của 21 nền kinh tế thành viên cùng nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu trong khu vực để thảo luận và tìm hướng giải quyết cho những vấn đề quan trọng nhất ở châu Á-Thái Bình Dương.

[Tiếp tục khẳng định vị thế của Việt Nam trong APEC]

Với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” và những nỗ lực của Việt Nam trong suốt năm APEC 2017, có thể thấy Việt Nam không chỉ đang tạo ra động lực mới cho thành công của APEC, thông qua việc muốn làm những việc khác với trước đây và đạt được kết quả tốt hơn so với những năm trước, mà còn thể hiện rõ vị thế ngày càng quan trọng của mình.

Tuy nhiên, để APEC 2017 thực sự thành công, tất cả các thành viên APEC phải cùng hướng về phía trước để tạo ra động lực mới mang lại lợi ích chung.

Cũng theo cựu Đại sứ Devine, mục tiêu lớn nhất của APEC là phải kết nối các nền kinh tế thành viên để tất cả đều được hưởng lợi ích từ việc hợp tác với nhau.

Đây cũng chính là kim chỉ nam cho mọi quyết định hành động của APEC. Kể từ khi thành lập đến nay, APEC đã đạt được rất nhiều thành tựu quan trọng.

APEC đã nâng tỷ trọng thương mại từ 40% tổng giá trị toàn cầu ban đầu lên 60% hiện nay và sẽ lên tới 70% vào năm 2050. Những kết quả này của APEC là rất rõ nét và để mỗi nền kinh tế thành viên có thể tiếp tục phát triển, cần phải thúc đẩy phát triển chung của cả khu vực.

Cựu quan chức ngoại giao Canada dự báo về những khó khăn đang nổi lên như chủ nghĩa bảo hộ thương mại, đòi hỏi các nhà lãnh đạo APEC phải nhìn thẳng vào vấn đề để tìm hướng giải quyết.

Ông cho rằng chủ nghĩa bảo hộ là một xu hướng rất đáng lo ngại và thế giới đã từng phải trả giá đắt cho bài học này trong cuộc đại khủng hoảng hồi thập niên 30 của thế kỷ trước, bắt nguồn từ việc các nước thực thi chính sách bảo hộ và áp thuế cao.

Trong khi đó, nếu nhìn vào Việt Nam, nhờ thực thi chính sách Đổi mới từ năm1986, Việt Nam đã đạt được rất nhiều tiến bộ và hiện là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Cựu Đại sứ Canada tại Việt Nam khẳng định những thành quả đó sẽ không thể có được nếu Việt Nam thực thi chính sách bảo hộ.

Trên cơ sở thực tế hiện nay, cựu Đại sứ Devine lấy làm tiếc khi một vài nước đang muốn theo đuổi con đường bảo hộ trong lúc thế giới đã xây dựng được mô hình cho sự phát triển và thịnh vượng chung.

Cựu Đại sứ Canada đánh giá Việt Nam là động lực thành công của APEC ảnh 2Cựu Đại sứ David Devine trả lời phỏng vấn của phóng viên thường trú TTXVN. (Ảnh: Thúy Hà/Vietnam+)

Thế giới ngày nay, theo ông, ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào thương mại quốc tế nên ảnh hưởng và tác động của chủ nghĩa bảo hộ sẽ lớn hơn rất nhiều. Vì vậy, theo ông, cần phải ngăn điều này xảy ra.

Ông mong muốn APEC sẽ tiếp tục thúc đẩy thương mại thông qua những cách thức khác nhau để tăng cường hơn nữa hội nhập kinh tế khu vực, đồng thời bày tỏ hy vọng và tin tưởng với những thành quả mà APEC đã đạt được và nỗ lực bền bỉ của Chính phủ Việt Nam, hội nghị cấp cao sắp tới ở Đà Nẵng sẽ thành công tốt đẹp.

Các nhà lãnh đạo APEC sẽ đạt được thỏa thuận trên những vấn đề quan trọng, sẽ đi đến nhất trí hợp tác trong những lĩnh vực có thể hợp tác và đưa ra những cam kết có thể hiện thực hóa.

Bên cạnh đó, ông cũng mong muốn các nhà lãnh đạo APEC sẽ tiếp tục tái khẳng định cam kết hoàn thành mục tiêu Bogor vào năm 2020./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục