Cứu sống trẻ sơ sinh bị tật tim bẩm sinh nguy hiểm

Các bác sỹ Bệnh viện Bạch Mai vừa cứu sống một bé sơ sinh bị tật tim bẩm sinh bằng kỹ thuật đóng ống động mạch sớm bằng thuốc.
Ngày 7/6, Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, các bác sỹ của bệnh viện vừa cứu sống một cháu bé sơ sinh bị tật tim bẩm sinh bằng kỹ thuật đóng ống động mạch sớm bằng thuốc.

Cháu bé tên Nguyễn Minh Kh. 3 ngày tuổi ở quận Hoàng Mai (Hà Nội), nhập khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai tối 1/6.

Chị Bùi Thu Hằng - mẹ của bệnh nhân cho biết, sau khi sinh thường tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội được một ngày, cháu Kh. hoàn toàn bình thường và được về nhà. Sau một ngày ra viện, bé thường xuyên có những cơn co thắt ngực, khó thở, thậm chí thỉnh thoảng, bé bị co giật ở vùng ngực. Sau đó, gia đình đã cho bé nhập viện Bạch Mai.

Bác sỹ Dũng cho hay, khoa đã dùng kỹ thuật đóng ống động mạch bằng thuốc cứu sống nhiều trường hợp trẻ sinh non, trẻ vừa mới sinh tại bệnh viện. Tuy nhiên, đây là trường hợp đầu tiên các bác sỹ cứu sống một trẻ còn ống động mạch ở tim sau khi bé đã xuất viện về nhà. Vì khi bé còn ống động mạch, nếu như không phát hiện, được cứu chữa sớm thì khả năng tử vong rất nhanh.

Theo các chuyên gia, trẻ sơ sinh khi còn ống động mạch, nếu không được đóng ngay dễ dẫn tới tình trạng suy hô hấp, suy thở dẫn tới tử vong.

Giáo sư Dũng cho hay, với trẻ sinh đủ tháng, trong 2 ngày đầu có 80% ống động mạch tự đóng lại. Có nhiều trường hợp ống động mạch của trẻ không tự đóng là do bị nhiễm khuẩn sơ sinh, bị ngạt, trẻ hít phải nước ối. Vì vậy khiến quá trình đóng ống mạch chủ chậm lại.

Qua hội chẩn, các bác sỹ siêu âm tim cấp cứu và thấy ống động mạch của cháu bé dài 5,6mm, đường kính rất lớn: 4mm, áp lực động mạch phổi cao. Vì vậy, bé đã phải thở bằng máy.

Theo kinh nghiệm của các bác sỹ, những ca như trường hợp của cháu bé trên nếu làm chậm 1-2 ngày sẽ rất nguy hiểm. Việc quyết định đóng ống ngay sẽ giúp trẻ không phải mổ về sau, và việc cứu sống rất dễ và chi phí rẻ.

Qua điều trị bằng ba liều thuốc Ibuprofen, các bác sỹ đã đóng ống động mạch sớm cho bé và sau đó bé đã tự thở được.

Bác sỹ Dũng lưu ý, với những trẻ còn ống động mạch thì phụ huynh cần phát hiện sớm để chữa ngay. Khi đó khả năng đóng thành công cao và chi phí rất ít, không tốn kém.

Do đó, các chuyên gia nhi khoa khuyến cáo các bậc phụ huynh khi thấy các bé sơ sinh thở bất thường, bú kém, khó bú và mệt thì cần đi khám ngay để theo dõi. Nguyên nhân là do những trẻ còn ống động mạch thì điều kiện tiên quyết cần chữa sớm, sau 3-4 ngày sau sinh. Bởi sau khi sinh 1 tuần, nếu trẻ sinh đủ tháng không được đóng ống động mạch thì không thể điều trị bằng thuốc mà phải thực hiện phẫu thuật mổ can thiệp tim mạch.

Dự tính, vào thứ hai tuần tới (10/6), bé Nguyễn Minh Kh. sẽ được xuất viện./.
Ống động mạch tồn tại trong quá trình phát triển của bào thai, tạo sự thông thương giữa động mạch chủ và động mạch phổi. Sau khi trẻ sinh ra đời bình thường, ống động mạch đóng lại.

Khi trẻ sinh ra nếu ống động mạch vẫn còn tồn tại sẽ gây luồng thông trái-phải gây quá tải tuần hoàn phổi, nhĩ trái và thất trái. Sự quá tải tuần hoàn phổi gây nên các biểu hiện hô hấp, tăng áp lực động mạch phổi và giãn động mạch phổi, giãn nhĩ trái và thất trái, giảm huyết áp tâm trương. Sự tăng áp lực động mạch phổi có thể xảy ra từ rất sớm.
Thùy Giang (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục