Đặc phái viên LHQ kêu gọi các phe phái ở Libya chỉ định đại diện họp bàn bầu cử

Đặc phái viên LHQ cho biết các phe phái chính tại Libya nên chuyển sang một giai đoạn mới để tiến hành bầu cử, gợi ‎ý thêm các bên phải xác định vấn đề cần giải quyết, bắt đầu quá trình bỏ phiếu.

Đặc phái viên của Liên hợp quốc tại Libya, ông Abdoulaye Bathily, phát biểu trong cuộc họp báo ở Tripoli ngày 11/3/2023. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Đặc phái viên của Liên hợp quốc tại Libya, ông Abdoulaye Bathily, phát biểu trong cuộc họp báo ở Tripoli ngày 11/3/2023. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, ngày 23/11, Đặc phái viên của Liên hợp quốc tại Libya Abdulaye Bathily đã kêu gọi các phe phái ở quốc gia Bắc Phi này chỉ định đại diện tham gia một cuộc họp, nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc bầu cử quốc gia.

Trong một tuyên bố, ông Bathily cho biết các phe phái chính tại Libya nên chuyển sang một giai đoạn mới, để tiến hành bầu cử, gợi ‎ý thêm rằng các bên phải xác định những vấn đề cần giải quyết, nhằm bắt đầu quá trình bỏ phiếu.

Những phe phái tiềm năng sẽ tham dự cuộc đàm phán này bao gồm Chính phủ Thống nhất Quốc gia (GNU), Hội đồng Tổng thống và Hội đồng Nhà nước Cấp cao (HSC) đều có trụ sở tại thủ đô Tripoli; Hạ viện Libya (HoR) và Quân đội Quốc gia Libya (LNA) đều ở thành phố Benghazi thuộc miền Đông.

Tháng trước, người phát ngôn của HoR ở miền Đông Libya đã ban hành luật mới nhằm cho phép tiến hành cuộc bầu cử, tuy nhiên các văn bản này không được các phe phái khác trong hệ thống chính trị chấp thuận.

Mỹ, Anh, Đức, Italy và Pháp đã ra tuyên bố chung ủng hộ động thái này như một cơ hội để “đưa Libya vào con đường ổn định lâu dài.”

Thủ tướng Libya Abdul-Hamed Dbeibah luôn nhấn mạnh sự cần thiết phải tổ chức tổng tuyển cử ở nước này sớm nhất có thể.

Libya đã không thể tổ chức tổng tuyển cử vào tháng 12/2021 như dự kiến trước đó do bất đồng về luật bầu cử giữa các đảng phái ở nước này. Kể từ cuộc chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi năm 2011, Libya rơi vào tình trạng hỗn loạn và tiếp tục bị chia rẽ sâu sắc sau khi xảy ra sự phân cực giữa các phe phái vũ trang miền Đông và miền Tây từ năm 2014.

Các cuộc xung đột trên quy mô lớn đã tạm dừng sau khi các bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn vào năm 2020. Tuy nhiên đến nay, các phe phái tại Libya vẫn chưa tìm ra một giải pháp chính trị lâu dài để giải quyết xung đột./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục