Sáng nay, 20/6, Hội trường Quốc hội tiếp tục “nóng” với nhiều ý kiến của các đại biểu xung quanh câu chuyện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội và điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội.
Cần xử lý chung cư, nhà ống
Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội bày tỏ quan tâm đến vấn đề phát triển trục sông Hồng, để sông Hồng thực sự là trung tâm phát triển của Thủ đô, có sự phân bố hài hòa các không gian sinh thái, văn hóa, lịch sử đô thị hiện đại.
Đại biểu đồng tình với các định hướng, giải pháp thành phố đưa ra trong cải tạo chung cư cũ, đặc biệt cấp thiết trong tình hình cháy nổ đang xảy ra hết sức nghiêm trọng hiện nay, hay giải quyết các dòng sông ô nhiễm, các vấn đề về rác thải, nước thải. “Giải quyết vấn đề ô nhiễm, các đề án đặt mục tiêu đến năm 2035 Hà Nội cơ bản giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm dòng sông, tôi thấy rất ấn tượng,” đại biểu nói.
Về cải tạo chung cư cũ, đại biểu cho rằng đây là vấn đề cấp thiết, bức xúc cần sớm được thực hiện. Bên cạnh đó, vấn đề quy hoạch lại thành phố cần chú ý có đường rộng, có đường thoáng khi xảy ra sự cố cháy nổ, sự cố nghiêm trọng.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng đặt vấn đề phải làm sao để không còn nhà ống ở Hà Nội: “Chúng ta đã trải qua mấy thập kỷ nhà ống, đến bây giờ rất khó để xử lý và sửa chữa. Nhân đợt này chúng ta hạn chế dần để không có nhà ống mới và quy hoạch lại để thay đổi,” đại biểu nhấn mạnh.
Góp ý về hệ thống giao thông giao đường trên cao, đại biểu đề nghị chỉ phát triển ở ngoài, còn trong phố đông đúc như phố cổ, phố nhiều nhà cao tầng hiện đại cần hạn chế tối đa. Bởi nếu làm đường trên cao sẽ khiến giảm tầm nhìn, làm xấu đi các tuyến phố…
Trong khi đó, đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn đại biểu Quốc hội Vĩnh Phúc kiến nghị cần bổ sung báo cáo đánh giá sau 12 năm thực hiện Quyết định số 1259/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, để từ đó thấy được những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm cho công tác lập, điều chỉnh quy hoạch.
Theo đại biểu hiện tại, điều chỉnh Quy hoạch chung được lập theo Luật Quy hoạch đô thị, trong khi Chính phủ đang trình Quốc hội cho ý kiến về Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn để thay thế Luật Quy hoạch đô thị. Đại biểu đề nghị tư vấn thực hiện điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô phải bám sát Quy hoạch Thủ đô và dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn để không xảy ra tình trạng Quy hoạch chung mới được điều chỉnh, lại phải điều chỉnh theo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.
Các quận nội thành là Thủ đô Hà Nội?
Đại biểu Nguyễn Văn Thân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đề xuất có mô hình Thủ đô trong Thành phố Hà Nội. Có nghĩa là các quận nội thành là Thủ đô Hà Nội, còn toàn bộ Hà Nội là Thành phố Hà Nội gồm tất cả các quận nội thành và những khu vực khác.
Theo đại biểu, mô hình này nhiều nước đã làm và kiến nghị: “Ở trong các quận nội thành thì Thủ đô phải là trung tâm chính trị, văn hóa chứ không phải là trung tâm chính trị, kinh tế. 36 phố phường cần phải giữ nguyên hiện trạng, kiên quyết không xây nhà cao tầng ở nội đô.”
Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội cho rằng Quy hoạch Thủ đô không chỉ là quy hoạch cho một địa phương, mà là quy hoạch cho Thủ đô của cả nước. Do đó, ở đây cần hội đủ mọi yếu tố và mang tính đại diện cho sự phát triển quốc gia.
Đại biểu Hà Nội nêu ba vấn đề cốt lõi cần quan tâm trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch. Thứ nhất, cần tập trung giải quyết vấn đề giao thông ùn tắc. Đây cũng chính là “nút thắt” lớn nhất của Thủ đô hiện nay. Trong đó, trọng tâm là đầu tư xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị thành một hệ thống mạng lưới đủ khả năng kết nối giao thông giúp người dân có thể di chuyển tới bất kể địa điểm nào trong Hà nội. Từ đó các phương tiện giao thông cá nhân sẽ tự động được thay thế, đồng thời giải quyết được phần nào tình trạng ô nhiễm môi trường.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, khi mạng lưới đường sắt đô thị phát triển sẽ kết nối với các vùng ngoại thành, tự động sẽ giãn các hoạt động kinh tế đang tập trung ở nội đô ra phát triển ở những vùng đô thị mới. Khi hệ thống đường sắt kết nối với các tỉnh như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam sẽ biến các địa phương đó gần như trở thành đô thị vệ tinh, tạo ra kết nối phát triển, đồng thời cũng phân tán sự tập trung.
Luật Thủ đô sửa đổi sắp thông qua được kỳ vọng mở ra “kỷ nguyên mới” cho Hà Nội
Bên lề nghị trường, các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ kỳ vọng Hà Nội sẽ sớm bước sang “kỷ nguyên mới” sau khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua trong kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV này.
“Phát triển hệ thống không gian ngầm bên dưới trở thành những khu thương mại dịch vụ, khu phố ngầm và trên mặt đất là không gian trống để phát triển cây xanh, phát triển công cộng. Đấy mới là hình ảnh của đô thị văn minh, hiện đại chứ không thể tồn tại những khu chung cư cũ, những khu nhà phố chật chội như hiện nay. Tôi cho rằng việc này không cần tốn tiền, nếu chúng ta có đường sắt rồi thì tự các nhà đầu tư sẽ bỏ tiền ra cải tạo được các đô thị,” đại biểu nói.
Thứ hai, đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất việc đầu tư xây dựng hệ thống thu gom nước thải tách rời khỏi hệ thống nước mưa và xây dựng, bố trí những khu vực xử lý nước thải cục bộ, nước thải tập trung để khi nước thải sinh hoạt từ thành phố xả ra môi trường sẽ trở thành nước sạch, hạn chế ô nhiễm.
Thứ ba, “cần có cơ chế hỗ trợ người dân khu vực phố cổ cải tạo, chỉnh trang khu vực này, thực hiện cơ chế không thu hồi nhà của người dân, nhưng vẫn hỗ trợ về chỗ ở. Nếu được hỗ trợ như vậy, tự những người dân sẽ dành không gian này trở thành không gian kinh doanh dịch vụ, thương mại. Tài sản của họ, họ có thể tự sản xuất, kinh doanh hoặc cho nhà đầu tư khác vào đầu tư, cải tạo trở thành điểm lưu trú, kinh doanh ăn uống. Từ đó sẽ phát triển được không gian ‘kinh tế đêm’ cho Hà Nội, không phải chỉ quanh khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm như hiện nay mà cả khu vực phố cổ, khu vực Hồ Tây...,” đại biểu nhấn mạnh./.