Đại biểu Quốc hội lo giám sát quyền lực tại các đặc khu lỏng lẻo

Vấn đề giám sát ra sao để tránh lạm dụng quyền lực với Trưởng đặc khu hành chính kinh tế là vấn đề không ít đại biểu Quốc hội tỏ ra băn khoăn.
Đại biểu Quốc hội lo giám sát quyền lực tại các đặc khu lỏng lẻo ảnh 1Vân Đồn (Quảng Ninh) là một trong 3 đặc khu hành chính kinh tế trong dự thảo luật vừa được trình Quốc hội (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Nhiều đại biểu Quốc hội tỏ ra đồng tình với phương án tổ chức chính quyền địa phương tại các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt theo thiết chế trưởng đơn vị thay vì Ủy ban Nhân dân và Hội đồng Nhân dân. Tuy nhiên, vấn đề giám sát ra sao để tránh lạm dụng quyền lực với vị lãnh đạo các đặc khu này là vấn đề còn không ít băn khoăn.

[Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Đặc khu hành chính để tạo sân chơi mới]

Lo sợ lạm quyền, giám sát đầy đủ

Thẳng thắn đi vào vấn đề, đại biểu Giàng A Chu (đoàn Yên Bái) đặt ra câu hỏi nếu không có cấp chính quyền thì cách gọi như nào? Nếu không có cấp chính quyền thì phải có Ủy ban hành chính hay Ủy ban đặc khu.

Cho rằng cần phải kiểm soát để tránh quyền lực tập trung cho Trưởng đặc khu, đại biểu Nguyễn Văn Quyền (đoàn Cần Thơ) tỏ ra băn khoăn về mô hình tổ chức khi giao trưởng đặc khu làm toàn bộ công việc Ủy ban Nhân dân cấp huyện để lại, chưa kể việc của Thủ tướng và các bộ ban ngành.

Do đó, ông Quyền nghi ngờ và lo lắng không nên giao quá nhiều việc về quản lý hành chính bởi khi có việc gì xảy ra thì các bộ, ngành khó có thể can thiệp. Vì thế, ông kiến nghị nên rà soát ủy quyền quyền lực đến đâu, đặc biệt là lĩnh vực trật tự an ninh quốc phòng chỉ nên giao ở một mức độ nhất định đối với đặc quyền của Trưởng đặc khu kinh tế.

Đặc biệt, cơ cấu bộ máy tổ chức, giám sát các chính quyền đặc khu kinh tế cũng là vấn đề gây tranh cãi giữa các đại biểu Quốc hội khi nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Theo đại biểu Nguyễn Trường Giang, đoàn Đăk Nông, nếu một bộ máy giống các địa phương khác như hiện nay thì không cần ban hành luật đơn vị hành chính. Nhưng do sự khác biệt về hành chính, đặc khu cần có luật quy định riêng và một trong những yêu cầu quan trọng nhất là tính chất hành chính phải gọn nhẹ, năng động của người đứng đầu.

Nhìn nhận việc trao quyền cho người đứng đầu đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt nhưng vẫn cần giám sát người dân, cơ quan đại diện, tuy nhiên đại biểu Giang cho rằng việc tổ chức của cơ quan giám sát này đảm bảo gọn nhẹ linh hoạt hiệu quả trong việc thể hiện ý chí của người dân.

Ở chiều ngược lại, đại biểu Trần Hồng Nguyên (đoàn Bình Thuận) lại đưa ra quan điểm có quá nhiều hình thức giám sát nhưng lại tỏ ra yên tâm dù không có mô hình Hội đồng Nhân dân hay Ủy ban Nhân dân.

Tuy nhiên, bà Nguyên cũng như một số đại biểu Quốc hội khác lại cho rằng, Chính phủ cần phải chọn lựa người có tài, có tầm cho chức danh Trưởng đặc khu kinh tế để quán xuyến công việc. Các vị trí phó cũng cần được giới thiệu mà không nên giao cho người đứng đầu đặc khu bổ nhiệm.

Về quá trình miễn, bổ nhiệm chức danh người đứng đầu đặc khu, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) đề xuất Thủ tướng bổ nhiệm theo đề nghị của Hội đồng Nhân dân tỉnh, nhưng việc miễn nhiệm, thay đổi thuyên chuyển Thủ tướng có thể tự quyết hoặc theo đề nghị các bộ ngành Trung ương vì nếu Chủ tịch tỉnh không quyết thì Thủ tướng không ký.

Cho rằng qua trao đổi thì người đúng đầu các bộ, ngành than phiền sẽ bị loại ra khỏi thẩm quyền giám sát nếu thành lập Trưởng đặc khu, ông Nghĩa nói, các bộ ngành Trung ương chịu trách nhiệm lợi ích quốc gia nhưng chiểu theo quy định dự thảo thì các bộ, ngành Trung ương không có thẩm quyền với đặc khu này.

“Nếu ta không thiết kế kiểm soát nguồn lực một cách kết hợp thì quá lỏng lẻo,” ông Nghĩa nói.

Làm không khéo, các đặc khu chỉ hướng tới casino

Một vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm là quy hoạch ra sao với các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. Đại biểu Giàng A Chu, đoàn Yên Bái cho rằng, các đặc khu đều phải bắt nguồn từ quy hoạch để định hướng không gian phát triển, tránh phá vỡ cảnh quan môi trưởng thiên nhiên.

Nhấn mạnh đây là khâu quan trọng, vị đại biểu quốc hội này cho rằng, cần lập hội đồng bao gồm chuyên gia trong nước và quốc tế về vấn đề này. Đây là nội dung theo ông chưa được dự thảo nhấn mạnh.

Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê, đoàn Thành phố Hồ Chí Minh nói cụ thể hơn về việc này. Theo ông, nếu làm không khéo và không rõ ràng đặc trưng của từng đặc khu thì có thể khiến cử tri hiều là 3 đặc khu này chỉ để hợp pháp hóa cho kinh doanh casino tại đây.

“Vậy nên, các đặc khu cần đặc trưng rêing, gắn kết lan tỏa ra sao chứ không thể hiểu, 3 khu đều hướng tới casino, đó có phải là nguồn thu tiêu biểu không. Cần xem xét kỹ lưỡng để làm sao thể hiện được sự đặc trưng,” đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê lên tiếng.

Ở hướng khác, ông Nghĩa cũng dẫn dự thảo vừa trình Quốc hội có nêu việc Ủy ban Nhân dân tỉnh có thể cấp quyền sử dụng đất cho các dự án không quá 70 năm, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định với dự án trên 70 năm và không quá 99 năm.

Tuy nhiên, vị đại biểu này cho rằng, đây là vấn đề cần xem lại và việc cấp phép nên làm kỹ. Ông đề xuất, tỉnh chỉ cấp phép với dự án có thời gian sử dụng đất dưới 50 năm trên cơ sở thống nhất ý kiến bộ, ngành Trung ương. Các dự án có thời gian sử dụng 50-70 năm, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết và từ 70-99 năm thì phải là Quốc hội.

Ngoài ra, riêng với điều kiện nhà đầu tư chiến lược vào các đặc khu này, ông Nghĩa cũng cho rằng, điều kiện hiện tại là thấp. Theo ông, các dự án có quy mô vốn 6.000 tỷ đồng tức là khoảng 300 triệu USD cũng có thể trong diện này. Ông đặt vấn đề, nếu nhà đầu tư xây 1 cây cầu 300 triệu USD, khai thác 10-15 năm rồi bán cho các đơn vị khác tiếp quản thì sẽ quản lý ra sao.

Còn với đại biểu Đỗ Thị Lan, đoàn Quảng Ninh, bà cho rằng, cần phải làm rõ sự đảm bảo hỗ trợ của Nhà nước về cơ chế nguồn lực. Bà lấy ví dụ về đặc khu kinh tế Thẩm Quyến, nhờ có sự hỗ trợ của Nhà nước giai đoạn đầu mà có tới 48% dự án đầu tư tốt, tạo động lực phát triển.

Từ đó, bà đề nghị cơ cơ chế ngân sách để đầu tư hạ tầng đơn vị hành chính trong những năm đầu và mong có quy định rõ chính sách này./.

Một số nội dung đáng chú ý trong dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với 3 đặc khu Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang):

- Cho phép lựa chọn áp dụng pháp luật nước ngoài, tập quán quốc tế đối với hợp đồng dân sự, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài.
- Cho phép nhà đầu tư được lựa chọn giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh tại đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, trong đó có ít nhất một bên là nhà đầu tư nước ngoài tại tòa án nước ngoài.
- Cho phép thời hạn sử dụng đất tối đa là 99 năm đối với các dự án trong một số lĩnh vực và các ngành, nghề ưu tiên phát triển của từng đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.
- Thực hiện miễn thị thực với thời gian tạm trú không quá 60 ngày và cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài.
- Áp dụng mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dịch vụ kinh doanh casino, đặt cược thấp hơn mức thuế suất hiện hành trong 10 năm.
Đại biểu Trần Đình Gia, đoàn Hà Tĩnh nói về việc thành lập các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục