Đại diện hơn 100 nước dự Hội nghị quốc tế về di cư ở Maroc

Hội nghị quốc tế về di cư được tổ chức trong bối cảnh tình hình di cư toàn cầu vẫn diễn biến phức tạp với những điểm nóng mới nổi như biên giới Mexico-Mỹ và khủng hoảng di cư châu Âu chưa chấm dứt.
Đại diện hơn 100 nước dự Hội nghị quốc tế về di cư ở Maroc ảnh 1Người di cư Trung Mỹ tại khu vực ngoại ô Mexico City, Mexico, trong hành trình tới Mỹ ngày 10/11/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 5/12, Hội nghị cấp cao lần thứ 11 Diễn đàn toàn cầu về người di cư và phát triển (GFMD) đã khai mạc tại thành phố Marrakech của Maroc, với sự tham dự của đại diện hơn 100 quốc gia trên thế giới.

Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh tình hình di cư toàn cầu đang diễn biến ngày càng phức tạp với những điểm nóng mới nổi như biên giới Mexico-Mỹ và cuộc khủng hoảng di cư châu Âu chưa thực sự chấm dứt.

Với chủ đề "Tôn trọng cam kết quốc tế nhằm mở ra cơ hội phát triển cho tất cả người di cư," hội nghị năm nay được coi là một cơ hội cho cộng đồng người di cư toàn cầu nêu lên những vấn đề liên quan.

Hội nghị kéo dài 3 ngày, với sự tham dự của các bộ trưởng và quan chức của các quốc gia trên toàn thế giới, với mục đích tăng cường nhận thức và hợp tác về việc củng cố quan hệ giữa người di cư và sự phát triển.

GFMD, hiện do Maroc và Đức đồng chủ trì, là một diễn đàn tự nguyện, không chính thức, không ràng buộc, chào đón tất cả các nước thành viên và các quan sát viên Liên hợp quốc.

Hội nghị này cũng là bước chuẩn bị cho việc phê chuẩn Hiệp ước Toàn cầu về di cư, dự kiến sẽ diễn ra tại Marrakech vào ngày 10-11/12.

Hiệp ước Toàn cầu về di cư an toàn, có trật tự và thường xuyên đã được tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc, trừ Mỹ, thông qua hồi tháng Bảy vừa qua.

Hiệp ước đặt ra 23 mục tiêu đảm bảo di cư hợp pháp và quản lý dòng người di cư tốt hơn trong bối cảnh số người di cư trên toàn thể giới đã tăng lên mức 250 triệu người, tương đương 3% dân số toàn thế giới.

[Liên hợp quốc chỉ trích các nước rút khỏi Hiệp ước toàn cầu về di cư]

Các nước Hungary, Áo, Cộng hòa Séc, Ba Lan, Bulgaria và Australia đã công bố ý định rút khỏi hiệp ước này.

Hiệp ước ra đời trong bối cảnh làn sóng người di cư đổ tới châu Âu với quy mô lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, trong đó đa số trốn chạy khỏi các cuộc xung đột và nạn nghèo đói ở Trung Đông và châu Phi.

Đến nay lượng người di cư qua đường biển đã giảm rõ rệt, nhưng "dư chấn chính trị" do làn sóng này gây ra vẫn còn rất nặng nề tại EU.

Hiện hàng nghìn người di cư cũng đang trực chờ tại biên giới Mỹ và Mexico để tìm cơ hội xin tị nạn tại Mỹ, buộc Mỹ phải triển khai binh sỹ tới biên giới và tiến hành trấn áp mạnh tay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục