Đại sứ Julien Guerrier: Việt Nam-EU có những khát vọng chung

Tân Đại sứ EU tin rằng với kinh nghiệm lâu dài của EU về phát triển bền vững, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo và công nghệ hiện đại, EU có nhiều lợi thế để hỗ trợ Việt Nam.
Đại sứ Julien Guerrier: Việt Nam-EU có những khát vọng chung ảnh 1Tân Đại sứ Liên minh châu Âu Julien Guerrier trong buổi gặp gỡ báo chí. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Tân Đại sứ Liên minh châu Âu Julien Guerrier vừa nhận nhiệm kỳ mới tại Việt Nam và trình Quốc thư lên Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ngày 26/9.

Ngày 27/9, ông đã có cuộc gặp gỡ báo chí đầu tiên và chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus xoay quanh những kế hoạch, kỳ vọng về hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) trong thời gian tới.

Tăng cường hợp tác văn hóa

- Thưa Đại sứ, ông có cảm xúc như thế nào khi nhận nhiệm vụ mới tại Việt Nam?

Đại sứ Julien Guerrier: Việt Nam đối với tôi rất gần gũi. Trước đây, khi còn học tập ở Paris, trong lớp tôi có nhiều sinh viên Việt Nam và họ đã để lại ấn tượng sâu đậm trong tôi. Tôi cũng đã đến Việt Nam nhiều lần để du lịch. Trên phương diện ngoại giao, 27 năm trước, tôi là thành viên đoàn đàm phán của EU về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Từ đó đến nay, tôi đã chứng kiến rất nhiều sự thay đổi ở Việt Nam. Cụ thể, Việt Nam đã thay đổi rất nhiều chính sách, thể chế, pháp lý để mở cửa kinh tế, thu hút đầu tư từ nước ngoài. Đó là lý do Việt Nam năng động và lớn mạnh như ngày nay.

Đại sứ Julien Guerrier: Việt Nam-EU có những khát vọng chung ảnh 2Các nghệ sỹ biểu diễn trong sự kiện Ngôi làng châu Âu tháng 5/2023. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cá nhân tôi cho rằng người dân Việt Nam và EU có những khát vọng chung. Điều đó thể hiện qua phương châm của Nhà nước Việt Nam: “Độc lập-Tự do-Hạnh phúc.” Người dân EU cũng luôn mong muốn như vậy.

- Ở góc độ giao lưu nhân dân, tôi nhận thấy nhiều sự kiện văn hóa của Phái đoàn Liên minh châu Âu tổ chức tại Việt Nam đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân. Trong chiều ngược lại, sự kiện Ngày Việt Nam ở các nước châu Âu cũng để lại dấu ấn tốt đẹp. Vậy, ông có đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của giao lưu nhân dân trong việc thúc đẩy quan hệ ngoại giao?

Đại sứ Julien Guerrier: Việt Nam và EU đã có quan hệ hợp tác, giao lưu văn hóa-di sản trong nhiều năm. Các hoạt động quảng bá văn học, điện ảnh, giáo dục châu Âu diễn ra thường niên tại Việt Nam và nhận được sự hưởng ứng của người dân.

Đại sứ Julien Guerrier: Việt Nam-EU có những khát vọng chung ảnh 3Đại sứ Julien Guerrier chia sẻ trong Lễ khai mạc của Tuần lễ Hanoi Pride 2023. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Việt Nam là điểm đến du lịch hấp dẫn đối với du khách châu Âu và ngược lại.

Ở khía cạnh giáo dục, nhiều năm qua, các sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam đã lựa chọn châu Âu để du học. Chúng tôi cũng có chương trình Erasmus Mundus, học bổng hệ thạc sỹ và tiến sỹ lớn nhất châu Âu và nhiều bạn trẻ Việt Nam đã nhận được học bổng này. Sự kiện Study in Europe (Học tập ở châu Âu) sắp diễn ra ngày 1/10 tại Thành phố Hồ Chí Minh và ngày 7/10 tại Hà Nội sẽ cung cấp nhiều thông tin hữu ích về cuộc sống và giáo dục tại châu Âu.

[Trải nghiệm sự đa dạng của văn hóa châu Âu giữa lòng Hà Nội]

Tôi tin rằng chính lực lượng du học sinh và cộng đồng người Việt đông đảo tại các quốc gia thành viên EU có đóng góp rất lớn trong việc giao lưu nhân dân.

Chúng tôi cũng sắp tổ chức Liên hoan Phim châu Âu tại một số thành phố lớn của Việt Nam.

Tôi mong rằng hai phía sẽ tăng cường hợp tác về văn hóa. Các quốc gia châu Âu có lịch sử lâu đời và ngày nay vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình phát triển hiện đại. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm đó cho Việt Nam.

5 cơ chế để hỗ trợ Việt Nam

- Nhìn chung, ông cho rằng Việt Nam và EU sẽ có triển vọng hợp tác như thế nào trong thời gian tới?

Đại sứ Julien Guerrier: Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là khu vực quan trọng, trở thành trung tâm của thế giới hiện nay. Năm 2021, EU đã chính thức phát triển Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương xác định 7 lĩnh vực hành động ưu tiên, gồm: Thịnh vượng bền vững và bao trùm, chuyển đổi xanh, quản trị đại dương, quan hệ đối tác và quản trị số, kết nối, an ninh và quốc phòng, an ninh con người.

Trong khu vực này, Việt Nam có vị trí quan trọng về kinh tế, dân số, vị trí địa lý, là đối tác quan trọng của EU.

Chúng tôi sẽ hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045 và đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Tôi tin rằng với kinh nghiệm lâu dài của EU về phát triển bền vững, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo và công nghệ hiện đại, về việc hiện đại hóa trong khi vẫn bảo tồn di sản văn hóa và sự đa dạng, EU có nhiều lợi thế để hỗ trợ Việt Nam.

Đại sứ Julien Guerrier: Việt Nam-EU có những khát vọng chung ảnh 4Đại sứ trình Quốc thư lên Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

- Cụ thể, trong nhiệm kỳ của mình, ông sẽ tham gia như thế nào vào quá trình hợp tác để giúp Việt Nam đạt được những mục tiêu nói trên?

Đại sứ Julien Guerrier: Các bạn hoàn toàn có thể tin tưởng cá nhân tôi và EU với tư cách là đối tác đáng tin cậy và phù hợp cho Việt Nam

Trong buổi trình quốc thư lên Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ngày 26/9, tôi đã chia sẻ với Chủ tịch nước về những công cụ, cơ chế từ EU để hai bên có thể sử dụng một cách tối ưu nhất nhằm hỗ trợ quá trình phát triển bền vững của Việt Nam

Thứ nhất, với việc thực thi Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA), trao đổi thương mại hai bên tăng 32%, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang EU gấp 4 lần của EU sang Việt Nam.

Thứ hai, EU có cơ chế vốn Global Gateway (Cửa ngõ Toàn cầu), trị giá 300 tỷ euro để đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng và thiết lập quan hệ kinh tế để đạt được tăng trưởng bền vững trong các lĩnh vực như giao thông vận tải, giáo dục, y tế, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh… Cơ chế này giúp các quốc gia đạt được mục tiêu phát triển nhưng không gây vấn đề về nợ công.

Thứ ba, Chương trình Quan hệ đối tác về Chuyển dịch Năng lượng Công bằng (JEPT) sẽ huy động 15,5 tỷ USD từ nguồn tài chính công và tư nhân trong vòng 3 đến 5 năm tới để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam. Chương trình sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu tham vọng về đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, đẩy nhanh tốc độ đạt đến đỉnh phát thải khí nhà kính và chuyển đổi từ nhiên liệu hoá thạch sang năng lượng sạch.

Thứ tư là Quỹ đầu tư Horizon Europe dành cho nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Trước khi đến Việt Nam, tôi phụ trách việc xây dựng chính sách tổng thể cho Horizon Europe. Chúng tôi khuyến khích các nhà khoa học, các viện nghiên cứu của Việt Nam đăng ký sáng kiến với quỹ này để được tài trợ và có cơ hội trao đổi kiến thức, công nghệ với các đối tác từ EU.

Thứ năm, về thúc đẩy hợp tác về quốc phòng an ninh, EU và Việt Nam có lợi ích chung trong việc đảm bảo hòa bình an ninh khu vực và trên thế giới, cụ thể là an ninh ở Biển Đông. Hai bên đã có thỏa thuận về thiết lập khuôn khổ tham gia của Việt Nam vào các hoạt động quản lý khủng hoảng của Liên minh châu Âu (FPA). Hiệp định khung về hợp tác an ninh quốc phòng (Hiệp định FPA), ngoài ra còn có dự án tăng cường hợp tác an ninh tại châu Á của EU. Đó là những cơ chế rất cụ thể để hai bên có thể mở rộng quy mô hợp tác trong các hoạt động gìn giữ hòa bình, an ninh mạng, an ninh hàng hải…, đóng góp vào việc bảo đảm hòa bình và ổn định trong khu vực.

- Xin trân trọng cảm ơn ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục