Đà Nẵng: Nghiên cứu bảo vệ dòng suối Lương trên đèo Hải Vân

Ngoài nguyên nhân chính do biến đổi khí hậu, một số nguyên nhân khác làm dòng suối bị khô hạn như đầu nguồn suối bị chia cắt bởi một khối đá lớn khiến nước bị chia tách, phân tán nhiều nhánh.

Thượng nguồn suối Lương trên đèo Hải Vân bị cạn trơ đáy, nhìn từ xa chỉ thấy đất đá. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)
Thượng nguồn suối Lương trên đèo Hải Vân bị cạn trơ đáy, nhìn từ xa chỉ thấy đất đá. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Ngày 27/3, Bí thư Quận ủy Liên Chiểu (Đà Nẵng) Nguyễn Hà Bắc cho biết địa phương sẽ lập phương án quy hoạch chi tiết để triển khai các giải pháp bảo vệ, gìn giữ dòng suối Lương (phường Hòa Hiệp Bắc).

Theo ông Nguyễn Hà Bắc, phường Hòa Hiệp Bắc đã báo cáo Thường trực Quận ủy Liên Chiểu về vấn đề suối Lương và giải pháp trong thời gian tới.

Khảo sát của Ủy ban Nhân dân phường Hòa Hiệp Bắc cho thấy, suối Lương bắt nguồn từ đèo Hải Vân, từ đường dẫn phía Nam hầm Hải Vân đi lên khoảng 10km đường rừng.

Ngoài nguyên nhân chính do biến đổi khí hậu, một số nguyên nhân khác làm dòng suối bị khô hạn như đầu nguồn suối bị chia cắt bởi một khối đá lớn khiến nước bị chia tách, phân tán nhiều nhánh chảy đi nơi khác.

Hai bên bờ suối bị sạt lở nặng, hậu quả của việc trồng cây keo lá tràm trên rừng Hải Vân từ nhiều năm nay.

Trận mưa lũ lịch sử tháng 10/2022 đã khiến lượng lớn đất đá tràn vào lòng suối, gây ảnh hưởng đến dòng chảy, đặc biệt tại chân cầu suối Lương chảy qua đường dẫn phía Nam hầm Hải Vân.

Quận Liên Chiểu đang lập kế hoạch, thủ tục báo cáo thành phố xin vốn đầu tư để lập quy hoạch khu vực suối Lương.

ttxvn_suoi luong (1).jpg
Một điểm du lịch tự phát trên suối Lương cố tình xếp các tảng đá lớn để chặn dòng chảy. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, quận sẽ thuê đơn vị tư vấn quy hoạch chi tiết toàn bộ dòng suối từ thượng nguồn xuống hạ lưu, dựa trên nghiên cứu khoa học thủy văn, môi trường.

Các giải pháp cụ thể về kết cấu hạ tầng, phương án khơi thông dòng chảy, tạo kè đá giữ bờ suối, tạo điểm tích nước trên dòng suối, phù hợp với môi trường tự nhiên khu vực và đảm bảo an ninh nguồn nước sẽ có trong quy hoạch.

Tuy nhiên, việc bảo vệ suối Lương về lâu dài cần sự chung tay của các cấp, ngành thành phố; đặc biệt là sự vào cuộc của ngành nông nghiệp trong việc vận động người dân trồng rừng gỗ lớn thay thế cây keo lá tràm, nghiên cứu xây dựng hệ thống kè, đập bảo vệ nguồn nước…

Đối với các điểm đang kinh doanh du lịch sinh thái tự phát trên dòng suối Lương, Bí thư Quận ủy Liên Chiểu cho biết, địa phương sẽ chấn chỉnh lại hoạt động kinh doanh, du lịch tại khu vực này.

Theo Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 2/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ về "phê duyệt quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050," khu vực suối Lương được định hướng phát triển các khu du lịch cộng đồng, sinh thái.

Nghị quyết số 10-NQ/QU ngày 26/12/2023 của Quận ủy Liên Chiểu về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 đã đề ra nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan liên quan thúc đẩy ban hành và triển khai Đề án thí điểm phát triển kinh tế vườn rừng kết hợp du lịch sinh thái, thân thiện môi trường tại khu vực rừng Hải Vân...

Lãnh đạo quận Liên Chiểu yêu cầu, Ủy ban Nhân dân phường Hòa Hiệp Bắc thống kê toàn bộ các hộ dân đã nhận giao khoán đất rừng trồng hai bên bờ suối Lương từ hàng chục năm trước.

Những hộ dân muốn tham gia kinh doanh du lịch sinh thái dưới tán rừng phải lập phương án quản lý rừng bền vững, phải ghi rõ tỷ lệ diện tích (đất trồng cây, hạ tầng, dịch vụ, khu vực lối đi…).

Đồng thời, địa phương hướng dẫn các hộ dân phát triển rừng bền vững, hoạt động kinh doanh theo đúng quy định của Luật Lâm nghiệp năm 2017.

Trên cơ sở đó, các hộ dân cố tình thực hiện trái quy định, ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã phản ánh về việc đầu nguồn suối Lương trên đèo Hải Vân bị cạn trơ đáy dù chưa vào mùa khô hạn, gây nguy cơ mất an ninh nguồn nước khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục