Đại biểu Quốc hội: Dự án đầu tư không hiệu quả thì ‘đau cũng phải cắt’

Về việc lựa chọn các dự án trọng điểm, đại biểu cho rằng Quốc hội cần cân nhắc xem dự án có thực sự phục vụ mục tiêu phát triển không. Nếu dự án không thể vận hành thì 'đau cũng phải cắt.'
Đại biểu Quốc hội cho rằng cần tập trung đầu tư các dự án trọng điểm, ưu tiên đầu tư những khu vực đang có động lực tăng trưởng. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Đại biểu Quốc hội cho rằng cần tập trung đầu tư các dự án trọng điểm, ưu tiên đầu tư những khu vực đang có động lực tăng trưởng. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Tại cuộc thảo luận tổ sáng 24/7 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm đến các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho việc giải ngân nguồn vốn, ngân sách Nhà nước và chia sẻ nhiều ý kiến đóng góp cho kế hoạch đầu tư.

Mạnh tay cắt bỏ dự án không hiệu quả

Đại biểu Vũ Anh Tuấn (tỉnh Phú Thọ) cho rằng trong Chương trình mục tiêu quốc gia vẫn có tình trạng đọng vốn, triển khai dự án chậm dẫn đến đầu tư không hiệu quả. Bên cạnh đó, có 12 dự án Chính phủ xin ý kiến Quốc hội cho phép kéo dài sang giai đoạn 2021-2025, thực chất là chuyển bội chi từ giai đoạn trước sang giai đoạn sau.

“Chúng ta vẫn gọi đây là 12 dự án thua lỗ của ngành công thương nhưng đến nay đây không chỉ là dự án của ngành công thương nữa mà là dự án Quốc gia. Qua đây, cần thấy rằng phải hạn chế đầu tư dàn trải, xác định đâu là những dự án trọng điểm Quốc gia để dành nguồn lực cụ thể cho những dự án đó. Từ đó, Quốc hội mới có thể nhìn được rõ kinh phí, nguồn lực cho dự án là bao nhiêu,” ông cho biết.

[Kiến nghị kéo dài 12 dự án đầu tư công có tổng vốn gần 4.119 tỷ đồng]

Thực tế, khi làm kế hoạch, địa phương nào, ngành nào cũng muốn được bố trí vốn nhưng số dự án được duyệt thì có hạn, bởi vậy đại biểu Vũ Tuấn Anh cho rằng Quốc hội cần cân nhắc xem dự án có thực sự phục vụ mục tiêu phát triển không.

Đại biểu Quốc hội: Dự án đầu tư không hiệu quả thì ‘đau cũng phải cắt’ ảnh 1Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ Vũ Tuấn Anh thảo luận tại tổ. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Ông cho rằng có những công trình kéo dài nhiều năm do vướng giải phóng mặt bằng, thủ tục, có công trình khởi công rồi nhưng không hoàn thiện, dẫn đến viêc khi được bố trí vốn thì phần làm trước đó đã hỏng rồi, lại phải thêm kinh phí sửa chữa cho đồng bộ với phần làm sau. Từ đó, theo ông cần bố trí vốn tập trung, thi công dứt điểm, nhanh chong đưa công trình vào sử dụng đồng thời cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng, tiến độ công trình và việc thực hiện tổ chức sử dụng nguồn vốn.

Đại biểu Đôn Tuấn Phong (tỉnh An Giang) ủng hộ quyết định đầu tư có lựa chọn, có trọng tâm, tránh trường hợp dàn trải, đầu tư nhỏ giọt.

“Vấn đề là tiến độ giải ngân rất chậm. Ngân sách có sẵn không đầu tư đã là lãng phí, nhưng cả vốn vay vẫn giải ngân chậm thì lại càng lãng phí hơn. Tiến độ giải ngân cần thúc đẩy quyết liệt như tinh thần của Chính phủ trong thời gian vừa qua,” ông chia sẻ.

Theo ông, với các đại dự án thua lỗ, kéo dài thì Chính phủ cần giải quyết rốt ráo.

“Dự án nào có thể đầu tư thêm thì tập trung rót vốn để nhanh chóng hoàn thành, nhưng dự án nào thực sự không thể vận hành được thì ‘đau cũng phải cắt’ nếu không tình trạng thua lỗ kéo dài, sẽ càng xót xa hơn,” ông Phong chia sẻ.

Kiến nghị về việc lựa chọn dự án đầu tư công, ông Phạm Đại Dương, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên, cho rằng cần lựa chọn những dự án thận trọng, hiệu quả ưu tiên đầu tư những khu vực đang có động lực tăng trưởng, có khả năng di dời, đầu tư nhanh, tạo ra lợi nhuận tái đầu tư cho các dự án khác. Đầu tư dàn trải sẽ tạo nên gánh nặng cho ngân sách, cho xã hội.

“12 dự án nghìn tỷ ‘đắp chiếu’ là minh chứng rõ nhất cho việc đầu tư nóng vội, đầu tư dàn trải, không sát với nhu cầu thực tế, không hiệu quả, cần dứt khoát thu hồi vốn, có kế hoạch sử dụng nguồn vốn này hợp lý hơn,” ông nói.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, đại biểu đoàn Thanh Hóa, đồng tình cho rằng quá nhiều công trình lớn dang dở trong nhiều năm là sự lãng phí rất lớn trong khi đó nhiều dự án cần vốn thì lại không được đầu tư.

Phân tích vấn đề này, theo ông Dung, chúng ta đang dựa chủ yều vào nguồn lực Nhà nước trong khi đó còn những dư địa lớn nhưng không được khai thác đúng mực (như các quỹ đầu tư lớn), nguồn lực trong nhân dân và doanh nghiệp lớn nhưng được huy động.

“Kinh tế tư nhân chưa được giải phóng đúng nghĩa, chưa trở thành động lực cho sự phát triển của xã hội, chúng ta không thể chỉ dựa vào ngân sách Nhà nước,” ông nói.

Khơi thông nguồn lực đang "đắp chiếu"

Đại biểu Đào Ngọc Dung kiến nghị Quốc hội cần giải phóng về cơ chế, bắt đầu từ cơ chế lợi ích, không chỉ là lợi ích kinh tế mà còn ở lợi ích về mặt xã hội.

Giải thích cụ thể hơn, ông cho rằng cần nhìn nhận rõ vai trò của doanh nghiệp trong cuộc chiến chống COVID-19. Nếu không có các tập đoàn, doanh nghiệp nhanh chóng hỗ trợ Quỹ Vaccine, máy móc, thiết bị y tế như máy thở, bộ xét nghiệm thì chắc chắn việc chống dịch không thể đạt được kết quả như hiện nay.

“Việc mua máy móc nếu làm theo quy định thì phải đấu thầu. Chúng ta hiểu rõ cơ chế này sẽ tốn thời gian nhưu thế nào. Doanh nghiệp đã có sự đóng góp lớn, không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn vì đóng góp cho xã hội chính là ở điểm này,” ông phân tích.

Đại biểu Quốc hội: Dự án đầu tư không hiệu quả thì ‘đau cũng phải cắt’ ảnh 2Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Từ đó, ông Dung đặt ra vấn đề cần huy động nguồn lực doanh nghiệp, nguồn lực xã hội, cần khơi thông những nguồn lực đang “đắp chiếu” như đất đai, nhà cửa bỏ không…

“Ngay tại Thủ đô, có những dự án biệt thự hoang phế hàng chục năm, đó là nguốn lực đang bị lãng phí. Đất đai nông lâm trường rộng lớn, đặc biệt là ở Tây Nguyên, nhưng lại ‘phát canh thu tô,’ không khai thác được, gây thất thu ngân sách. Tôi nghĩ phải chấm dứt tình trạng này,” ông nói.

Đại biểu so sánh việc giải phóng về cơ chế cũng giống như “cởi trói,” kích thích mạnh nguồn lực nội sinh ở trong nhân dân và khối kinh tế tư nhân.

Ông khẳng định cần phải giải cứu doanh nghiệp. Trong 6 tháng qua, có 70.200 doanh nghiệp phải giải thể do dịch COVID-19 nhưng những doanh nghiệp vừa và nhỏ đang “ngắc ngoải” thì còn rất nhiều.

“Tôi cho rằng muốn xã hội phát triển, tăng trưởng kinh tế thì phải cứu doanh nghiệp,” ông nói.

Ông cho rằng Quốc hội cần phải căn cơ, cùng Chính phủ rà soát lại toàn bộ vướng mắc về thể chế, ban một luật để sửa nhiều luật, tránh việc luật sau trói luật trước, luật ngành này kìm hãm ngành kia như hiện nay.

Đại biểu Quốc hội: Dự án đầu tư không hiệu quả thì ‘đau cũng phải cắt’ ảnh 3Tiếp tục Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, sáng 24/7 các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. (Ảnh: TTXVN)

Kiến nghị về vấn đề đầu tư công, ông Dung cho rằng cần bổ sung thêm hạng mục về an sinh xã hội, cụ thể là đào tạo nguồn nhân lực, nâng cấp cơ sở hạ tầng cho đối tượng bảo trợ xã hội như người già, trẻ em, người tâm thần, người nhiễm chất độc hóa học, các cơ sở cai nghiện ma túy…

“Chúng ta dứt khoát không đánh đổi tiến bộ, công bằng xã hội lấy phát triển kinh tế đơn thuần,” ông khẳng định.

Đại biểu Phạm Đại Dương cũng kiến nghị Nhà nước cần tập trung vào các chính sách an sinh xã hội bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ những người bị mất việc, trợ cấp người nghèo, mất kế sinh nhai.

“Đó là những việc cần ưu tiên hàng đầu, cần tập trung nguồn lực để thực hiện nhanh chóng. Các chính sách hỗ trợ cần bao phủ nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, lao động trình độ thấp, lao động phi chính thức nhưng chiếm tỷ trọng lớn. Họ có thu nhập thấp, là những người chịu tác động nặng nề nhất của dịch bệnh,” đại biểu chia sẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục