Các nhà khoa học Mỹ ngày 3/3 đã công bố trường hợp trẻ sơ sinh nhiễm HIV đầu tiên được điều trị thành công. Đây là một bước tiến triển mới có thể giúp cải thiện hoạt động chữa trị các bé sơ sinh nhiễm HIV ngay từ khi chào đời. Tuy nhiên, đứa trẻ nói trên mới chỉ được chữa lành về mặt chức năng, thay vì khỏi hoàn toàn. Nguyên nhân do virus chưa bị loại trừ hẳn khỏi cơ thể bé. Nhưng dù vẫn còn hiện diện, virus đã được giảm xuống mức thấp đủ để cơ thể có thể kiềm chế virus mà không cần tới các loại thuốc điều trị tiêu chuẩn. Bệnh nhân được chữa lành HIV/AIDS duy nhất trên thế giới hiện nay là Timothy Brown, người Mỹ. Bệnh nhân này vừa được chữa lành khỏi HIV, vừa thoát khỏi bệnh máu trắng sau khi được ghép tủy xương từ một người hiến tặng mang gene có khả năng kháng virus HIV một cách tự nhiên. Việc ghép tủy xương ban đầu là để chống lại bệnh máu trắng, nhưng đã giúp chống luôn cả HIV. Nhưng trong trường hợp mới, bé gái đã không phải trải qua các biện pháp chữa trị như thế mà chỉ uống thuốc kháng virus thông thường. Sự khác biệt nằm ở chỗ liều lượng và thời điểm uống thuốc: bắt đầu chưa đầy 30 giờ sau khi bé chào đời. Các nhà nghiên cứu phát biểu tại Hội thảo về retrovirus và bệnh lây nhiễm cơ hội (CROI) lần thứ 20 đang tổ chức ở Atlanta, Georgia, nói rằng dạng điều trị tích cực này có khả năng dẫn tới việc được chữa lành về mặt chức năng. Cái mà các nhà khoa học gọi là các tế bào nhiễm virus HIV ngủ đông thường sẽ tái khởi động lại việc lây nhiễm trong cơ thể các bệnh nhân mang virus HIV, chỉ chừng vài tuần sau khi họ ngừng việc uống thuốc kháng virus. Điều này buộc những người dương tính với HIV phải dùng thuốc suốt đời, nếu không bệnh sẽ tiến triển. "Việc sử dụng liệu pháp điều trị kháng virus sớm ở trẻ sơ sinh, bắt đầu chỉ vài ngày sau khi đứa trẻ bị phơi nhiễm, có thể giúp các bé giảm lượng virus và đạt được tình trạng giảm virus kéo dài mà không cần phải sử dụng các biện pháp ngăn chặn" - nhà nghiên cứu hàng đầu Deborah Persaud ở Trung tâm nhi đồng Johns Hopkin ở Baltimore, Maryland cho biết. Bà nói rằng đây là lần đầu tiên việc chữa lành về chức năng đạt được trên cơ thể một đứa trẻ. Đứa trẻ đã nhiễm HIV từ người mẹ mang HIV của mình và cô bé đã được sử dụng các liều thuốc kháng virus ngay từ trước khi mẫu máu của bé được xét nghiệm xong với kết quả dương tính với HIV. Quy trình chữa trị thông thường với những đứa trẻ sơ sinh có nguy cơ nhiễm HIV cao là cho các bé sử dụng một số liều nhỏ thuốc kháng virus, kéo dài đến khi người ta có kết quả xét nghiệm HIV lúc các bé được 6 tuần tuổi. Các xét nghiệm cho thấy lượng virus của đứa trẻ đã giảm dần cho tới khi nó không còn có thể phát hiện được vào khoảng 29 ngày sau khi sinh. Đứa trẻ đã tiếp tục được tiến hành chữa trị với thuốc kháng virus cho tới tận khi được 18 tháng tuổi. Tới thời điểm này, các bác sĩ đã mất liên lạc với đứa trẻ trong khoảng 10 tháng trời. Trong khoảng thời gian mất liên lạc, đứa trẻ không uống thuốc kháng virus. Sau khi nối liên lạc trở lại, các bác sĩ đã tiến hành một loạt xét nghiệm máu và không số nào trong đó cho kết quả dương tính với HIV. Hoạt động khắc chế virus một cách tự nhiên, không qua dùng thuốc là chuyện rất hiếm khi xảy ra. Hiện tượng này chỉ tồn tại ở dưới 1% những người trưởng thành đã nhiễm HIV. Trong cơ thể những người này, hệ miễn dịch của họ có thể khống chế việc nhân bản của virus HIV và khiến mức độ virus nằm ở mức không thể phát hiện được qua xét nghiệm.
Thông thường, những người nhiễm HIV phải dùng thuốc suốt đời (Nguồn: AFP)
Các chuyên gia về HIV lâu nay đã muốn giúp tất cả các bệnh nhân HIV đạt được tình trạng như thế. Họ nói rằng trường hợp đứa trẻ sơ sinh đã mang tới hy vọng, cơ hội thay đổi cuộc chơi. Nó cho thấy việc sử dụng liệu pháp điều trị kháng virus từ sớm trên cơ thể trẻ sơ sinh có thể giúp tạo ra việc chữa lành HIV về mặt chức năng. Tuy nhiên họ cho biết mối quan tâm hàng đầu hiện nay vẫn là tìm cách ngăn chặn việc lây truyền virus từ mẹ sang con. Họ nói rằng việc tiến hành chữa trị kháng virus HIV trên cơ thể mẹ hiện đã ngăn chặn việc truyền virus sang con trên 98% số trường hợp. Nghiên cứu mới được cấp vốn từ Viện nghiên cứu y tế quốc gia Mỹ và Quỹ nghiên cứu AIDS Mỹ./.
Linh Vũ (Vietnam+)