Đại diện cuối của phong trào Thơ Mới Nguyễn Xuân Sanh qua đời

Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh - một nhà thơ lớn, một dịch giả thơ tài hoa, đại diện cuối cùng của phong trào Thơ Mới (1930-1945) đã qua đời ngày 22/11 tại Hà Nội, hưởng thọ 100 tuổi.
Đại diện cuối của phong trào Thơ Mới Nguyễn Xuân Sanh qua đời ảnh 1Vợ Chồng nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh. (Nguồn: cand.com.vn)

Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh - một nhà thơ lớn, một dịch giả thơ tài hoa, đại diện cuối cùng của phong trào Thơ Mới (1930-1945) đã qua đời ngày 22/11 tại Hà Nội, hưởng thọ 100 tuổi.

Mới đây, ngày 9/11, Hội Nhà văn Việt Nam vừa tổ chức chúc thọ nhà thơ tròn 100 tuổi nhưng vì lý do sức khỏe, ông không thể đến dự.

Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh sinh ngày 16/11/1920, tại Đà Lạt. Cha ông là một nhà nho ở Quảng Bình, di cư vào Đà Lạt và nhà thơ đã ra đời ở đó.

Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh học trung học và đại học ở Hà Nội. Ông đã sớm làm thơ, năm 16 tuổi ông đã có truyện thơ “Lạc loài” đăng nhiều kỳ trên báo.

Năm 1939, ông và các văn nghệ sỹ cùng chí hướng sáng tạo, gồm các nhà văn, nhà thơ: Phạm Văn Hạnh, Nguyễn Lương Ngọc, họa sỹ Nguyễn Đỗ Cung và nhạc sỹ Nguyễn Xuân Khoát thành lập nhóm “Xuân Thu nhã tập.”

Đến tháng 6/1942, nhóm đã xuất bản được tập sách cùng tên là “Xuân Thu nhã tập” (do Xuân Thu thư lâu xuất bản), gồm một số bài thơ, văn xuôi triết lý và tuyên ngôn nghệ thuật của nhóm.

[Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh - người tạo cho thơ sức lôi cuốn kỳ ảo]

Trước Cách mạng tháng Tám (1945), nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh tham gia phong trào sinh viên yêu nước. Trong kháng chiến chống Pháp, ông tham gia Đoàn văn nghệ liên khu IV, phụ trách tạp chí Sáng tạo. Từ năm 1950, ông ra Việt Bắc tham gia Ban chấp hành Hội Văn nghệ Việt Nam và Tiểu ban Văn nghệ của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ khi thành lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957), ông lần lượt được cử làm Ủy viên Ban chấp hành hội các khóa I, II và III. Từ năm 1966 đến 1975, ông làm Hiệu trưởng Trường Bồi dưỡng những người viết văn Trẻ và Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch...

Ngoài tác phẩm văn xuôi “Anh hùng Trần Đại Nghĩa” nhận giải thưởng ngoại hạng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1951, nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh còn là tác giả của nhiều tập thơ: “Chiếc bong bóng hồng” (1957), “Tiếng hát quê ta” (1958), “Nghe bước xuân về” (1961), “Quê biển” (1966), “Đảo dưa đỏ” (1974), “Đất nước và lời ca” (1978), “Tuyển tập Nguyễn Xuân Sanh” (1991), “Một vườn thơ năm châu” (1997), thơ văn xuôi “Đất thơm” (viết 1940-1945, in 1995)…

Đặc biệt, hai bài thơ của ông “Nhớ dừa” và “Cô giáo lớp em” của ông được đưa vào chương trình môn tiếng Việt phổ thông, gắn liền với nhiều thế hệ học sinh hơn 60 năm trước.

Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh còn dịch nhiều tác phẩm của nhà thơ các nước Ba Lan, Nga, Luxembourg, Pháp, Canada, Israel, Sénégal, Romania, Bulgaria, Đức... qua các tập thơ dịch: Thơ Victor Hugo (1986), Tuyển tập thơ Pháp (ba tập, 1989-1994), Toàn tập 11 tác phẩm của nhà thơ Thụy Điển Tomas Tranströmer (1995)...

Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh từng là Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam (khóa I), ông đã được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001./.

Đại diện cuối của phong trào Thơ Mới Nguyễn Xuân Sanh qua đời ảnh 2(Nhấp chuột để xem kích thước chuẩn)
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục