Sáng nay 30/10, Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015. Bên lề Quốc hội, đa số đại biểu Quốc hội bày tỏ sự đồng tình với những nội dung trong báo cáo của Chính phủ, đồng thời lưu ý Chính phủ về các vấn đề nợ công, nợ xấu, tái cơ cấu và sử dụng nguồn vốn vay ODA.
Bà Lê Thị Nga, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (đại biểu đoàn Thái Nguyên): Cần ban hành luật quản lý sử dụng vốn ODA
Để hạn chế nợ công, nguyên tắc đầu tiên là không vay ODA để chi thường xuyên. Qua 20 năm chúng ta đã thu hút được 78 tỷ USD, trung bình khoảng hơn 3 tỷ USD/năm. Chính phủ đã rất nỗ lực đưa nguồn vốn này vào phát triển kinh tế xã hội, nhiều dự án công được xây dựng bằng nguồn vốn này. Tuy nhiên, thực tế phát sinh nhiều bất cập gây thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong nhiều dự án ODA, đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công trình, làm mất đi uy tín của Việt Nam đối với nhà tài trợ.
Đã có một số vụ án lớn xảy ra nhưng lại do phía nước ngoài phát hiện vụ việc. Những vụ vi phạm lớn lại chủ yếu được phát hiện bởi phía nước ngoài. Chúng tôi cũng rất hoan nghênh việc xử lý khẩn trương của Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải, Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao về vụ JTC đường sắt vừa qua. Đây cũng là minh chứng cho quan điểm, thái độ nghiêm túc của Nhà nước Việt Nam trong xử lý sai phạm ODA.
Chủ trương sử dụng nguồn vốn ODA đã được điều chỉnh, tuy nhiên các quy định còn mang tính nguyên tắc, chưa ngăn được xin-cho. Đáng lưu ý pháp lý về ODA đã bộc lộ hai bất cập là Quốc hội – người chịu chịu trách nhiệm cao nhất về nợ công và người dân phải đóng thuế thì gần như đứng ngoài về ODA. Tôi đề nghị Quốc hội ban hành luật quản lý sử dụng vốn ODA, công khai minh bạch toàn bộ số vốn, các dự án…
Bất cứ quốc gia nào nếu phụ thuộc lâu dài vào ODA sẽ là thất bại. Hiện việc phân bổ ODA của ta dàn trải, thiếu trọng tâm trọng điểm, không kích thích được nội lực sẽ tạo tâm lý trông chờ ỷ lại.
Kinh nghiệm của thế giới cho thấy, họ luôn sử dụng ODA có chọn lựa. Chính phủ các nước chỉ vay vào đầu tư hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, không vay để đầu tư vào những dự án nhỏ lẻ càng không vay đầu tư vào những siêu dự án, và họ cũng lên kế hoạch chấm dứt vay ODA trong một tương lại không xa.
Đề nghị Quốc hội phải thực hiện giám sát tối cao và ban hành luật về ODA, kiểm soát việc sử dụng, chống lãng phí, sử dụng có chọn lọc, đồng thời hạn chế, tiến tới chấm dứt ODA trong một tương lai không xa.
Ông Trần Du Lịch (Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh): Cần minh bạch thế nào chi đầu tư và thế nào chi thường xuyên
Đối với vốn vay ODA, tôi đồng tình với các đại biểu khác không thể vay ODA để chi thường xuyên, nhưng hiện nay khái niệm của Việt Nam về chi đầu tư và chi thường xuyên cần phải xem lại. Chúng ta xây trụ sở cơ quan, chi đầu tư, tiêu dùng trong khi đầu tư cho giáo dục nhưng lại gọi là chi thường xuyên, nên nguyên tắc hiệu quả không cao. Chi đầu tư, kể cả hạ tầng vật chất và giáo dục cần xem đó là đầu tư. Cần minh bạch thế nào chi đầu tư và thế nào chi thường xuyên.
Còn đối với nợ trong nước thì theo tôi không có gì xấu cả kể cả doanh nghiệp và nhà nước, việc thoái nợ sử dụng có hiệu quả, sinh lời, đặc biệt tính toán dòng tiền phấn đấu giải quyết được, thì vay nợ không có gì là xấu. Trong điều kiện nền kinh tế nước ta nếu chỉ tích luỹ để đầu tư mà không vay nợ thì sẽ không hiệu quả.
Mà vấn đề của ta là sử dụng nợ không có hiệu quả, đầu tư tràn lan ngoài ngành, hiện đang đứng trước vấn đề là nợ phải trả hàng năm đang lên ngưỡng báo động, ngưỡng so với nợ phải trả , hiện ta đang vướng là phải vay để đáo nợ, đây là vấn đề cần phải tính toán.
Cần lư ý là việc sử dụng nợ thế nào và năng lực sức mạnh kinh tế, hiệu quả kinh tế là vấn đề cần phải quan tâm.
Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre): Tình trạng tái cơ cấu còn chậm
Tôi đồng tình với báo cáo của Chính phủ nhưng tôi thấy chưa thực sự yên tâm khi kinh tế phục hồi, tái cơ cấu còn chậm so với yêu cầu phát triển; thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược chưa đạt như mong muốn; khả năng hấp thu vốn của nền kinh tế còn yếu; việc làm là sức ép lớn, thiên tai, tội phạm đang là thách thức thật sự…
Theo tôi, Chính phủ cần tập trung giải quyết xử lý bất cập sau cho năm 2015 như nợ công, vấn đề chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển, trả nợ...
Về nợ xấu và quản lý nợ xấu: Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) sau hơn một năm hoạt động đã mua 95.000 tỷ đồng; ngân hàng cũng đã tự trích lập 78.000 tỷ đồng xử lý nợ xấu, đây là nỗ lực lớn của hệ thống ngân hàng dồn sức xử lý từ nội lực của mình đáng trân trọng.
Tuy nhiên, điểm thắt của vấn đề là thiếu nguồn lực, thiếu hỗ trợ từ ngân sách, thiếu cơ sở pháp lý cần thiết về mua bán nợ xấu. Chính phủ nên quan tâm 2 nút thắt để xử lý nợ xấu.
Ngoài ra, Chính phủ cần phân định rõ những lĩnh vực nào cần giữ quyền chi phối để tăng cường đầu tư, lĩnh vực nào không cần giữ quyền phi phối thì không cần đầu tư, có thể bán để tạo nguồn lực quốc gia, tránh trường hợp báo lỗ để mất dần nguồn vốn của Nhà nước, cơ quan quản lý vốn Nhà nước có trách nhiệm trong vấn đề này, tham mưu xác đáng hơn nữa cho Chính phủ./.