Đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội Xuân 2022

Từ 20/12/2021 đến 12/3/2022, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương sẽ thành lập 6 đoàn liên ngành kiểm tra công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại 12 tỉnh, thành phố trọng điểm.
Đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội Xuân 2022 ảnh 1Kiểm tra chứng từ chứng minh nguồn gốc thực phẩm của tiểu thương tại chợ Phạm Văn Hai, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

Sáng 22/12, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm, chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác đảm bảo an toàn vệ sinh, an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán và lễ hội năm 2022.

Trình bày tóm tắt kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Nhâm dần và mùa lễ hội Xuân 2022, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết kế hoạch nhằm mục tiêu bảo đảm vệ sinh, an toàn, thực phẩm trong dịp cao điểm về nhu cầu sử dụng thực phẩm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; đẩy mạnh truyền thông về an toàn thực phẩm, từ đó hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm, đảm bảo sức khỏe và an toàn cho người dân.

[Tăng kiểm tra, công khai các vi phạm về an toàn thực phẩm dịp Tết 2022]

Từ 20/12/2021 đến 12/3/2022, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương sẽ thành lập 6 đoàn liên ngành kiểm tra công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại 12 tỉnh, thành phố trọng điểm.

Các địa phương tiến hành thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành các cấp, có kế hoạch thanh, kiểm tra phù hợp vào tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn.

Các đoàn kiểm tra tập trung vào những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán, điều kiện cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, lấy mẫu thực phẩm kiểm nghiệm…

“Không để các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống không bảo đảm an toàn thực phẩm tiếp tục hoạt động khi chưa thực hiện sữa chữa, khắc phục đạt yêu cầu. Các cá nhân, cơ sở vi phạm phải được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng,” ông Nguyễn Thanh Phong nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị phát huy vai trò của công tác truyền thông đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng; tăng cường các đoàn kiểm tra nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất, vận chuyển và mua bán, tiêu dùng…

Đánh giá công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực trong suốt thời gian vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, các lực lượng đã chuyển hướng sang quản lý rủi ro, đẩy mạnh sản xuất an toàn trong nông nghiệp. Các địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy nhanh việc xây dựng bản đồ an toàn sản xuất nông nghiệp gắn với chỉ dẫn địa lý.

Bên cạnh đó, công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm tiếp tục kiên trì thực hiện các biện pháp nhằm thay đổi những thói quen không tốt trong chế biến, kinh doanh thực phẩm của hàng triệu hộ cá thể cũng như thói quen tiêu cùng của người dân.

Trong công tác quản lý hậu kiểm của lĩnh vực chế biến, kinh doanh thực phẩm, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành-thành viên của Ban Chỉ đạo, cơ quan quản lý nhà nước phải luôn có cơ chế phản biện, đối thoại với doanh nghiệp.

Dịp Tết Nguyên đán 2022 cận kề trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải tổ chức các đợt ra quân, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm.

“Các cơ sở y tế sẵn sàng xử lý tình huống xảy ra ngộ độc, nhất là vùng có dịch; đồng thời đảm bảo an toàn trong việc hỗ trợ thực phẩm cho các gia đình thực hiện cách ly trong dịp Tết này,” Phó Thủ tướng lưu ý./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục