Đằng sau nghịch lý đồng yen giảm khi BoJ nâng lãi suất

Đồng yen suy yếu sẽ nâng đỡ lợi nhuận cho các công ty xuất khẩu của Nhật Bản, nhưng lại tác động tiêu cực đến các hộ gia đình vì nó làm tăng giá hàng nhập khẩu.

Đồng yen Nhật. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Đồng yen Nhật. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Một tuần trước, Nhật Bản đã nâng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2007, động thái đánh dấu sự thay đổi lịch sử trong chính sách tiền tệ của nước này.

Nhưng đồng yen lại đi xuống. Giới chức Nhật Bản hiện đang bàn luận về khả năng can thiệp chính thức để hỗ trợ đồng nội tệ. Trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần trước, đồng yen được giao dịch ở mức 151,86 yen đổi 1 USD, mức yếu nhất trong năm nay và rất gần các mức đã từng khiến Nhật Bản phải can thiệp vào năm 2022.

Đồng yen suy yếu sẽ nâng đỡ lợi nhuận cho các công ty xuất khẩu của Nhật Bản, nhưng lại tác động tiêu cực đến các hộ gia đình vì nó làm tăng giá hàng nhập khẩu.

Vậy điều gì đứng sau sự trượt dốc của đồng tiền này.

Sự thay đổi dễ đoán

Việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) thoát khỏi chính sách lãi suất âm là điều đã được dự đoán từ trước, trong điều kiện kinh tế thuận lợi. Tiền lương tăng mạnh cho thấy lạm phát ổn định và làm giảm sự cần thiết phải để lãi suất ở mức âm hay các chính sách giới hạn lợi suất trái phiếu chính phủ.

Ông Patrick Hu, chuyên gia tiền tệ của ngân hàng Citi ở Singapore, cho biết sự kiện này quá dễ đoán, vì thế nó đã nằm trong các dự tính của thị trường. Kết quả là đồng yen giảm hơn 1% vào ngày BoJ công bố quyết định trên.

Giao dịch "Carry trade"

Đồng yen là đồng tiền có lãi suất thấp nhất trong số các đồng tiền của nhóm G10, bao gồm đồng AUD của Australia, CAD của Canada, euro của Liên minh châu Âu (EU), yen của Nhật, dollar của New Zealand (NZD), krone của Na Uy (NOK), bảng Anh, SEK của Thụy Điển, franc Thụy Sỹ và USD. Điều này khiến cho đồng yen trở thành đồng tiền lý tưởng cho các giao dịch carry trade.

Trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần trước, đồng yen được giao dịch ở mức 151,86 yen đổi 1 USD, mức yếu nhất trong năm nay và rất gần các mức đã từng khiến Nhật Bản phải can thiệp vào năm 2022.

Carry trade là chiến lược giao dịch ăn chênh lệch lãi suất giữa hai đồng tiền, trong đó các nhà đầu tư bán hoặc vay các đồng tiền có lãi suất thấp để thu lợi nhuận từ việc mua vào các đồng tiền có lãi suất cao hơn.

Giới đầu tư đang dự đoán lãi suất của Nhật Bản sẽ không tăng nhanh từ mức hiện tại, qua đó càng kéo dài thời gian mà giới đầu tư có thể tận dụng đồng yen cho các giao dịch carry trade. Lãi suất ngắn hạn của Nhật bản hiện chưa đến 0,1% và được dự đoán sẽ chỉ tăng khoảng 0,2 điểm phần trăm trong năm nay.

Trong khi đó, lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện là 5,25-5,5%, và được dự đoán phải đến tháng Bảy mới giảm 0,25 điểm phần trăm. Chênh lệch lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ và Nhật Bản hiện gần 3,5 điểm phần trăm.

Thiếu dòng kiều hối

Bức tranh lãi suất này cũng đang giữ chân các dòng tiền lớn của các nhà đầu tư Nhật Bản ở nước ngoài, nơi họ có thể thu lợi nhuận nhiều hơn. Điều này khiến đồng yen mất đi sự hỗ trợ từ các dòng kiều hối.

Giới đầu tư Nhật Bản đang giữ khoảng 3.000 tỷ USD trong các trái phiếu nước ngoài và các giao dịch mua bán đồng yen.

Khả năng can thiệp của BoJ

Ở mức 151,27 yen đổi 1 USD, đồng tiền của Nhật Bản hiện đang ở rất gần mức 151,94 yen đổi 1 USD đã từng khiến BoJ phải can thiệp vào năm 2022. Các thị trường đang dự đoán 152 yen đổi 1 USD có thể là mức để BoJ can thiệp lần này, dù giới chức Nhật Bản nhấn mạnh rằng họ không đặt ra một ngưỡng mục tiêu nào.

ttxvn_nhat_ban_2.jpg
Trụ sở BOJ ở Tokyo. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các chuyên gia phân tích của ngân hàng HSBC nhận định tình hình hiện tại khó khăn hơn so với năm 2022, nhất là khi đồng USD đang không ở các mức cao như thời kỳ tháng 10-11/2022.

Vì thế, các chuyên gia này cho rằng những nỗ lực can thiệp để hỗ trợ đồng yen của Nhật bản lần này sẽ có rất ít tác dụng. Điều này có thể tạo thêm bất ổn hơn nữa cho đồng yen và các đồng tiền khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục