Đắk Lắk: Ẩn họa từ các chất tiền ma túy xâm nhập học đường

Với nhiều kiểu ngụy trang, ma túy mới trá hình có xu hướng xâm nhập vào học đường, trẻ hóa đối tượng sử dụng, tạo ra hệ lụy nặng nề; điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo với chính gia đình, xã hội.

Đắk Lắk: Ẩn họa từ các chất tiền ma túy xâm nhập học đường

Hiện nay, các loại chất tiền ma túy “núp bóng” dưới nhiều hình thức như thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử, shisha điện tử, thuốc lá điếu… đang lôi kéo giới trẻ vào những cơn nghiện, tác động nguy hiểm tới sức khỏe.

Với nhiều kiểu ngụy trang, ma túy mới trá hình có xu hướng xâm nhập vào học đường, trẻ hóa đối tượng sử dụng, tạo ra hệ lụy nặng nề. Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với chính gia đình và xã hội.

Nguy cơ xâm nhập vào học đường

Mới đây, trường hợp của hai nam sinh lớp 11A3, tại Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Văn Cừ, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk, có biểu hiện sùi bọt mép, co giật, la hét, không làm chủ được bản thân… sau khi sử dụng thuốc lá điện tử trong trường học đã làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, vi phạm nghiêm trọng nội quy của nhà trường.

Em T.Q.T (một trong hai nam sinh) cho biết trong quá trình đi mua đồ ăn trong giờ ra chơi, hai em đã gặp một học sinh lớp 12 (cùng trường) và được cho thuốc lá điện tử để “dùng thử.” Vì tò mò, hai em đã sử dụng. Dùng xong, em T thấy xây xẩm mặt mày, choáng váng, có hành vi mất kiểm soát, mất ý thức, không biết gì. Bạn còn lại cũng rơi vào trạng thái bất tỉnh và được nhà trường đưa đến Trung tâm Y tế huyện Krông Búk để cấp cứu. Bác sỹ chẩn đoán “phát hiện các chất khác có khả năng gây nghiện trong máu” đối với các mẫu xét nghiệm của hai học sinh.

Em T trải lòng: “Sự việc sẽ là bài học để bản thân em không tái phạm nữa. Thuốc lá điện tử không tốt, gây nghiện. Những thứ không tốt nên tránh xa, không nên sử dụng. Sau này em sẽ không phạm sai lầm như vậy.”

Ông Phạm Văn Nhường, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Văn Cừ, cho biết thuốc lá điện tử đang xâm nhập vào trường học, đặc biệt từ cấp Trung học Cơ sở trở lên với nhiều dạng, hình thức khác nhau. Qua sự việc trên, nhà trường sẽ tăng cường công tác tuyên truyền đến học sinh; phát huy thùng thư góp ý, phản ánh của học sinh để nắm thông tin xử lý sự việc. Bên cạnh đó, nhà trường sẽ chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm tuyên truyền, nhắc nhở đến phụ huynh từng gia đình để cùng phối hợp quản lý học sinh.

truong Nguyen van cu Dak lak.jpg
Một góc của Trường THPT Nguyễn Văn Cừ, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk - nơi xảy ra vụ việc. (Nguồn: Facebook Trường THPT Nguyễn Văn Cừ)

Theo bác sỹ Hoàng Thị Duyên, Trưởng Khoa vật lý trị liệu-phục hồi chức năng, Bệnh viện tâm thần tỉnh Đắk Lắk, thời gian gần đây, giới trẻ sử dụng chất gây nghiện, bóng cười, thuốc lá điện tử, cỏ mỹ… đến khám tại Bệnh viện có xu hướng tăng cao. Đặc biệt, tình trạng này xuất hiện ở lứa tuổi học đường từ cấp Trung học Cơ sở trở lên, không chỉ với nam sinh mà có cả nữ sinh. Các chất này có khả năng gây nghiện nhanh, ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, gây hoang tưởng, tổn thương não, ảo giác…, người bệnh có cảm giác thèm thuồng, nhiều trường hợp tái đi tái lại.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk Lưu Tiến Quang cho biết lứa tuổi học sinh có tâm lý, tư tưởng chưa ổn định sẽ là “con mồi” ngon của các đối tượng ma túy. Hiện nay, ma túy ngày càng phổ biến, đa dạng, nhiều hình thức, chủng loại, dễ tiếp cận từ nhiều nguồn với các hình thức tinh vi… do đó, gia đình, nhà trường rất khó phát hiện. Các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn để tiếp cận, lôi kéo, dụ dỗ, pha trộn vào trong thức ăn nên nguy cơ ma túy xâm nhập trường học rất cao.

“Các chất ma túy, thuốc lá, shisha… hiện nay có khả năng gây nghiện rất nhanh, tác động, kích thích mạnh, tàn phá hệ thần kinh, rối loạn và khiến người dùng không điều khiển được hành vi, thường xuyên hoang tưởng, sa sút thể lực, trí lực, ảnh hưởng xấu đến đời sống tinh thần, kết quả học tập. Trong thực tế, nhiều vụ việc xảy ra liên quan đến ma túy đã xuất hiện tại lứa tuổi học sinh,” ông Quang cho biết.

Quyết liệt ngăn chặn

Những năm qua, tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có nhiều diễn biến phức tạp, xảy ra tại tất cả các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh, tập trung chủ yếu tại địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột, huyện Cư M’gar, Ea H’leo...

Các loại ma túy cơ quan chức năng thu giữ được đa dạng chủng loại; trong đó, ma túy tổng hợp chiếm tỷ lệ lớn. Đáng chú ý, lực lượng chức năng liên tục phát hiện, thu giữ các loại ma túy tổng hợp “núp bóng” dưới nhiều hình thức thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử, thuốc điếu, với các tên gọi khác nhau như Tobaco, Dominc… đang rất thu hút giới trẻ sử dụng.

Các đối tượng hoạt động phạm tội ma túy với phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, thường xuyên thay đổi để đối phó với lực lượng chức năng, lợi dụng không gian mạng với tính ẩn danh cao để quảng cáo, rao bán ma túy trong các hội, nhóm, tài khoản, fanpage (nền tảng Facebook, Zalo…).

Theo thống kê của Công an tỉnh Đắk Lắk, tính đến 14/5 vừa qua, toàn tỉnh có 378 người sử dụng trái phép chất ma túy. Trong đó, độ tuổi từ 16 đến dưới 30 tuổi chiếm 52,8%. Đáng chú ý, số người nghiện dưới 18 tuổi ngày càng gia tăng (có 18 trường hợp). Từ năm 2022 đến 3 tháng đầu năm nay, Công an tỉnh đã bắt giữ, xử lý 796 vụ, 1.203 đối tượng vi phạm pháp luật về ma túy, thu giữ trên 116kg ma túy các loại. Thành phần đối tượng phạm tội chủ yếu là người không có việc làm, không có thu nhập ổn định, trong đó, có 3 trường hợp là học sinh.

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk Lưu Tiến Quang, công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống tệ nạn ma túy là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục và Đào tạo, được triển khai thường xuyên, đa dạng hình thức thông tin tại các trường học trên địa bàn. Thời gian tới, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh tăng cường lồng ghép các nội dung chương trình ngoại khóa, chuyên đề vào công tác tuyên truyền; xây dựng nội dung cam kết, phối hợp giữa nhà trường, gia đình, các tổ chức chính trị xã hội và cơ quan chức năng trong phòng, chống ma túy học đường.

“Ngành đã ban hành quy chế, các trường hợp vi phạm liên quan ma túy sẽ bị kỷ luật theo quy định của các nhà trường. Xét theo tình trạng vi phạm sẽ có hướng xử lý phù hợp, đặc biệt đối với các trường hợp tái đi, tái lại nhiều lần,” ông Lưu Tiến Quang cho biết.

Đại tá Nguyễn Quang Trung, Trưởng phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Đắk Lắk, cho biết: “Chúng ta cần hết sức cảnh giác, thường xuyên có sự phối hợp cơ quan chức năng để tăng cường công tác tuyên truyền trong các trường học, các đối tượng có nguy cơ vi phạm về vấn đề ma túy.”

Để làm tốt công tác tuyên truyền cho học sinh về phòng, chống ma túy, Đại tá Nguyễn Quang Trung cho biết Công an tỉnh đã xây dựng kế hoạch chi tiết, có chương trình phối hợp, ký kết với ngành Giáo dục và Đào tạo. Đồng thời, có văn bản chỉ đạo Công an các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tuyên truyền giáo dục đối với học sinh để ngăn chặn từ sớm, từ xa, không để ma túy tràn vào học đường.

Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng đã thành lập đội liên ngành thường xuyên kiểm tra, giám sát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời việc lợi dụng các tiền chất ma túy để sản xuất và sử dụng trái phép chất ma túy./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục