Đa số người Đức phản đối việc loại bỏ năng lượng hạt nhân

Theo khảo sát tại Đức, 51,6% số người được khảo sát coi việc loại bỏ năng lượng hạt nhân là một sai lầm trong khi chỉ 28,4% ủng hộ quyết định này và 20% không có ý kiến gì.

Đa số người Đức phản đối việc từ bỏ năng lượng hạt nhân. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Đa số người Đức phản đối việc từ bỏ năng lượng hạt nhân. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cách đây một năm, ba lò phản ứng hạt nhân cuối cùng ở Đức đã ngừng hoạt động, nhưng đến nay vẫn còn nhiều chỉ trích về quyết định này.

Hơn một nửa số người Đức phản đối việc từ bỏ năng lượng hạt nhân và ở phía Đông nước Đức, số phản đối còn nhiều hơn đáng kể.

Cụ thể, theo kết quả cuộc khảo sát do cổng so sánh Verivox ủy quyền, 51,6% số người được khảo sát coi việc loại bỏ năng lượng hạt nhân là một sai lầm trong khi chỉ 28,4% ủng hộ quyết định này và 20% không có ý kiến gì.

Cuộc khảo sát đã được tiến hành với sự tham gia của 1.019 người trong độ tuổi từ 18 đến 79. Mặc dù số người được hỏi không lớn, nhưng nhóm được khảo sát đã phản ánh tâm trạng chung của người dân Đức.

Kết quả khảo sát trên cũng tương tự như kết quả khảo sát xu hướng của đài truyền hình RTL, theo đó, 58% người dân Đức coi việc loại bỏ điện hạt nhân là sai lầm. Ở phía Đông nước Đức, tỷ lệ phản đối thậm chí còn là 78%.

Một năm sau khi nước Đức loại bỏ hoàn toàn năng lượng hạt nhân, Bộ trưởng Kinh tế Liên bang Đức Robert Habeck vẫn tỏ ra hài lòng với quyết định này.

Ông cho biết: “An ninh nguồn cung điện luôn được đảm bảo. Giá điện lại giảm đáng kể và lượng khí thải CO2 cũng giảm. Như vậy có thể thấy không có gì để phản đối quyết định này.”

Trong một dòng trạng thái trên mạng xã hội X, ông còn nhấn mạnh quyết định loại bỏ năng lượng hạt nhân là nỗ lực chung của tất cả các đảng dân chủ.

Phản ứng về phát biểu của ông Habeck trên mạng xã hội chủ yếu là tiêu cực. Có bình luận cho rằng "thế giới đang cười nhạo nước Đức," hay có bình luận khác mô tả việc loại bỏ năng lượng hạt nhân là một “công việc hủy diệt vô nghĩa.”

Thị trường năng lượng đã thay đổi đáng kể từ khi các lò phản ứng hạt nhân cuối cùng của Đức ngừng hoạt động.

Theo Verivox, giá điện tiêu dùng trung bình đã giảm 17%. Một gia đình tiêu thụ 4.000kWh điện phải trả 1.703 euro tiền điện vào tháng 4/2023 thì hiện tại chỉ còn phải trả 1.412 euro.

Tuy nhiên, nhà kinh tế học Veronika Grimm chắc chắn rằng giá điện tiêu dùng sẽ còn thấp hơn nữa nếu ba lò phản ứng hạt nhân nói trên không ngừng hoạt động. Bà phân tích rằng, giá điện sẽ rẻ hơn trong nhiều thời điểm trong năm.

Ngoài vấn đề chi phí, nhiều người phản đối việc bỏ năng lượng hạt nhân còn chỉ trích thực tế là năm ngoái, lần đầu tiên kể từ năm 2006, Đức đã nhập khẩu nhiều điện hơn xuất khẩu.

Theo nguồn tin từ Bộ Kinh tế nước này, tổng lượng điện nhập khẩu là 11,8 tỷ kWh, tức là 2% tổng lượng điện tiêu thụ. Nhiều chuyên gia cho rằng nếu ba tổ máy điện hạt nhân cuối cùng còn hoạt động thì Đức đã không phải nhập khẩu điện.

Tuy nhiên, theo Bộ Kinh tế Đức, nếu không đóng cửa các lò phản ứng hạt nhân thì lượng khí thải CO2 sẽ cao hơn và hóa đơn tiền điện cũng cao hơn.

Vào ngày 15/4/2023, các lò phản ứng hạt nhân Isar 2, Neckarwestheim 2 và Emsland, những lò phản ứng hạt nhân cuối cùng của Đức, đã ngừng hoạt động.

Hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân đã được kéo dài thêm vài tháng trong giai đoạn cuối nhằm đảm bảo cung cấp năng lượng trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục