Ngay trong ngày 15/10, thành phố đã khôi phục hoàn toàn hệ thống cấp nước và hệ thống điện nội thành, dự kiến đến ngày 20/10 sẽ khôi phục toàn bộ hệ thống điện thành phố.
Thành phố cũng đề nghị trung ương hỗ trợ để nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai về giao thông, thủy lợi, kè sông, biển và các cơ sở hạ tầng về y tế, giáo dục, du lịch..., sớm ổn định đời sống, sản xuất của người dân.
Cơn bão số 11 đổ bộ đã gây thiệt hại nặng cho thành phố Đà Nẵng với 11 người bị thương, gần 5.600 ngôi nhà bị sập, tốc mái; 270 phòng học tốc mái, nhiều trang thiết bị dạy học bị hư hại. Hiện nhiều trường học chưa thể hoạt động trở lại bình thường.
Các bệnh viện như Phụ sản nhi, Đà Nẵng, Da liễu, Điều dưỡng và phục hồi chức năng, Lao phổi, Mắt và Trung tâm cấp cứu đã bị tốc mái, sụt tường rào, vỡ kính. Trung tâm Hội chợ triển lãm, chợ Đầu mối Hòa Cường cũng bị tốc mái, hư hại nặng.
Đường dây 22KV bị đổ 16 cột trụ, đường dây hạ thế bị đổ 45 cột điện và 14 trạm biến áp bị sự cố. Các tuyến đường Hoàng Sa, đường 604, đường 601 bị bồi lấp, sạt lở. Ngoài ra, 40.000 cây xanh của thành phố đã bị gãy đổ. Nhiều khu vực nông nghiệp trồng rau màu, nuôi trồng thủy sản, rừng sản xuất, rừng phòng hộ ven biển bị tàn phá nặng nề…
Do ảnh hưởng của bão số 11, trong hai ngày 15 và 16/10, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã có mưa to đến rất to, tại một số huyện miền núi như Hương Khê, Vũ Quang đã xảy ra tình trạng lũ ống. Hậu quả, mưa lũ đã làm 2 nhà dân ở xã Hương Quang của huyện Vũ Quang bị nước lũ cuốn trôi.
Tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua địa bàn huyện Vũ Quang có nhiều điểm bị nước lũ chia cắt. Trong khi đó, tại huyện Hương Khê đến thời điểm này cũng đã có 620 hộ dân của 15 xã, thị trấn như Lộc Yên, thị trấn Hương Khê, Hương Xuân, Phú Gia, Phương Điền, Phương Mỹ… ngập trong nước.
Tại huyện Thạch Hà, sáng sớm nay cũng đã xảy ra lốc xoáy khiến 112 ngôi nhà dân bị tốc mái và 4 ngôi nhà bị sập hoàn toàn ở các xã như Thạch Tân, Thạch Thắng, Thạch Linh. Hiện có 4 thôn của các xã nói trên bị ngập lụt và hàng trăm héc ta hoa màu bị hư hại do mưa lũ và lốc xoáy.
Tại thành phố Hà Tĩnh nhiều tuyến phố chính như Lý Tự Trong, Phan Đình Phùng, Nguyễn Công Trứ, Hải Thượng Lãn Ông… cũng đã bị ngập sâu, giao thông bị tê liệt do mưa to. Tỉnh Hà Tĩnh hiện chưa có thiệt hại về người.
Để chủ động phòng chống mưa bão, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các huyện đã triển khai cuộc họp khẩn cấp, giao nhiệm vụ cho các thành viên về chỉ đạo ở các địa phương; chính quyền các địa phương, các ban ngành đoàn thể triển khai các biện pháp ứng cứu, di dời các hộ dân đến nơi an toàn.
Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh cho biết, hiện mực nước trên các sông Ngàn Sâu và Ngàn phố đang ở xu thế lên nhanh. Trên sông Ngàn sâu tại trạm Chu Lễ có khả năng lên xấp xỉ báo động II. Trên sông Ngàn Phố tại trạm Sơn Diệm lên báo động I./.