Bộ Y tế đang xây dựng hướng dẫn quốc gia về chăm sóc sức khỏe phụ nữ tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh đồng thời hướng dẫn đào tạo nhân lực, triển khai phòng khám tư vấn mãn kinh tại các bệnh viện sản phụ khoa; cùng với các hoạt động truyền thông giáo dục cho cộng đồng phụ nữ chủ động đến khám và điều trị.
Ông Đinh Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế) cho biết tại Hội thảo nhân Ngày Mãn kinh Thế giới - Liệu pháp nội tiết mãn kinh, do Bộ Y tế tổ chức ngày 16/10 tại Hà Nội.
Tai biến sản khoa vẫn còn có sự khác biệt rõ rệt giữa các vùng ở Việt Nam
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, có thực trạng hiện nay là tỷ lệ thăm khám của bà mẹ và trẻ sơ sinh sau đẻ còn thấp. Tình trạng phá thai, vô sinh còn nhiều, tình trạng nhiễm khuẩn đường sinh sản còn cao...
Ông Tuấn cho hay Việt Nam hiện có khoảng 13 triệu phụ nữ ở độ tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh. Nếu tính cả phụ nữ bắt đầu bước vào độ tuổi suy giảm nội tiết tố (sau 35 tuổi) thì có khoảng 20 triệu người (chiếm khoảng 1/5 dân số) bị ảnh hưởng bởi vấn đề này.
Theo các chuyên gia, chăm sóc sức khỏe với phụ nữ ở giai đoạn mãn kinh không có nghĩa chỉ điều trị các rối loạn bệnh lý mà phải có cả biện pháp dự phòng từ sớm, từ xa. Nghĩa là không đợi cho đến khi bước vào tuổi mãn kinh thì mới tìm cách điều trị mà phải có ý thức bổ sung ngay các yếu tố cần thiết để duy trì sức khỏe của người phụ nữ và hạn chế tối đa những ảnh hưởng do suy giảm nội tiết gây ra.
Do đó, chị em phụ nữ cần chủ động thực hiện cải thiện chế độ sinh hoạt, tập luyện, ăn uống và bổ sung các vi chất như canxi, vitamin D và những yếu tố nội tiết nội sinh hoặc là nội tiết từ nguồn gốc thực vật. Nếu có những rối loạn, bất thường cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị phù hợp.
Phó giáo sư Lưu Thị Hồng - Nguyên Vụ trưởng Vụ sức khỏe Bà mẹ Trẻ em, Tổng Thư ký Hội Phụ sản Việt Nam cho biết một khảo sát trên 1.100 phụ nữ mãn kinh tại Việt Nam cho thấy họ thường gặp các rối loạn: bốc hỏa (gần 40%); hồi hộp (gần 63%); chóng mặt (61%); rối loạn giấc ngủ (62%); vã mồ hôi ban đêm (20%). Cảm giác mệt mỏi, bực bội vô cớ (hơn 69%); hay buồn chán (gần 47%); hay quên (gần 85%); hay lạnh bàn chân, bàn tay (16%); khó tập trung (58%); dễ cáu gắt (52%); nhức đầu (72%); ngủ kém về đêm (61%); đau lưng (68%); đau khớp (gần 66%); đau nhức tay chân (gần 71%)…
Theo Phó giáo sư Hồng, dù các vấn đề của phụ nữ mãn kinh rất nhiều nhưng phụ nữ thường không đi khám chuyên khoa mà tự tìm kiếm thông tin trên mạng hoặc qua lời khuyên của bạn bè, người bán thuốc…, chỉ khi các triệu chứng nặng, gây đau đớn hoặc ảnh hưởng đến cuộc sống mới đi khám…
Theo Tiến sỹ Trần Thị Thu Hạnh - Phó Khoa Phụ Nội tiết (Bệnh viện Phụ sản Trung ương), khi các rối loạn mãn kinh ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, phụ nữ cần chủ động tìm đến các chuyên gia y tế sản phụ khoa, chia sẻ và thảo luận về tình trạng của mình để tìm ra các giải pháp phù hợp và không nên chịu đựng mãn kinh trong "im lặng."
Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng nhấn mạnh vai trò của ngành y tế trong quản lý, giáo dục và chăm sóc sức khỏe phụ nữ mãn kinh đồng thời hỗ trợ phụ nữ tiếp cận dễ dàng với liệu pháp nội tiết mãn kinh - giải pháp điều trị được nhiều hiệp hội y tế uy tín trên thế giới khuyến cáo sử dụng./.