Vào mỗi dịp hè đến, trong khi nhiều người dân bắt đầu lên kế hoạch cho một chuyến nghỉ ngơi lớn nhất trong nằm nhằm xua đi những mệt mỏi, lo âu bởi những công việc thường ngày thì có một bộ phận dân cư bước vào một đợt lo lắng mới khi mùa mưa bão đang đến gần.
Đó là cộng đồng dân ngụ cư bãi giữa sông Hồng. Họ vẫn cặm cụi làm việc, phó thác số phận con người và mảnh đất hoa màu canh tác cho “hung thần” của tự nhiên.
Với họ, sống ở bãi giữa sông Hồng bao nhiêu năm là bấy nhiêu trận bão. Trận to, trận nhỏ, nước lên rồi rút, nhà đổ lại dựng lên... Để rồi, đến mùa, cây trái vẫn xanh um.
Những lo lắng thấp thỏm “trông trời, trông đất, trông mây…” như những cơn bão, đến rồi đi, rồi lại đến, từ năm này sang năm khác đã... thành quen!
Cuộc sống "5 không"
Bãi Giữa là mảnh đất tụ họp của những người nông dân ở các tỉnh xung quanh như Hưng Yên, Bắc Ninh, Phú Thọ, Hà Nam tới thuê lại để trồng hoa màu.
Nếu đi từ giữa thành cầu Long Biên phóng tầm mắt xuống dưới có thể nhìn thấy những luống rau, bãi chuối xanh mướt mát, thấp thoáng là lối mòn uốn lượn vừa nhỏ, vừa dốc như vừa mời gọi vừa thách đố những người muốn tìm hiểu khám phá về cuộc sống của những cư dân nơi đây.
Có đến tận nơi mới biết, ở ngay Hà Nội lại có một vùng đất còn chứa đựng nhiều nét sơ khai của thời nguyên thủy với cuộc sống năm không: Không đường, không điện, không trường, không trạm xá, không có các công trình kiên cố. Tất cả chỉ là tạm.
Cư dân nơi đây dựng những căn chòi tạm để che mưa che nắng, làm chỗ ăn nghỉ và trông nom hoa màu. Nói là tạm, thì với họ căn nhà vẫn là cả gia tài, bởi một căn chòi hơn chục mét vuông dựng lên cũng mất ngót chục triệu đồng.
Vì vậy, cứ vào mùa mưa bão, tin thời tiết trở thành câu chuyện “nóng” nhất trong ngày của cư dân vùng này. Nào là, bão năm nay về sớm hơn mọi năm, nào là mưa to nhưng không gió, rồi lại kháo nhau và thấp thỏm: Mưa to không biết có lụt không?
Cơn bão số 2 năm nay về cuối tháng Sáu. Trận mưa kéo dài vài ngày tuy không lớn nhưng cũng đủ làm mấy luống rau đổ dúi dụi.
Gặp anh Nguyễn Trần Lâm, quê Hưng Yên đang chạy ra khu vườn rộng của nhà để kiểm tra những buồng chuối, luống rau có bị hỏng, nghiêng khi bão về, anh hồ hởi mời chúng tôi vào nhà.
Căn chòi lợp lá cọ khoảng 10 mét vuông là nơi làm ăn, sinh sống của hai vợ chồng anh đang nghi ngút khói cơm.
Rót chén nước chè, giọng khàn đặc của người nghiện thuốc lào, thuốc lá lâu năm, anh Lâm kể về quá trình vợ chồng anh cùng bà con đến đây lập nghiệp.
Quê anh ở Hưng Yên, nhà có mấy sào ruộng, cấy cày năm được năm mất. Trong một lần khi đi qua cầu Long Biên lên thăm anh họ nằm viện, anh thấy đất trống, bãi rộng lại nằm sát ven sông Hồng có lượng phù sa lớn rất thích hợp trồng cây ăn quả và hoa màu giống như ở quê anh.
Nghĩ là làm, anh về bàn với vợ cùng gia đình tản cư lên bãi giữa sinh sống cũng được ngót chục năm nay với công việc không khác gì ở quê, một nắng hai sương chăm sóc mảnh vườn.
Anh Lâm chia sẻ: “ Vợ chồng tôi đã lên đây thuê đất được tám năm nay rồi, qua mấy vụ gieo trồng, thấy làm ăn được, cả hai ở luôn từ bấy đến giờ.”
Để có thể canh tác tại đây, những ngày đầu vợ chồng anh rất vất vả trong việc xới đất, tránh bão lũ cho cây trồng bởi điều kiện thời tiết khắc nghiệt, thất thường khiến anh có vụ mất trắng tay vì chưa nắm chắc được lịch trình của triều cường và bão lũ.
Theo anh Lâm, một năm các hộ dân ở đây chủ yếu trồng chuối và canh tác hai vụ ngô, lạc, xen kẽ vào đó là các loại rau màu như cải, su hào, đỗ…
“Khi thu hoạch xong, nếu may thì bán được tại chỗ cho tàu thuyền đi qua, nếu không thì chở về quê chờ được giá rồi mới bán. Còn những thực phẩm rau thì các thương lái bán buôn xuống tận nơi lấy hàng nên cũng đỡ mất công vận chuyển," anh Lâm cho biết thêm.
Gỡ vội chiếc áo mưa sũng nước và đôi ủng dính đầy bùn, chị Quyên, vợ anh Lâm ngồi bệt xuống đất nhặt những ngon và thân cây mồng tơi vừa hái đang chất đống để chia đều thành từng bó buộc chặt thành từng mớ rau để chiều đổ thương lái.
“Sau khi thu hoạch, trừ tiền thuê đất, phân bón, bơm nước thì mỗi sào cũng chỉ lãi vài trăm nghìn đồng mà suốt cả năm quần quật vun xới, chăm chút, nhưng cũng là đủ sống,” chị Quyên tâm sự.
Sống giữa lụt vẫn chỉ sợ...lũ lụt
Những năm được mùa, ai cũng vui và nhẹ nhõm nhưng khi bão chồng bão đổ về, cả xóm cũng chỉ biết cách chống chọi đơn giản bằng việc neo chặt nhà cửa và cây cối, còn những thửa rau mặc tự nhiên phá hoại.
Theo những cư dân bãi giữa, người dân ở bãi ngại nhất là nước lụt. Trận lụt nào cũng gây mất mát về mùa màng, cây cối. “Thực tế ở đây lâu cũng quen cảnh mưa bão rồi, chỉ là ở tạm, đồ đạc không có gì giá trị nên không lo. Dân ở đây đều như thế cả. Lo nhất là những cơ nghiệp quần quật vun trồng cả tháng chỉ một trận gió bão là tan tành chả còn gì nữa,” bác Chiến, cư dân có thâm niên sống lâu nhất ở bãi nói với khuôn mặt trầm ngâm.
Cách ngôi nhà anh Lâm không xa, hai vợ chồng cô Hạnh người Phú Thọ ở đây từ lâu và chỉ chuyên trồng chuối và nuôi gà. Căn nhà tuềnh toàng chỉ có duy nhất chiếc đài bé tẹo bị hoen gỉ vì dùng đã lâu, nó là nơi mà cô có điều kiện tiếp cận thông tin với thế giới bên ngoài. Nghe tin bão từ đài phát thanh , cô liền ra vườn chống chuối.
Cô Hạnh cho hay: “Bão đến chỉ sợ đổ chuối thôi, bao nhiêu cây ra buồng, quả sắp chín rồi.” Chỉ trồng chuối một mùa thu hoạch cũng đem lại cho gia đình cô một số vốn kha khá.
Chỉ tay về cánh ruộng chuối sai trĩu quả được từng chiếc sào dài chống vào thân cây, mảnh áo mưa che kín cả buồng cùng với dây chằng chịt neo buồng vào thân cho buồng chuối đỡ lắc lư không sẽ rụng hết quả.
Nhớ về trận lụt 2008 đã khiến hoa màu và nhà cửa bị cuốn trôi, người dân bãi giữa vẫn chưa hết bàng hoàng. Bởi, nước cuốn hết tất cả từ chỗ ăn ở và công việc.
“Có những lúc tôi phải đi mò rau về nấu ăn, đưa gà lên giường nuôi mà mọi thứ cũng ổn. Khi nước rút, ai ai cũng cố nhặt nhạnh những gì cò sót lại để dựng lại nhà cửa và tiếp tục công việc trồng trọt vốn có thường ngày,” chị Hạnh bồi hồi nhớ lại.
Vì vậy, đối với họ, cơn bão chỉ là những quy luật của tự nhiên.
“Bão gì thì bão mình vẫn sống được. Chỉ lo lũ về sẽ gây thiệt hại mùa màng, nhưng nghề nông thì vẫn phải tự đứng lên từ hai bàn tay trắng cuốc đất, kéo cày,” cô Hạnh tâm sự
Và với sự lạc quan đó, người dân bãi giữa sông Hồng vẫn ngày ngày một nắng hai sương cần cù canh tác trên thửa đất màu mỡ phù sa của con sông mẹ đem lại để mưu cầu cuộc sống, để đem đến cho đời những sản phẩm rau màu tốt tươi...
Đó là cộng đồng dân ngụ cư bãi giữa sông Hồng. Họ vẫn cặm cụi làm việc, phó thác số phận con người và mảnh đất hoa màu canh tác cho “hung thần” của tự nhiên.
Với họ, sống ở bãi giữa sông Hồng bao nhiêu năm là bấy nhiêu trận bão. Trận to, trận nhỏ, nước lên rồi rút, nhà đổ lại dựng lên... Để rồi, đến mùa, cây trái vẫn xanh um.
Những lo lắng thấp thỏm “trông trời, trông đất, trông mây…” như những cơn bão, đến rồi đi, rồi lại đến, từ năm này sang năm khác đã... thành quen!
Cuộc sống "5 không"
Bãi Giữa là mảnh đất tụ họp của những người nông dân ở các tỉnh xung quanh như Hưng Yên, Bắc Ninh, Phú Thọ, Hà Nam tới thuê lại để trồng hoa màu.
Nếu đi từ giữa thành cầu Long Biên phóng tầm mắt xuống dưới có thể nhìn thấy những luống rau, bãi chuối xanh mướt mát, thấp thoáng là lối mòn uốn lượn vừa nhỏ, vừa dốc như vừa mời gọi vừa thách đố những người muốn tìm hiểu khám phá về cuộc sống của những cư dân nơi đây.
Có đến tận nơi mới biết, ở ngay Hà Nội lại có một vùng đất còn chứa đựng nhiều nét sơ khai của thời nguyên thủy với cuộc sống năm không: Không đường, không điện, không trường, không trạm xá, không có các công trình kiên cố. Tất cả chỉ là tạm.
Cư dân nơi đây dựng những căn chòi tạm để che mưa che nắng, làm chỗ ăn nghỉ và trông nom hoa màu. Nói là tạm, thì với họ căn nhà vẫn là cả gia tài, bởi một căn chòi hơn chục mét vuông dựng lên cũng mất ngót chục triệu đồng.
Vì vậy, cứ vào mùa mưa bão, tin thời tiết trở thành câu chuyện “nóng” nhất trong ngày của cư dân vùng này. Nào là, bão năm nay về sớm hơn mọi năm, nào là mưa to nhưng không gió, rồi lại kháo nhau và thấp thỏm: Mưa to không biết có lụt không?
Cơn bão số 2 năm nay về cuối tháng Sáu. Trận mưa kéo dài vài ngày tuy không lớn nhưng cũng đủ làm mấy luống rau đổ dúi dụi.
Gặp anh Nguyễn Trần Lâm, quê Hưng Yên đang chạy ra khu vườn rộng của nhà để kiểm tra những buồng chuối, luống rau có bị hỏng, nghiêng khi bão về, anh hồ hởi mời chúng tôi vào nhà.
Căn chòi lợp lá cọ khoảng 10 mét vuông là nơi làm ăn, sinh sống của hai vợ chồng anh đang nghi ngút khói cơm.
Rót chén nước chè, giọng khàn đặc của người nghiện thuốc lào, thuốc lá lâu năm, anh Lâm kể về quá trình vợ chồng anh cùng bà con đến đây lập nghiệp.
Quê anh ở Hưng Yên, nhà có mấy sào ruộng, cấy cày năm được năm mất. Trong một lần khi đi qua cầu Long Biên lên thăm anh họ nằm viện, anh thấy đất trống, bãi rộng lại nằm sát ven sông Hồng có lượng phù sa lớn rất thích hợp trồng cây ăn quả và hoa màu giống như ở quê anh.
Nghĩ là làm, anh về bàn với vợ cùng gia đình tản cư lên bãi giữa sinh sống cũng được ngót chục năm nay với công việc không khác gì ở quê, một nắng hai sương chăm sóc mảnh vườn.
Anh Lâm chia sẻ: “ Vợ chồng tôi đã lên đây thuê đất được tám năm nay rồi, qua mấy vụ gieo trồng, thấy làm ăn được, cả hai ở luôn từ bấy đến giờ.”
Để có thể canh tác tại đây, những ngày đầu vợ chồng anh rất vất vả trong việc xới đất, tránh bão lũ cho cây trồng bởi điều kiện thời tiết khắc nghiệt, thất thường khiến anh có vụ mất trắng tay vì chưa nắm chắc được lịch trình của triều cường và bão lũ.
Theo anh Lâm, một năm các hộ dân ở đây chủ yếu trồng chuối và canh tác hai vụ ngô, lạc, xen kẽ vào đó là các loại rau màu như cải, su hào, đỗ…
“Khi thu hoạch xong, nếu may thì bán được tại chỗ cho tàu thuyền đi qua, nếu không thì chở về quê chờ được giá rồi mới bán. Còn những thực phẩm rau thì các thương lái bán buôn xuống tận nơi lấy hàng nên cũng đỡ mất công vận chuyển," anh Lâm cho biết thêm.
Gỡ vội chiếc áo mưa sũng nước và đôi ủng dính đầy bùn, chị Quyên, vợ anh Lâm ngồi bệt xuống đất nhặt những ngon và thân cây mồng tơi vừa hái đang chất đống để chia đều thành từng bó buộc chặt thành từng mớ rau để chiều đổ thương lái.
“Sau khi thu hoạch, trừ tiền thuê đất, phân bón, bơm nước thì mỗi sào cũng chỉ lãi vài trăm nghìn đồng mà suốt cả năm quần quật vun xới, chăm chút, nhưng cũng là đủ sống,” chị Quyên tâm sự.
Sống giữa lụt vẫn chỉ sợ...lũ lụt
Những năm được mùa, ai cũng vui và nhẹ nhõm nhưng khi bão chồng bão đổ về, cả xóm cũng chỉ biết cách chống chọi đơn giản bằng việc neo chặt nhà cửa và cây cối, còn những thửa rau mặc tự nhiên phá hoại.
Theo những cư dân bãi giữa, người dân ở bãi ngại nhất là nước lụt. Trận lụt nào cũng gây mất mát về mùa màng, cây cối. “Thực tế ở đây lâu cũng quen cảnh mưa bão rồi, chỉ là ở tạm, đồ đạc không có gì giá trị nên không lo. Dân ở đây đều như thế cả. Lo nhất là những cơ nghiệp quần quật vun trồng cả tháng chỉ một trận gió bão là tan tành chả còn gì nữa,” bác Chiến, cư dân có thâm niên sống lâu nhất ở bãi nói với khuôn mặt trầm ngâm.
Cách ngôi nhà anh Lâm không xa, hai vợ chồng cô Hạnh người Phú Thọ ở đây từ lâu và chỉ chuyên trồng chuối và nuôi gà. Căn nhà tuềnh toàng chỉ có duy nhất chiếc đài bé tẹo bị hoen gỉ vì dùng đã lâu, nó là nơi mà cô có điều kiện tiếp cận thông tin với thế giới bên ngoài. Nghe tin bão từ đài phát thanh , cô liền ra vườn chống chuối.
Cô Hạnh cho hay: “Bão đến chỉ sợ đổ chuối thôi, bao nhiêu cây ra buồng, quả sắp chín rồi.” Chỉ trồng chuối một mùa thu hoạch cũng đem lại cho gia đình cô một số vốn kha khá.
Chỉ tay về cánh ruộng chuối sai trĩu quả được từng chiếc sào dài chống vào thân cây, mảnh áo mưa che kín cả buồng cùng với dây chằng chịt neo buồng vào thân cho buồng chuối đỡ lắc lư không sẽ rụng hết quả.
Nhớ về trận lụt 2008 đã khiến hoa màu và nhà cửa bị cuốn trôi, người dân bãi giữa vẫn chưa hết bàng hoàng. Bởi, nước cuốn hết tất cả từ chỗ ăn ở và công việc.
“Có những lúc tôi phải đi mò rau về nấu ăn, đưa gà lên giường nuôi mà mọi thứ cũng ổn. Khi nước rút, ai ai cũng cố nhặt nhạnh những gì cò sót lại để dựng lại nhà cửa và tiếp tục công việc trồng trọt vốn có thường ngày,” chị Hạnh bồi hồi nhớ lại.
Vì vậy, đối với họ, cơn bão chỉ là những quy luật của tự nhiên.
“Bão gì thì bão mình vẫn sống được. Chỉ lo lũ về sẽ gây thiệt hại mùa màng, nhưng nghề nông thì vẫn phải tự đứng lên từ hai bàn tay trắng cuốc đất, kéo cày,” cô Hạnh tâm sự
Và với sự lạc quan đó, người dân bãi giữa sông Hồng vẫn ngày ngày một nắng hai sương cần cù canh tác trên thửa đất màu mỡ phù sa của con sông mẹ đem lại để mưu cầu cuộc sống, để đem đến cho đời những sản phẩm rau màu tốt tươi...
Mạnh Hùng (Vietnam+)