“Ở lại làm thêm trong dịp Tết, thu nhập kiếm được cao hơn ngày thường khá nhiều nhưng nhiều khi cũng tủi thân lắm, nghĩ đến gia đình ở quê lại muốn khóc,” cô sinh viên với chất giọng Hà Tĩnh rất đặc trưng, người đã có “thâm niên” ba năm đón Tết xa quê chia sẻ trong sự nghẹn ngào.
Bài học đầu đời
Nhìn vẻ ngoài dạn dĩ với vóc dáng mảnh mai, nước da ngăm đen, dáng điệu hoạt bát của Nguyễn Thị Hoa, cô sinh viên năm 4 Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, ai cũng đoán được cô là con người chăm chỉ, siêng năng.
“Kể từ khi bước chân vào đại học, mỗi năm em chỉ về thăm nhà một lần vào dịp nghỉ hè. Một phần vì quê em xa quá, nhưng có lẽ quan trọng hơn là vì chi phí đi lại tốn kém, nhất là vào những dịp Tết nhất thế này. Ba năm rồi, Tết nào em cũng ở lại Hà Nội đi làm thêm. Tiền lương kiếm được bằng cả mấy tháng đi dạy gia sư trong năm,” Hoa bật mí.
Trong cái giá lạnh của một buổi sáng mùa đông, ở ghế đá trên sân trường, Hoa kể cho tôi câu chuyện về cuộc sống nhọc nhằn của em và gia đình cùng những trải nghiệm lý thú, sâu sắc mà mình có được từ những công việc làm thêm. Hoa nói, em thích những khoảng lặng một mình ngồi nơi ghế đá thế này để suy ngẫm về cuộc sống, nghĩ về những điều đã và chưa làm được.
Từ khi còn là sinh viên năm thứ nhất, em đã phải tự bươn chải cuộc sống bằng công việc gia sư. Đến gần cuối học kì một năm đó, nghe các chị đồng hương khóa trên rủ, Hoa cũng đi tìm việc làm thêm thời vụ dịp Tết. Hoa kể mình đến một trung tâm môi giới việc làm ở phố Hạ Đình (Thanh Xuân) đăng kí xin làm nhân viên bán hàng. Họ bắt đặt cọc 300 ngàn đồng.
“Quả thực lúc đó, em không có đủ tiền. Nhưng nhẩm tính, với mức thù lao 120 ngàn đồng/ngày, nếu đi làm đủ hai tuần thì cũng kiếm được kha khá. Thế là em vội vàng đi vay bạn bè cho đủ,” Hoa thuật lại.
Bất ngờ, khi đến cửa hàng đó, người chủ nói đã thuê đủ người và không cần thêm nữa. Hoa đến trung tâm kia xin lại tiền, một chị nhân viên cười khẩy nói, tiền đã nộp vào thì không trả lại được. Hơn nữa, “em lại chẳng có giấy biên nhận thì làm sao mà các chị giải quyết được,” Hoa thuật lại câu chuyện.
“Đợt đó em khóc hết nước mắt. Chỉ cố xin họ trả lại em một nửa số tiền đặt cọc thôi cũng được. Đó là khoản em đi vay bạn bè. Cả tuần sau đó, em ăn mì tôm, bánh mì trừ bữa để gom góp tiền trả nợ. Bài học đầu đời thật buồn phải không chị? Nhưng cũng ý nghĩa đấy chứ!” cô bé trầm tư nhìn ra phía cổng trường và nói.
Nỗi nhọc nhằn của cuộc sống
Câu chuyện chuyển sang một nhịp trầm hơn, cô bé say sưa kể về gia đình, về cuộc sống lam lũ ở quê em và lí do vì sao cô phải “tích cực” đi làm thêm, đặc biệt là vào dịp Tết.
Hoa sinh ra trong một gia đình có bốn anh chị em ở miền quê nghèo Hương Sơn-Hà Tĩnh. Thu nhập chính của gia đình chỉ trông vào mấy sào ruộng và mảnh vườn “con con”, “quê em lại hay gặp thiên tai, bão lũ, cơ cực lắm.” Là chị cả trong nhà nên ngay từ nhỏ, Hoa đã phải phụ giúp cha mẹ những công việc ruộng vườn. Hay như các em Hoa bây giờ, ngày ngày một buổi đến trường, một buổi phải ra chợ bán rau để kiếm thêm chút thu nhập bởi “chúng không muốn phải bỏ học chị ạ!” Hoa trải lòng, mắt rưng rưng. Sự chăm chỉ, hay lam hay làm ngấm vào em, được nuôi lớn trong em theo năm tháng.
Cứ đến tháng 12 Âm lịch, cô bé với dáng người mảnh khảnh này lại phải gồng mình lên với việc vừa ôn thi vừa đi làm thêm. “Nhìn em thế này thôi nhưng em khỏe lắm đấy! Dịp Tết đến, hễ cứ tìm được việc gì là em đều làm hết, miễn là việc lương thiện,” cô bé vui vẻ kể.
Khi được hỏi vừa ôn thi vừa đi làm như thế, có phải là quá sức không, cô bé cười trừ và nói: “Biết làm sao được, hoàn cảnh của mình là vậy thì mình phải cố thôi. Nhiều hôm đi làm về đã là 9, 10 giờ tối, người mệt rã rời, rồi thức trắng đêm ôn bài, em cũng nản lắm, muốn bỏ cuộc. Nhưng nghĩ đến gia đình ở quê, em lại không đành lòng,” Hoa chia sẻ.
Thấy cô bé chăm chỉ, ngoan ngoãn, một người quen cũ của gia đình đã ra Hà Nội lập nghiệp từ lâu đề nghị Hoa đến phụ giúp công việc lau dọn nhà cửa, nấu nướng trong những ngày Tết. Số tiền mà gia chủ trả công Hoa hai ngày lau dọn nhà cửa và phụ giúp công việc gia đình trong ba ngày Tết cũng đủ để cô bé đóng học phí học kì sau.
Đêm Giao thừa, nhìn mọi người sum họp, Hoa không khỏi chạnh lòng. “Có lúc em đã òa khóc, cảm thấy tủi thân vô cùng, muốn chạy về quê ngay lập tức!” cô bé lặng lẽ kể. Đón Tết xa quê, cô mới càng thấm thía sự nhọc nhằn, cơ cực ở miền quê nơi mình sinh ra và lớn lên.
Trẻ em thành phố, Tết đến, đều xúng xính trong những bộ quần áo mới rực rỡ sắc màu. Trải nghiệm những ngày Tết ở thủ đô, Hoa không khỏi xót xa khi nghĩ đến việc các em mình ở quê chưa năm nào được sắm quần áo mới ăn Tết như chúng bạn cùng trang lứa.
Nói đến đây, mắt Hoa ngấn lệ. “Em quyết định rồi, mấy hôm nữa em sẽ xin tạm ứng trước tiền lương. Em sẽ gửi về quê để đỡ đần thêm cha mẹ. Em muốn năm nay, các em em sẽ được mua quần áo mới đón Tết.”
Mỗi lần đón Tết xa quê là mỗi lần Hoa có thêm những trải nghiệm thấm thía. Cuộc sống thật khó khăn nhưng “phía trước luôn có một con đường,” đó là câu nói mà cô bé thích nhất và luôn tâm niệm trong đầu, lấy đó làm điểm tựa vượt qua những phút yếu lòng.
Năm nay, Tết đến sớm. Không khí chuẩn bị đón xuân đã rộn ràng, nhộn nhịp ở khắp mọi nơi. Trong nhịp sống khẩn trương, gấp gáp ấy vẫn có những người lao động nói chung và những bạn sinh viên như Hoa nói riêng, lặng lẽ mưu sinh, góp nhặt từng đồng tiền công để trang trải cuộc sống. Sự nhọc nhằn của cuộc sống khoa như càng khiến cô bé chững chạc, cứng cáp hơn so với tuổi đời của mình.
Không chỉ có Hoa, được nghỉ Tết ba tuần, về sớm cũng không giúp được gì nhiều cho gia đình, nhiều bạn sinh viên đã quyết định ở lại Hà Nội làm thêm, vừa để kiếm thêm thu nhập, vừa nhằm trải nghiệm, hiểu hơn ý nghĩa của cuộc sống và giá trị của đồng tiền do chính mình kiếm ra. Thậm chí, nhiều bạn còn lựa chọn ở lại thủ đô làm thêm cả trong những ngày Tết, chấp nhận đón tết xa gia đình.
Có rất nhiều loại công việc phù hợp với sinh viên như bán hàng, phát quà khuyến mại, phát tờ rơi, trông xe, lau dọn và trang trí nhà cửa, giúp việc nhà trong những ngày tết,…
Mức thu nhập trong những ngày thường cao hơn gấp 2-3 lần so với ngày bình thường. Ví dụ, mức thù lao người giúp việc theo ngày trong 3 ngày tết dao động trong khoảng 250-300 ngàn đồng/ ngày, việc phát quà khuyến mại là 120-150 đồng/ca (mỗi ca kéo dài từ 3-4 giờ)./.
Bài học đầu đời
Nhìn vẻ ngoài dạn dĩ với vóc dáng mảnh mai, nước da ngăm đen, dáng điệu hoạt bát của Nguyễn Thị Hoa, cô sinh viên năm 4 Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, ai cũng đoán được cô là con người chăm chỉ, siêng năng.
“Kể từ khi bước chân vào đại học, mỗi năm em chỉ về thăm nhà một lần vào dịp nghỉ hè. Một phần vì quê em xa quá, nhưng có lẽ quan trọng hơn là vì chi phí đi lại tốn kém, nhất là vào những dịp Tết nhất thế này. Ba năm rồi, Tết nào em cũng ở lại Hà Nội đi làm thêm. Tiền lương kiếm được bằng cả mấy tháng đi dạy gia sư trong năm,” Hoa bật mí.
Trong cái giá lạnh của một buổi sáng mùa đông, ở ghế đá trên sân trường, Hoa kể cho tôi câu chuyện về cuộc sống nhọc nhằn của em và gia đình cùng những trải nghiệm lý thú, sâu sắc mà mình có được từ những công việc làm thêm. Hoa nói, em thích những khoảng lặng một mình ngồi nơi ghế đá thế này để suy ngẫm về cuộc sống, nghĩ về những điều đã và chưa làm được.
Từ khi còn là sinh viên năm thứ nhất, em đã phải tự bươn chải cuộc sống bằng công việc gia sư. Đến gần cuối học kì một năm đó, nghe các chị đồng hương khóa trên rủ, Hoa cũng đi tìm việc làm thêm thời vụ dịp Tết. Hoa kể mình đến một trung tâm môi giới việc làm ở phố Hạ Đình (Thanh Xuân) đăng kí xin làm nhân viên bán hàng. Họ bắt đặt cọc 300 ngàn đồng.
“Quả thực lúc đó, em không có đủ tiền. Nhưng nhẩm tính, với mức thù lao 120 ngàn đồng/ngày, nếu đi làm đủ hai tuần thì cũng kiếm được kha khá. Thế là em vội vàng đi vay bạn bè cho đủ,” Hoa thuật lại.
Bất ngờ, khi đến cửa hàng đó, người chủ nói đã thuê đủ người và không cần thêm nữa. Hoa đến trung tâm kia xin lại tiền, một chị nhân viên cười khẩy nói, tiền đã nộp vào thì không trả lại được. Hơn nữa, “em lại chẳng có giấy biên nhận thì làm sao mà các chị giải quyết được,” Hoa thuật lại câu chuyện.
“Đợt đó em khóc hết nước mắt. Chỉ cố xin họ trả lại em một nửa số tiền đặt cọc thôi cũng được. Đó là khoản em đi vay bạn bè. Cả tuần sau đó, em ăn mì tôm, bánh mì trừ bữa để gom góp tiền trả nợ. Bài học đầu đời thật buồn phải không chị? Nhưng cũng ý nghĩa đấy chứ!” cô bé trầm tư nhìn ra phía cổng trường và nói.
Nỗi nhọc nhằn của cuộc sống
Câu chuyện chuyển sang một nhịp trầm hơn, cô bé say sưa kể về gia đình, về cuộc sống lam lũ ở quê em và lí do vì sao cô phải “tích cực” đi làm thêm, đặc biệt là vào dịp Tết.
Hoa sinh ra trong một gia đình có bốn anh chị em ở miền quê nghèo Hương Sơn-Hà Tĩnh. Thu nhập chính của gia đình chỉ trông vào mấy sào ruộng và mảnh vườn “con con”, “quê em lại hay gặp thiên tai, bão lũ, cơ cực lắm.” Là chị cả trong nhà nên ngay từ nhỏ, Hoa đã phải phụ giúp cha mẹ những công việc ruộng vườn. Hay như các em Hoa bây giờ, ngày ngày một buổi đến trường, một buổi phải ra chợ bán rau để kiếm thêm chút thu nhập bởi “chúng không muốn phải bỏ học chị ạ!” Hoa trải lòng, mắt rưng rưng. Sự chăm chỉ, hay lam hay làm ngấm vào em, được nuôi lớn trong em theo năm tháng.
Cứ đến tháng 12 Âm lịch, cô bé với dáng người mảnh khảnh này lại phải gồng mình lên với việc vừa ôn thi vừa đi làm thêm. “Nhìn em thế này thôi nhưng em khỏe lắm đấy! Dịp Tết đến, hễ cứ tìm được việc gì là em đều làm hết, miễn là việc lương thiện,” cô bé vui vẻ kể.
Khi được hỏi vừa ôn thi vừa đi làm như thế, có phải là quá sức không, cô bé cười trừ và nói: “Biết làm sao được, hoàn cảnh của mình là vậy thì mình phải cố thôi. Nhiều hôm đi làm về đã là 9, 10 giờ tối, người mệt rã rời, rồi thức trắng đêm ôn bài, em cũng nản lắm, muốn bỏ cuộc. Nhưng nghĩ đến gia đình ở quê, em lại không đành lòng,” Hoa chia sẻ.
Thấy cô bé chăm chỉ, ngoan ngoãn, một người quen cũ của gia đình đã ra Hà Nội lập nghiệp từ lâu đề nghị Hoa đến phụ giúp công việc lau dọn nhà cửa, nấu nướng trong những ngày Tết. Số tiền mà gia chủ trả công Hoa hai ngày lau dọn nhà cửa và phụ giúp công việc gia đình trong ba ngày Tết cũng đủ để cô bé đóng học phí học kì sau.
Đêm Giao thừa, nhìn mọi người sum họp, Hoa không khỏi chạnh lòng. “Có lúc em đã òa khóc, cảm thấy tủi thân vô cùng, muốn chạy về quê ngay lập tức!” cô bé lặng lẽ kể. Đón Tết xa quê, cô mới càng thấm thía sự nhọc nhằn, cơ cực ở miền quê nơi mình sinh ra và lớn lên.
Trẻ em thành phố, Tết đến, đều xúng xính trong những bộ quần áo mới rực rỡ sắc màu. Trải nghiệm những ngày Tết ở thủ đô, Hoa không khỏi xót xa khi nghĩ đến việc các em mình ở quê chưa năm nào được sắm quần áo mới ăn Tết như chúng bạn cùng trang lứa.
Nói đến đây, mắt Hoa ngấn lệ. “Em quyết định rồi, mấy hôm nữa em sẽ xin tạm ứng trước tiền lương. Em sẽ gửi về quê để đỡ đần thêm cha mẹ. Em muốn năm nay, các em em sẽ được mua quần áo mới đón Tết.”
Mỗi lần đón Tết xa quê là mỗi lần Hoa có thêm những trải nghiệm thấm thía. Cuộc sống thật khó khăn nhưng “phía trước luôn có một con đường,” đó là câu nói mà cô bé thích nhất và luôn tâm niệm trong đầu, lấy đó làm điểm tựa vượt qua những phút yếu lòng.
Năm nay, Tết đến sớm. Không khí chuẩn bị đón xuân đã rộn ràng, nhộn nhịp ở khắp mọi nơi. Trong nhịp sống khẩn trương, gấp gáp ấy vẫn có những người lao động nói chung và những bạn sinh viên như Hoa nói riêng, lặng lẽ mưu sinh, góp nhặt từng đồng tiền công để trang trải cuộc sống. Sự nhọc nhằn của cuộc sống khoa như càng khiến cô bé chững chạc, cứng cáp hơn so với tuổi đời của mình.
Không chỉ có Hoa, được nghỉ Tết ba tuần, về sớm cũng không giúp được gì nhiều cho gia đình, nhiều bạn sinh viên đã quyết định ở lại Hà Nội làm thêm, vừa để kiếm thêm thu nhập, vừa nhằm trải nghiệm, hiểu hơn ý nghĩa của cuộc sống và giá trị của đồng tiền do chính mình kiếm ra. Thậm chí, nhiều bạn còn lựa chọn ở lại thủ đô làm thêm cả trong những ngày Tết, chấp nhận đón tết xa gia đình.
Có rất nhiều loại công việc phù hợp với sinh viên như bán hàng, phát quà khuyến mại, phát tờ rơi, trông xe, lau dọn và trang trí nhà cửa, giúp việc nhà trong những ngày tết,…
Mức thu nhập trong những ngày thường cao hơn gấp 2-3 lần so với ngày bình thường. Ví dụ, mức thù lao người giúp việc theo ngày trong 3 ngày tết dao động trong khoảng 250-300 ngàn đồng/ ngày, việc phát quà khuyến mại là 120-150 đồng/ca (mỗi ca kéo dài từ 3-4 giờ)./.
Phương Mai (Vietnam+)