Đại biểu Quốc hội: Ai sẽ chịu trách nhiệm về thất thoát, lãng phí?

Theo đại biểu Hồ Thị Minh, một số công trình tuy vẫn sử dụng tốt nhưng cơ quan, địa phương vẫn bỏ hoang, đập bỏ để xây mới hoặc có trường hợp không cộng tác trong việc chuyển giao cho chính quyền.
Đại biểu Quốc hội: Ai sẽ chịu trách nhiệm về thất thoát, lãng phí? ảnh 1Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Tình trạng lãng phí, thất thoát tại nhiều dự án, công trình có sử dụng vốn ngân sách Nhà nước hay vi phạm trong sử dụng đất, trụ sở làm việc… tiếp tục làm nóng tại phiên thảo thảo luận của Quốc hội chiều 31/10 về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Tập trung đất nông nghiệp diễn ra chậm

Đại biểu Lê Hữu Trí (đoàn Khánh Hòa) cho hay kết quả giám sát chuyên đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 cho thấy tình hình lãng phí, thất thoát các nguồn lực của đất nước về tài chính, ngân sách, tài sản công, đất đai, tài nguyên khoáng sản, thời gian lao động về nguồn lực rất lớn và nghiêm trọng.

[Đại biểu Quốc hội: Siết chặt kỷ cương về tiết kiệm, chống lãng phí]

Mặc dù Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát đã chỉ ra nguyên nhân cụ thể, song theo đại biểu đoàn Khánh Hòa, vấn đề quan trọng đặt ra tiếp theo là ai sẽ chịu trách nhiệm về những thiệt hại, tổn thất, lãng phí đó và giải pháp để xử lý tiếp theo các tồn tại đó như thế nào?

Dẫn chứng với trên 3.000 dự án sử dụng vốn nhà nước có thất thoát, lãng phí, đại biểu mong muốn Quốc hội, Chính phủ quyết liệt chỉ đạo làm rõ các vi phạm, thất thoát, lãng phí, trong đó cần thiết phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và các phương án khắc phục, xử lý đối với các dự án này.

Cùng đó, tập trung xử lý các dự án không hiệu quả, chậm tiến độ, vi phạm trong quản lý, sử dụng đất, các dự án BT, BOT đang triển khai dở dang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc…

Cùng nhấn mạnh nội dung này, đại biểu Khương Thị Mai (đoàn Nam Định) đánh giá quá trình tập trung đất nông nghiệp diễn ra chậm, chưa theo kịp cơ cấu ngành nông nghiệp.

Do đó, nữ đại biểu đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu quy định khuyến khích tập trung đất nông nghiệp. Người sử dụng đất được chuyển mục đích sử dụng đất sản xuất cây trồng, vật nuôi. Xem xét xây dựng chính sách thuế đối với đất nông nghiệp nhưng bỏ hoang, không đưa vào sử dụng nhằm hạn chế tình trạng lãng phí nguồn đất đai.

Ngoài ra, đại biểu Khương Thị Mai đề nghị xây dựng hệ thống công nghệ thông tin về đất đai đến từng thửa đất, phục vụ thực hiện nghiệp vụ hành chính công, là công cụ kết nối liên thông giữa cơ quan đăng ký đất đai và cơ quan thuế trong việc cung cấp thông tin, xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai đồng bộ từ trung ương đến địa phương.

Trong khi đó, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu) đặt vấn đề trong khi việc quản lý sử dụng đất, nguồn gốc từ nông, lâm trường còn bất cập thì rất nhiều hộ gia đình, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số đang trong tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất…

“Nếu được quan tâm giải quyết vấn đề trên thì cũng là một trong những nội dung sẽ góp phần rất quan trọng trong việc thực hiện có hiệu quả đối với các Chương trình Mục tiêu Quốc gia,” đại biểu đoàn Bạc Liêu nói.

Tăng cường tính răn đe trong thực thi Luật Đất đai

Qua đánh giá báo cáo của Đoàn Giám sát của Quốc hội cho thấy công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về đất đai còn hạn chế. Việc quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản, tài nguyên nước chưa thật sự bền vững và hiệu quả, còn tình trạng khai thác quá mức, ảnh hưởng lớn đến yếu tố bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Đồng tình với đánh giá này, đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hóa) thông tin tình trạng vi phạm pháp luật quản lý đất đai xảy ra phổ biến trong hoạt động chủ yếu như giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi giải phóng mặt bằng, tái định cư, nhất là quản lý quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất.

Để khắc phục những bất cập, đại biểu đoàn Thanh Hóa đề nghị tăng cường hơn nữa tính răn đe trong việc thực thi pháp luật đất đai thông qua việc kiểm tra, thanh tra toàn diện, thường xuyên hơn, kể cả công tác kiểm tra trước khi tổ chức thực hiện nghiên cứu, xem xét để bổ sung các cơ quan kiểm tra, thanh tra, giám sát đất đai quốc gia trực thuộc cơ quan trung ương đóng tại địa phương…

“Cử tri tha thiết đề nghị đã đến lúc phải nhìn nhận đúng bản chất của nguồn gốc đất đai, nông, lâm trường để có một cuộc cách mạng thực chất hơn, để không lãng phí đất đai, giải phóng nguồn lực thực sự giải phóng sức sản xuất của người dân,” đại biểu đoàn Thanh Hóa cho hay.

Đại biểu Quốc hội: Ai sẽ chịu trách nhiệm về thất thoát, lãng phí? ảnh 2Đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. (Ảnh: TTXVN)

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Hồ Thị Minh (đoàn Quảng Trị) chỉ ra tình trạng nhiều dự án không đáp ứng yêu cầu ở nhiều địa phương, trong đó hàng loạt các lô đất vàng vẫn đang còn có những bất cập trong quản lý và sử dụng.

“Vậy tới đây sửa đổi Luật Đất đai có khắc phục được tình trạng này không? Các Bộ, ngành có phối hợp để phân tích thấu đáo và giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở lĩnh vực quản lý đất đai hay không?” đại biểu đoàn Quảng Trị đặt câu hỏi.

Với việc đầu tư xây dựng, sử dụng quản lý các trụ sở cơ quan nhà nước, đại biểu Hồ Thị Minh cho rằng, có một số công trình tuy vẫn sử dụng tốt nhưng cơ quan, địa phương vẫn bỏ hoang hoặc đập bỏ để xây mới, hoặc có những trường hợp không cộng tác trong việc chuyển giao cho chính quyền địa phương.

Do vậy, bà đề nghị Chính phủ, Bộ, ngành cần rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để nhìn nhận rõ những bất cập, chồng chéo, qua đó sửa đổi để đảm bảo việc sử dụng hợp lý trụ sở, chuyển giao theo đúng quy định phải thực hiện thường xuyên, liên tục, chứ không phải chỉ làm tốt sau những kỳ giám sát./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục